Gia Lai nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
TCCSĐT - Chính sách bảo hiểm y tế dành cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân khi ốm đau; đồng thời giúp loại bỏ những tư tưởng hủ tục, lạc hậu khi có người thân đau yếu là tìm đến các thầy lang để cúng trừ tà, trị bệnh, làm những điều mê tín dị đoan. Trong thời gian qua, các chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai tích cực nhằm chăm lo tốt nhất sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Gia Lai là tỉnh miền núi Tây Nguyên có 17 huyện, thị xã, thành phố với dân số hơn 1,4 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%. Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, không đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội cho người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số là sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh, ngôn ngữ bất đồng dẫn đến việc sai lệch thông tin được in trong thẻ bảo hiểm y tế so với các giấy tờ tùy thân. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tổng hợp lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế bị trùng lắp, gặp nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người dân.
Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp nên người dân ngày càng thấy rõ quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo; 70% mức đóng cho đối tượng cận nghèo; 30% với đối tượng thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; 30% đối với học sinh, sinh viên; giảm mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình từ 70%, 60%, 50%, 40% so với người thứ nhất...
Với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tăng cường tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm y tế nên đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh là 1.276.908 người, tỷ lệ bao phủ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 87,45% dân số, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 475.180 người, chiếm 38,1%. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, chủ động nhận thẻ bảo hiểm y tế và sử dụng thẻ có hiệu quả khi đi khám chữa bệnh. Gia Lai đang phấn đấu đến năm 2020 có trên 90,13% dân số có thẻ bảo hiểm y tế.
Để tạo thuận lợi cho việc đi khám chữa bệnh của người đồng bào dân tộc thiểu số, kể từ năm 2009, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã phát hành thẻ có ảnh cho người đồng bào dân tộc thiểu số để tránh việc sai lệch thông tin hoặc người đi khám cầm nhầm thẻ. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin người dùng nên đã tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho bà con mỗi khi đến các cơ sở y tế để khám bệnh. Việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế có dán ảnh nhận dạng đã tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh cũng như trong bảo quản và sử dụng thẻ, từ đó đã nâng cao nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số đối với chính sách bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 34 cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, có 3 cơ sở tư nhân là Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai và Phòng khám Đa khoa Bình An. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa càng có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế khi kinh phí của Nhà nước không thể bảo đảm đầu tư cùng lúc cơ sở vật chất cho toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh tại khắp các địa phương. Đây cũng là tin vui với nhiều người dân khi có thêm nhiều sự lựa chọn các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Ksor H’Graich sống tại làng Pnuk, xã Ia Kriêng của huyện biên giới Đức Cơ cho biết: Bây giờ, người dân trong làng đều đã ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe, đau ốm là phải đến trung tâm y tế huyện hoặc lên bệnh viện tỉnh, chứ không còn tình trạng tìm thầy lang, thầy cúng để chữa bệnh. Phần lớn đều hiểu được vai trò quan trọng của bảo hiểm y tế mỗi khi đi khám chữa bệnh, bản thân cũng như mọi người luôn giữ gìn thẻ bảo hiểm y tế cẩn thận, phòng khi đau ốm thì có cái mà dùng.
Với quy trình chặt chẽ, từ khâu triển khai lập danh sách các đối tượng người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số được ngành Lao động, Thương binh - Xã hội, Ban Dân tộc, phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố quan tâm triển khai thực hiện sớm để làm cơ sở cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tiến hành in, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế đến tận tay người có thẻ để sử dụng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong năm. Tỉnh cũng xuất ngân sách của tỉnh hàng trăm tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 500 ngàn đối tượng người nghèo dân tộc thiểu số đang sinh sống ở 59 xã khó khăn, 68 xã đặc biệt khó khăn của 17 huyện, thị xã, thành phố hưởng chính sách bảo hiểm y tế.
Tỉnh Gia Lai hiện có 222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 219 trạm y tế đủ điều kiện tiếp nhận việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng. Có thể nói, ngành y tế thời gian qua đã quan tâm công tác xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân nói chung và người dân có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng.
Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành liên quan trong triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã tạo điều kiện cho việc chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng này được ngày càng tốt hơn. Có thể khẳng định, chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 13 đến ngày 19-8-2018)  (20/08/2018)
Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng  (20/08/2018)
Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam  (20/08/2018)
Quốc hội Việt Nam có quan hệ với 140 nghị viện các nước  (20/08/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam