Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-02-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:00, ngày 21-02-2018

TCCSĐT - Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 01-2018, xuất khẩu hải sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) có sự biến chuyển khá tốt.


Cung cấp đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về buôn lậu, hàng giả

Do dịp Tết Nguyên đán là thời điểm "nóng" về vấn đề hàng giả, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, Bộ Công Thương đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường (0945.131.911) nhằm tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị, tin báo của tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của lực lượng này.

Thống kê cho thấy, trong tháng 01-2018 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 9.500 vụ, phát hiện xử lý trên 6.600 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 40 tỷ đồng. Đáng chú ý, vấn đề an toàn thực phẩm hàng hóa đang diễn biến khó lường và có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2017, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 2.213 vụ vi phạm về An toàn thực phẩm, tăng 10,3 % so với cùng kỳ năm 2016, với số tiền phạt hành chính là 9,28 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm: 6,54 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là sử dụng người lao động không khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn kiến thức An toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm đã hết hạn, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc...

Vụ việc mới đây nhất, đầu tháng 01-2018, Đội Quản lý thị trường số 15 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện, thu giữ 1,3 tấn nội tạng động vật tại bãi xe ở gầm cầu Thanh Trì. Chủ lô hàng không chứng minh được nguồn gốc và khai nhận đã thu mua ở tỉnh Đồng Nai, đang tập kết ở Thành phố Hà Nội để chuyển lên tỉnh Cao Bằng tiêu thụ.

Trong khi đó, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng kiểm tra cơ sở kinh doanh Hoàng Hải (số 43, khu liền kề 3, đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng), phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua và gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại, cùng vỏ hộp, nhãn mác, máy đóng gói, dập hạn sử dụng.

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, ngày 02-02-2018, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn. Trước mắt sẽ tập trung thực hiện tốt kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã yêu cầu các sở, ngành và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là nhóm mặt hàng cấm, các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội, tập trung vào các tuyến đường hàng không, đường thủy… các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các kho tàng, bến bãi, nhất là các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng) và các ga: Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài…

Xuất khẩu hải sản sang EU chuyển biến tốt trong đầu năm nay


Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 01-2018, xuất khẩu hải sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) có sự biến chuyển khá tốt.

Hầu hết các mặt hàng hải sản xuất khẩu đều tăng trưởng sau khoảng thời gian trầm lắng, do sự cố thẻ vàng về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cụ thể, sau khi bị cảnh báo thẻ vàng của EU, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này chững lại trong 2 tháng cuối năm 2017. Đặc biệt, trong tháng 12-2017, xuất khẩu đã giảm 18% sau khi tăng mạnh trong cả năm. Tương tự, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU trong quý IV-2017 cũng giảm 3,6%, chỉ đạt trên 23 triệu USD.

Tuy nhiên, bước sang tháng 01-2018, xuất khẩu cá ngừ sang EU đã phục hồi trở lại. Cùng với các thị trường khác đưa tổng xuất khẩu cá ngừ trong tháng tăng mạnh gần 21% đạt gần 41 triệu USD, sau khi chỉ tăng 1% trong tháng 12-2017. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU trong tháng 1 cũng phục hồi mạnh góp phần đưa tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng tăng trưởng 5%. Xuất khẩu cá biển và các hải sản khác (trừ nhuyễn thể) cũng tăng đáng kể trong tháng 1. Xuất khẩu cá biển tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 106 triệu USD, cua ghẹ và giáp xác khác tăng gần 7% đạt trên 8 triệu USD.

Dù có tín hiệu tăng trưởng tốt, song xuất khẩu hải sản sang thị trường này được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. EU hiện đang tăng cường kiểm tra giấy Chứng nhận khai thác (C/C) của các lô hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đã có một số bộ hồ sơ của các doanh nghiệp bị cơ quan thẩm quyền EU phản hồi đề nghị cơ quan thẩm quyền Việt Nam xác minh lại thông tin trên C/C.

Hiện Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các giải pháp lấy lại “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam ở thị trường EU. Mới đây nhất, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đồng loạt treo "Bản cam kết chống khai thác IUU" tại cổng công ty hoặc cửa nhà máy chế biến.

Nội dung của Bản cam kết được ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cụ thể, "Công ty cam kết chống khai thác IUU - Công ty chúng tôi cam kết không khai thác bất hợp pháp, thu mua, chế biến và xuất khẩu các nguyên liệu-sản phẩm hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định".

Đây là một trong những hành động thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam chống khai thác IUU, bảo vệ uy tín sản phẩm hải sản xuất khẩu và vì sự phát triển bền vững của nghề cá Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch báo cáo tình hình doanh nghiệp cho Chính phủ


Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tổng hợp, báo cáo tình hình cơ cấu lại, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật rà soát, thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo về tình hình doanh nghiệp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở, chức năng nhiệm vụ được giao hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ, chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính định kỳ hằng quý, năm tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tình hình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội hằng năm; đánh giá, phân tích tình hình thực trạng tài chính của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp dân doanh, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp của các thành phần kinh tế trên phạm vi các nước và định kỳ hàng quý, năm chủ trì, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình phát triển doanh nghiệp FDI trong phạm vi cả nước; tình hình phát triển doanh nghiệp dân sinh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi cả nước; tình hình sắp xếp, phát triển doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác trên phạm vi cả nước theo cơ sở dữ liệu, tình hình doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi và các báo cáo của Bộ Tài chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hằng quý, năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình đổi mới, sắp xếp công ty lâm nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời gửi Bộ Tài chính.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin báo cáo định kỳ và hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phân tích, đánh giá, lập báo cáo, đề xuất về tình hình doanh nghiệp nói chung trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thái Lan khuyến cáo nông dân không tăng sản lượng lúa gạo

Nhằm giữ giá gạo ổn định, Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người nông dân nước này không nên tăng sản lượng lúa gạo vào thời điểm này. Ngày 18-2, dẫn các số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết giá gạo nước này đã tăng đáng kể, nhất là gạo thơm Hommali, hiện ở mức 17.000 baht/tấn (tương đương 543 USD/tấn), cao nhất trong vòng năm năm qua.

Việc giá gạo tăng được cho là do nguồn cung thấp vì chịu tác động của thời tiết xấu, trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Trong tháng Một vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo, thu về 578 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Hiệp hội Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự báo sau khi lên kỷ lục 11,2 triệu tấn trong năm 2017, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo sẽ giảm còn khoảng 9,5 triệu tấn trong năm 2018 vì đồng baht đang tăng giá mạnh.

Chủ tịch TREA, ông Charoen Laothammatas, cho biết nguyên nhân là do lượng gạo tồn trong kho gạo quốc gia đã hết và sản lượng gạo Thái Hommali giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo sản lượng thóc lúa năm 2018 của nước này sẽ đạt 30 triệu tấn, tương đương 22-23 triệu tấn gạo, tương đương với mức năm ngoái. Riêng sản lượng gạo Hommali dự kiến đạt khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên, theo nhận định của TREA, sản lượng thực tế còn phụ thuộc vào diễn biến của thời tiết.

WB kêu gọi thúc đẩy đầu tư và quản lý rủi ro trên toàn cầu


Theo WB, trong số những rủi ro phải kể đến lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng Trung ương) và một số ngân hàng Trung ương khác. Chi phí vay mượn gia tăng có thể gây sức ép đối với hoạt động đầu tư và kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng lưu ý về nguy cơ đến từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị.

Quan chức Shanta Devaraian của WB cho rằng xu hướng bảo hộ mậu dịch của một số nước phát triển, nhất là Mỹ ngày một tăng lên, cũng như ảnh hưởng của Brexit, sẽ tiếp tục làm gia tăng tính không xác định của quan hệ đầu tư và thương mại hiện nay.

Tại Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hong Kong, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhận định đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ khá ổn, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp, châu Âu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng, Nhật Bản đang có nhịp độ tăng trưởng ngắn hạn cao hơn dự kiến, trong lúc xuất hiện nhiều rủi ro chính trị, trong đó có nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên. Bên cạnh đó còn có những lo ngại rằng bong bóng trong nền kinh tế Trung Quốc có thể xì vỡ và chủ nghĩa dân túy gia tăng ở một số nước.

Ông Lew nói tuy triển vọng tăng trưởng của toàn cầu sẽ vẫn ổn định, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần ngăn chặn những rủi ro mà có thể kiểm soát. Còn các nhà đầu tư cần tập trung vào giá trị căn bản khi đưa ra các lựa chọn đầu tư, bởi sẽ có những điều chỉnh trên thị trường theo thời gian và cùng với nhiều rủi ro địa chính trị, trong lúc chu kỳ kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2018 mới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố nêu rõ triển vọng tăng trưởng kinh tế khá mạnh trong năm 2018 mang tới cho các nhà lãnh đạo cơ hội vàng để giải quyết các vấn đề yếu kém trong nhiều hệ thống nền tảng của thế giới như xã hội, nền kinh tế, các quan hệ quốc tế và môi trường.

Báo cáo trên cũng cảnh báo thế giới đang phải gồng mình để theo kịp sự thay đổi nhanh chóng, đồng thời chỉ rõ nhiều lĩnh vực mà nhân loại đang đẩy hệ thống nền tảng tới bờ vực, từ thiệt hại do đa dạng sinh học bị hủy diệt đến những mối lo ngại không ngừng gia tăng nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh mới.

Báo cáo của WEF đã trích dẫn Khảo sát đánh giá rủi ro toàn cầu (GRPS) lấy ý kiến của 1.000 chuyên gia, trong đó nêu rõ 59% số người được hỏi cho rằng các rủi ro gia tăng trong năm 2018 và 7% có quan điểm ngược lại. Bối cảnh địa chính trị phức tạp khiến nhiều người tỏ ra bi quan trong năm 2018, 93% số người được hỏi cho rằng các cuộc đối đầu chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn sẽ càng diễn biến khó đoán và gần 80% ý kiến dự báo rủi ro gia tăng.

Đáng chú ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan được đánh giá là rủi ro thường trực nhất, cùng với sự biến mất của đa dạng sinh học; sự sụp đổ hệ sinh thái; các thảm họa môi trường do con người gây ra; và sự thất bại của việc giảm bớt tác động của các đợt thiên tai lớn, cũng như việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2018 của WEF cũng nêu nhiều nguy cơ khác như mất mùa, sự phát triển hỗn loạn của Internet với nguy cơ xảy ra nhiều vụ tấn công mạng quy mô lớn, các cuộc chiến thương mại, làn sóng chủ nghĩa dân túy đe dọa trật tự xã hội, cuộc khủng hoảng tài chính mới, sự bất bình đẳng về tiếp cận công nghệ sinh học, gia tăng xung đột giữa các nước...

Một quan chức cấp cao của WEF cho rằng cần tận dụng sự phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia để hàn gắn những rạn nứt đã làm suy yếu các thể chế, xã hội và môi trường trên thế giới. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc xem xét nguy cơ đổ vỡ các hệ thống toàn cầu và cùng nhau hợp tác để ngăn chặn điều này./.