Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-02-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
20:37, ngày 21-02-2017

TCCSĐT - Chính phủ vừa ra Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nghị định quy định vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho 6 cơ quan

Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư và danh mục dự án đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 cho Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (gọi tắt là bộ, ngành Trung ương). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết danh mục dự án đủ thủ tục đầu tư và mức kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 cho các bộ, ngành Trung ương trên.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đôn đốc các bộ, ngành Trung ương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 hoặc phân bổ chưa đúng quy định khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết đồng thời, rà soát phương án phân bổ chi tiết số vốn chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa đúng quy định của bộ, ngành Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-02-2017.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương được giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 thông báo cho các đơn vị danh mục và mức kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cho từng dự án theo quy định và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25-02-2017.

Dự kiến phương án phân bổ chi tiết số vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, các nghị định hướng dẫn thi hành và theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các dự án hoàn thành trong năm 2017 và các dự án chuyển tiếp cần đẩy nhanh tiến độ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15-02-2017.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý chỉ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước khi có nguồn thu thực tế và không vượt quá tổng mức vốn được giao và số thu thực tế.

Ngân hàng Trung ương Việt Nam tăng cường hợp tác với Ngân hàng Trung ương Lào và Ngân hàng Trung ương Cam-pu-chia

Ngày 15-02, hội nghị song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Lào đã diễn ra tại Luang Prabang, Bắc Lào dưới sự chủ trì của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Somphao Phaysith.

Tại hội nghị, hai bên đã thông báo những tin tức mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô, việc điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngân hàng thương mại. Hai bên nhất trí trong thời gian tới, hai ngân hàng Trung ương cần tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thỏa thuận hợp tác chung, thỏa thuận hợp tác về thanh toán biên mậu, thanh tra giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền.

Hai bên phối hợp tổ chức thành công hội nghị song phương và chương trình giao lưu văn hóa thể thao thường niên với các hoạt động thiết thực, bổ ích và sáng tạo. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp trong công tác đào tạo; Hợp tác nhóm các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV); Hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực phát hành kho quỹ...

Tiếp đó, ngày 17-02, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Cam-pu-chia Chea Chanto đã cam kết tăng cường hợp tác ngày càng chặt chẽ và thực chất hơn. Tuyên bố trên được hai bên đưa ra tại Hội nghị song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia tại thành phố cổ Siem Reap, tỉnh Siem Reap.

Nhằm tăng cường hợp tác song phương càng hiệu quả, đi vào thực chất hơn, góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, hai bên thống nhất tổ chức hội nghị song phương mỗi năm một lần; tăng cường phối hợp và triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác chung, thỏa thuận hợp tác về thanh toán biên mậu, thanh tra giám sát ngân hàng, phòng chống rửa tiền và phòng chống tiền giả; đẩy mạnh hợp tác nhóm các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam. Ngoài hỗ trợ đào tạo đại học, từ năm 2017, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cấp thêm 15 suất học bổng sau đại học chuyên ngành ngân hàng cho Campuchia.

Hai bên cam kết thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hai nước thiết lập quan hệ hợp tác, hiện diện thương mại và đầu tư ở hai nước, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng và phục vụ tốt hơn nữa hoạt động đầu tư, thương mại và kinh doanh giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai nước.

EVN không được huy động vốn để đầu tư chứng khoán, bất động sản

Chính phủ vừa ra Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nghị định quy định vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền chủ động sử dụng số vốn Nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định; quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo theo đúng quy định cho chủ sở hữu-Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cam kết.

Việc huy động vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam) trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá ba lần.

Hình thức huy động vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quyền sử dụng vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư ra ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Việc đầu tư vốn ra ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (doanh nghiệp cấp II), từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III).

Về đầu tư ra nước ngoài, Nghị định yêu cầu việc sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Eurogroup nỗ lực tìm kiếm bước đột phá mới về vấn đề nợ của Hy Lạp

Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu, được gọi là nhóm Eurogroup, nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để phác thảo một thoả thuận nhằm mở đường cho Hy Lạp nhận được khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này, trong bối cảnh nhiều cuộc bầu cử sắp diễn ra trên khắp châu Âu đe dọa trì hoãn mục tiêu này.

Một quan chức cấp cao thuộc Eurozone bày tỏ hy vọng cuộc họp sẽ đạt được "kịch bản tốt đẹp nhất," theo đó các Bộ trưởng Tài chính Eurozone có thể cùng nhau vạch ra bản phác thảo cơ bản về một thỏa thuận liên quan tới vấn đề nợ của Hy Lạp. Tuy nhiên, một quan chức khác tham gia đàm phán nhận định "đây là cuộc đàm phán hết sức khó khăn".

Hy Lạp đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán 7 tỷ euro (7,43 tỷ USD) vào giữa tháng 7 tới, một nghĩa vụ được cho là bất khả thi nếu Athens không vượt qua được lần đánh giá hiện nay, vốn sẽ giúp Hy Lạp có thể nhận được đợt giải ngân mới từ gói cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này.

Hy Lạp hy vọng cuộc gặp của Eurogroup tại Brussels lần này sẽ đạt được một "thoả thuận chính trị về các nguyên tắc cơ bản" giúp phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán nợ của Athens.

Hong Kong tiếp tục được bình chọn là nền kinh tế tự do nhất thế giới

Theo Báo cáo Chỉ số tự do kinh tế toàn cầu năm 2017 của Heritage Foundation (Mỹ), tổng điểm của Hong Kong năm 2017 là 89,8/100 điểm đứng thứ nhất và cao hơn 1,2 điểm so với năm 2016, đồng thời cao hơn nhiều so với điểm số bình quân toàn cầu (60,9 điểm). Trong khi đó, Singapore tiếp tục đứng thứ hai với 88,6 điểm, tăng 0,8 điểm so với năm ngoái. Xếp sau đó lần lượt là New Zealand, Thụy Sĩ và Australia.

Trong số 12 yếu tố đánh giá mà báo cáo nêu ra, Hong Kong đã có 8 yếu tố giành được thành tích tốt với 90 điểm trở lên, đồng thời được giành được vị trí số 1 thế giới về các khía cạnh “tài chính lành mạnh”, “tự do thương mại” và “tự do tài chính” trong cuộc bình chọn của Heritage Foundation đối với 180 nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó chỉ số “tài chính lành mạnh” giành được điểm tối đa (100/100 điểm).

Báo cáo của Heritage Foundation khen ngợi Hong Kong đã chứng tỏ khả năng thích ứng kinh tế ở mức cao, tiếp tục là một trong những trung tâm tài chính và thương mại có sức cạnh tranh nhất thế giới. Báo cáo chỉ rõ pháp luật Hong Kong bảo đảm hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ tích cực việc quản lý theo pháp luật. Mức độ minh bạch cao cũng giúp mang lại tính toàn vẹn cho chính quyền Đặc khu.

Ngoài ra, chính sách quản lý hiệu quả và mở cửa thông thoáng của Hong Kong đã hỗ trợ tích cực các hoạt động kinh doanh, tăng cường tương tác với Trung Quốc đại lục thông qua các mối liên kết tài chính và phi kinh tế khác. Hong Kong vẫn là điểm trung chuyển chính về xuất nhập khẩu của Trung Quốc đại lục./.