TCCS - Phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí và đời sống nhân dân có vai trò quan trọng trong việc thực hiện vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. Để thực hiện tốt các mục tiêu này, những năm qua, ở Nghệ An, chính quyền địa phương nỗ lực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản lý phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiết thực cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Làng Xiềng, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo_Nguồn: dantocmiennui.vn

Trong mối quan hệ với bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương bao gồm hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, những thiết chế thực hiện sự quản lý, điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là 3 cấp chính quyền gần dân nhất trong hệ thống hành chính 4 cấp ở nước ta, với nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện chủ trương, kế hoạch, chương trình, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội và quản lý phát triển xã hội địa phương. Chính quyền địa phương không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định, mà còn phải huy động mọi nguồn lực chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng là đẩy nhanh phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, từng bước phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Để đạt được mục tiêu trên, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thì việc đề xuất cơ chế, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia của chính quyền địa phương là vấn đề hết sức quan trọng.

Với đặc thù là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500km2), Nghệ An có tới 27 xã biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có đường biên giới đất liền với nước bạn Lào dài nhất nước (khoảng 419,5km), với 21 huyện, thành phố, thị xã, 460 xã, phường, thị trấn. Trong đó, vùng miền núi có 11 huyện, thị xã; có 5 huyện miền núi cao với 97 xã, thị trấn. Diện tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh lên tới 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên, bao gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản (trong đó, có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã thuộc khu vực II và 46 xã thuộc khu vực I; 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn). Dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 1.197.628 người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Hiện nay, Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số với dân số đông nhất, bao gồm dân tộc Thái có 338.559 người, dân tộc Thổ có 71.420 người, dân tộc Khơ Mú có 43.139 người, dân tộc Mông có 33.597 người, dân tộc Ơ Đu có 411 người(1). Mật độ bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khoảng 40 người/km2.

Theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, của Chính phủ, “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”, toàn tỉnh Nghệ An có 3 huyện là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước; có 111 xã và 191 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi thuộc diện đầu tư trong Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, đây là vùng có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái của tỉnh; là địa bàn có nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai để trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, khai thác khoáng sản và phát triển thương mại, du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý xã hội, phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vai trò của chính quyền cấp xã trong phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội là vấn đề, nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với tỉnh Nghệ An.

Thực trạng hiện nay

Trong những năm qua, đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, cần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng miền núi đặc biệt khó khăn theo hướng thiết thực, bền vững..., quan tâm nhiều hơn đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi phía Tây, vùng biên giới và đồng bằng ven biển.

Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Có được thành quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển, kịp thời nêu giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi. Tiêu biểu như, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi(2). Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, giao ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành lập ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, thành lập tổ công tác và ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác cấp huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp xã thành lập ban quản lý cấp xã, ban giám sát đầu tư của cộng đồng để tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành văn bản điều hành để tiến hành tổ chức triển khai thực hiện. Tỉnh cũng tập trung sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc; báo cáo đề xuất với các bộ, ngành trung ương hướng xử lý đối với những nội dung vượt thẩm quyền nhằm giải quyết vướng mắc của địa phương, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu được giao. Tính đến ngày 30-6-2022, Nghệ An là một trong sáu tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phân bổ vốn và cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc theo Kế hoạch số 277/KH-UBND, ngày 27-4-2022, “Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025” với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1 - 1,5%/năm, trong đó vùng miền núi từ 2 - 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 1 - 2 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo.

