Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19 đến ngày 25-12-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv)
21:55, ngày 26-12-2016

TCCSĐT - Năm 2016, bên cạnh những biến động chính trị bất thường, thị trường tài chính - tiền tệ cũng góp phần không nhỏ vào các mối quan ngại của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ và đồng bảng Anh đã trải qua những thời khắc đáng nhớ. Đó là ba sự kiện khiến các thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu xáo động cực mạnh trong một ngày trong năm 2016.

Các ngân hàng đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng gói nhà ở xã hội

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-11-2016, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội (gói 30.000 tỷ đồng) đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến đến ngày 31-12-2016 (thời điểm kết thúc chương trình) sẽ giải ngân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, với nỗ lực của ngành ngân hàng, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực. Trong quá trình triển khai chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, các ngân hàng thương mại nhằm đẩy mạnh việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn ưu đãi để cải thiện về chỗ ở.

Tăng cường sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước


Dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách Nhà nước” được triển khai tại 10 xã: Nà Mèo, Nà Phòn, Chiềng Châu, Thị trấn Mai Châu, Tòng Đậu (huyện Mai Châu) và xã Cư Yên, Nhuận Trạch, Hợp Hòa, Trường Sơn, Cao Răm (huyện Lương Sơn) của tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong hai tỉnh thực hiện Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, thông qua Tổ chức Oxfam, từ tháng 3-2015 đến tháng 02-2018.

Dự án đã góp phần tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào ngân sách nhà nước tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện mục tiêu nhằm tăng cường vai trò của người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ trong việc tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát ngân sách Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát ngân sách công. Qua đó tạo cơ sở để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động của ngân sách Nhà nước, có kết quả tốt và phát triển bền vững trong tương lai.

Dự án tập trung thực hiện những hoạt động chính như: nâng cao nhận thức về hoạt động thu, chi ngân sách cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ ở địa phương. Từ đó góp phần tác động tới việc thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo và phát triển ở địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện hoạt động có hiệu quả hơn trong vai trò giám sát các quá trình thu, chi ngân sách, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào các hoạt động này.

EVFTA bỏ cơ chế kiểm tra nhu cầu kinh tế tại Việt Nam vào 2023

Trong vòng 5 năm đầu, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ xem xét việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở bán lẻ tại Việt Nam (ngoài cơ sở thứ nhất) dựa vào kiểm tra nhu cầu kinh tế, trừ trường hợp thành lập cơ sở bán lẻ nhỏ hơn 500m2 trong khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, kể từ năm 2023 trở đi, Việt Nam sẽ xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở bán lẻ tại Việt Nam mà không cần tiến hành việc kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Ngoài việc bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế, Việt Nam vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Lâu nay, cơ chế kiểm tra nhu cầu kinh tế là một trong những hành lang pháp lý để bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa hoàn toàn cho các nhà bán lẻ nước ngoài, song nếu muốn mở cơ sở bán lẻ thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế.

EU cảnh báo nguy cơ rạn nứt quan hệ thương mại với Mỹ


Ngày 23-12, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo nguy cơ rạn nứt trong quan hệ thương mại với Mỹ sau khi Washington đe dọa đánh thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ EU nhằm gây sức ép buộc EU dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò được nuôi bằng thức ăn có chứa hormone tăng trưởng của Mỹ.

Trong một tuyên bố, EU khẳng định đã hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận đạt được giữa hai bên vào năm 2009, và việc Mỹ chấm dứt thỏa thuận này, đe dọa áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của EU chắc chắn sẽ khiến cho quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU đi đến một bước lùi rất đáng tiếc. Tuy nhiên, EU cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đạt được năm 2009, với hy vọng bất đồng sẽ được giải quyết.

Lời cảnh báo của EU được đưa ra một ngày sau khi Mỹ đe dọa sẽ áp đặt lại các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU nhằm đáp trả việc EU tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò được nuôi bằng thức ăn có chứa hormone.

Quyết định của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU rơi vào bế tắc và nhiều khả năng không được thông qua sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Các quan chức châu Âu đã hy vọng rằng bất đồng giữa hai bên liên quan đến thịt bò sẽ được tháo gỡ thông qua hiệp định này.

Những "cú sốc" đối với các thị trường toàn cầu trong năm 2016


Năm 2016, bên cạnh những biến động chính trị bất thường, thị trường tài chính - tiền tệ cũng góp phần không nhỏ vào các mối quan ngại của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ và đồng bảng Anh đã trải qua những thời khắc đáng nhớ. Sau đây là ba sự kiện khiến các thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu xáo động cực mạnh trong một ngày trong năm 2016.

Sự kiện đầu tiên diễn ra ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2016 (04-01-2016), chỉ số chứng khoán Shanghai (SCI) khi đó đã rơi tự do, giảm tới 6,9%. Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến để mất tới 8,2% trong một ngày giao dịch được cho là tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2007.

Đến cuối tháng 01-2016, chỉ số SCI đã giảm 23%. Đây có thể chỉ là “dư chấn” của những bất ổn trong năm 2015, song một điều không thể phủ nhận là những xáo động đầu năm ở Trung Quốc đã khởi đầu cho làn sóng bán mạnh cổ phiếu trên nhiều thị trường khác, từ London tới New York, cũng như thiết lập xu hướng biến động mạnh trên các thị chứng khoán toàn cầu trong suốt một năm qua.

"Cú sốc” thứ hai là sự rớt giá mạnh của đồng bảng Anh. Trong năm 2016, đồng bảng Anh đã trải qua hai lần mất giá lớn. Đây là điều hiếm gặp đối với một đồng tiền mạnh. Lần rớt giá mạnh đầu tiên diễn ra vào ngày 24-6, sau khi Anh công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy người dân nước này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tại thời điểm kết quả kiểm phiếu xác nhận quyết định Brexit, đồng bảng Anh đã giảm 11,1%, xuống còn 1,3224 USD/bảng, mức thấp nhất trong 31 năm. Điều này cho thấy sự bất an của giới đầu tư đối với tương lai của nước Anh khi đứng ngoài EU. Trong ba tháng sau đó, đồng bảng Anh dao động quanh mức 1,28-1,33 USD/bảng. Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 07-10, chỉ trong vòng hai phút, đồng bảng Anh đã bất ngờ giảm từ 1,26 USD/bảng xuống còn 1,18 USD/bảng, trong bối cảnh đồng bảng chịu nhiều sức ép kể từ sau khi Thủ tướng May tuyên bố sẽ kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trước cuối tháng 3-2017. Dù rằng sau đó thị trường phục hồi lên mức 1,24 USD/bảng, uy tín của đồng bảng Anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay, một đồng tiền tăng giá hay mất giá mạnh không phải là điều quá bất ngờ. Tuy nhiên, hiện tượng một đồng tiền mạnh của thế giới bị mất giá lớn trong một khoảng thời gian ngắn lại là điều ít thấy.

Sự kiện thứ ba gắn với chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thị trường kỳ hạn của chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 800 điểm, trong khi giao dịch của chỉ số S&P 500 bị tạm ngưng, sau khi chỉ số này giảm tới 5%.

Giới đầu tư lo ngại các cam kết bảo hộ kinh tế của ông Trump sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và gây thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, rốt cuộc, thị trường đã tin rằng ông Trump sẽ không đối đầu với các đối tác thương mại toàn cầu, các chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời chủ trương nới lỏng các quy định kinh doanh của ông Trump cũng sẽ hỗ trợ nhiều ngành như ngân hàng hay y tế.

Đến ngày 09-11, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1%, khởi đầu cho chuỗi ngày tăng giá và liên tục thiết lập các kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Mỹ. Carl Icahn, nhà đầu tư tỷ phú và cố vấn cho ông Donald Trump, đã sớm rời bữa tiệc mừng chiến thắng của ông Trump để quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào cổ phiếu. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNBC, ông cho biết điều hối tiếc duy nhất là ông đã không mua nhiều cổ phiếu hơn./.