Việc phối hợp và triển khai đồng bộ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có liên quan; sự đồng thuận của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đối với Đảng và Nhà nước góp phần giúp đạt được nhiều kết quả bước đầu trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An. Đời sống về mọi mặt của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Cụ thể, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, giải quyết nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khỏe. Các chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng... đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần từng bước ổn định. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội dần được bảo đảm. Nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được lưu giữ, bảo tồn, phát huy; tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 và năm 2022 của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh giảm khoảng 3,63% và 3,74%, vượt kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thực tế cũng cho thấy còn nhiều lợi thế của miền Tây Nghệ An chưa được khai thác và phát huy xứng tầm với tiềm năng; tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh vẫn còn cao. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An còn 45.333 hộ nghèo (tương đương 5,19%), 50.063 hộ cận nghèo (tương đương 5,73%). Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều lúng túng. Hệ thống văn bản hướng dẫn của Trung ương, địa phương chưa thật sự kịp thời, đồng bộ dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều lúng túng trong triển khai ở cơ sở. Quá trình đề xuất lựa chọn danh mục dự án đầu tư còn chậm, tỷ lệ giao chi tiết kế hoạch vốn thấp; một số ngành, địa phương chưa phối hợp tốt với với các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An_Nguồn: baonghean.vn

Quan điểm phát triển và một số giải pháp

Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18-7-2023, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Chính trị xác định, “... phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện”,  đẩy mạnh phát triển “kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”,... “Tăng cường quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới”. “Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống là động lực nội sinh cho phát triển”, “phát triển kinh tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới”(3). Trong đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, trong đó có 3 hành lang kinh tế liên quan đến phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế cửa khẩu, đó là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế quốc lộ 7 và Hành lang kinh tế quốc lộ 48A. Trọng tâm kinh tế của các hành lang kinh tế này là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái.

Trên tinh thần đó, Chương trình hành động số 68-CTr/TU, ngày 15-11-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, “Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định phát triển bền vững miền Tây trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa... bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Để thực hiện được các mục tiêu này, đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh xác định tập trung vào một số vấn đề trọng tâm:

Thứ nhất, quan tâm công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; kịp thời thành lập ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của chính quyền các cấp, nhất là công tác kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền vận động, chỉ đạo rà soát vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, định mức trong quá trình thực hiện. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm đối với từng sở, ngành, đơn vị, địa phương trong kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hằng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị tại các vùng đặc thù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, nâng cao nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, kịp thời sửa đổi và cập nhật khi có sự thay đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, đề án, kế hoạch. Hoàn thiện cơ chế khuyến khích và huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp vào việc hỗ trợ nhân dân thoát nghèo bền vững. Phân cấp, phân quyền rõ để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với doanh nghiệp, nhân dân, nhất là cấp cơ sở để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, vận dụng mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông. Đây được xem là nút thắt kinh tế, là lối thoát nghèo bền vững cho đồng bào, tuy nhiên, hiện nay, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, địa bàn xa, địa hình phức tạp. Toàn tỉnh vẫn còn 3 xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông (huyện Tương Dương) chưa có đường ô-tô nội huyện đến trung tâm xã. Vì vậy, việc cần làm sớm, làm ngay đó là tập trung vận dụng mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện huy động vốn các dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại các Dự án 1, Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế “đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực kinh tế với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới với Nghệ An”(3), đưa các cửa khẩu thành trung tâm kinh tế, hàng hóa, thành mắt xích quan trọng của tiểu vùng trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thứ ba, quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An sản xuất ra nhiều loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, đồng bào còn gặp nhiều rào cản, khó khăn, như giá cả không ổn định, khó tiếp cận với thị trường, chưa được đưa vào sản xuất hàng hóa với số lượng lớn. Vì vậy, các cấp quản lý nhà nước cần có chính sách nhằm bảo đảm việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc. Các cây, con đặc sản tại chỗ, đặc sản các dân tộc, như khoai sọ, bí, dưa rẫy, cải, bò Mông, lợn đen, gà đen, vịt Quỳ Châu... cần được sản xuất theo phương thức tập trung quy mô hàng hóa, có khối lượng nhiều. Chính quyền các cấp cần có chiến lược, sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của vùng. Ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản; khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và huy động sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tìm kiếm và phát triển thị trường, nhằm phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, ổn định đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, tránh tình trạng sản xuất ra không có người tiêu thụ hoặc tiêu thụ theo cơ chế tự phát. Mặt khác, chính quyền các cấp cần kịp thời triển khai tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả việc xác định đối tượng áp dụng, triển khai kế hoạch giải ngân vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ hỗ trợ đồng bào sản xuất chuỗi giá trị tại Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Thứ tư, chú trọng phát triển kinh tế rừng. Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước và tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 1.147.752ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 328.409ha, rừng đặc dụng là 171.029ha, đất rừng sản xuất là 648.314ha. Xét về tiềm năng, nếu có hướng đi đúng thì các tài nguyên từ rừng có thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống. Hiện nay, phần lớn dược liệu từ thực vật quý nhất của tỉnh Nghệ An đều ở đất rừng, sống dưới tán rừng, việc gắn rừng với dược liệu nhằm thực hiện chiến lược rừng với chiến lược dược liệu là vấn đề hết sức quan trọng. Nói cách khác, chỉ có trồng rừng nhiều tầng và quan tâm kinh tế dưới tán rừng để kinh doanh tổng hợp thì mới phát huy được thế mạnh của những cánh rừng già tại tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung Bộ; phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”. Vì vậy, chính quyền các cấp cần xây dựng một chương trình tổng thể, nhất quán về chủ trương, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn việc phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển dược liệu theo hướng bảo tồn và khai thác dược liệu trong tự nhiên, phát triển dược liệu dưới các tán rừng nguyên sinh và tập trung trồng mới ở một số đối tượng cho phép. Tập trung trồng rừng đa sản phẩm, rừng “hỗn giao” có gỗ, có sản phẩm phi gỗ, sản phẩm dài ngày, sản phẩm ngắn ngày, các loài dược liệu, kết hợp trồng hoa lan, nuôi ong lấy mật... vừa bảo đảm thu nhập trước mắt, vừa bảo đảm thu nhập lâu dài của đồng bào, đồng thời đáp ứng được điều kiện với thị trường tín chỉ các-bon trong tương lai. Mặt khác, tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống, có thể xen canh để nuôi trồng thêm các loại dược liệu dưới các tán rừng theo chương trình dược liệu mà tỉnh Nghệ An đã xác định.

Thứ năm, phát triển sinh kế các giá trị văn hóa của các dân tộc. Tỉnh Nghệ An với 47 dân tộc thiểu số, đồng nghĩa với đó là 47 giá trị, bản sắc văn hóa khác nhau. Mỗi dân tộc đều có sản phẩm văn hóa truyền thống. Vì vậy, cần có các giải pháp tăng cường gắn kết giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp cần tăng cường phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể theo hướng hỗ trợ, phát triển sinh kế, phát triển công nghiệp văn hóa; đưa sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, đến với thị trường thế giới. Quan tâm phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, như nghề ghế mây, bồ đựng quần áo, hộp kim chỉ, nghề trồng gai và chế biến các sản phẩm từ cây gai, như võng, lưới săn thú, lưới đánh cá của đồng bào dân tộc Thổ; nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ người dân tộc Thái...; hỗ trợ nhân dân tạo các mô hình khởi nghiệp, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động lữ hành, phát triển du lịch, thông qua các hình thức “Du lịch cộng đồng”, “Du lịch di sản”, “Du lịch cội nguồn”... Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã hình thành một số khu du lịch cộng đồng, bước đầu đưa lại kết quả trong phát triển kinh tế, văn hóa của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, như khu du lịch thác Khe Bàn, xã Châu Bình và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; du lịch cộng đồng tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ; du lịch cộng đồng tại Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, bản Nà Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông...

Để khai thác tối đa các giá trị tại các khu du lịch cộng đồng, tỉnh Nghệ An cần quan tâm gắn du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa, đặc sản tại chỗ, tạo môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị cho đồng bào, trong đó cơ quan chính quyền tạo lập cơ chế, chính sách; doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng thương hiệu riêng, bền vững cho các sản phẩm văn hóa của đồng bào. Tổ chức nhiều sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch, từ đó tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước./.

--------------------------

(1) Báo cáo số 528/BC-UBND, ngày 18-7-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, “Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến ngày 30-6-2023”
(2) Như Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 24-6-2022, “Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021  - 2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 12-10-2022, “Về kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, ngày 12-11-2022, “Quy định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh”
(3) Xem Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tầm nhìn đến năm 2045”