Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp. Khu công nghiệp luôn được xem là mô hình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến đầu năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt 17 khu công nghiệp của tỉnh với tổng diện tích hơn 7000 ha. Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 600 dự án của các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đăng ký hơn 7,1 tỉ USD. Trong số này, các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài chiếm tới 83%. Các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai thu hút khoảng 80% dự án đầu tư nước ngoài và chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho gần 200.000 người.

Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo quy hoạch, kiểm soát và xử lý chất thải công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất và vốn đầu tư; tăng năng lực xuất khẩu và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Những thành quả bước đầu đạt được của các khu công nghiệp ở Đồng Nai xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" là nhân tố quan trọng.

Theo cơ chế này, các nhà đầu tư khi có nhu cầu, chỉ cần đến một nơi là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, tiện lợi như: cấp và điều chỉnh giấy phép đầu tư, cấp giấy phép xuất nhập khẩu, cấp và gia hạn giấy phép lao động, cung ứng lao động, giải quyết tranh chấp lao động và các thủ tục khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các nhà đầu tư.

Cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ" do Ban Quản lý khu công nghiệp thực hiện theo nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP ngày 24-4-1997 của Chính phủ và thông qua cơ chế ủy quyền của các Bộ, ngành Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, thương mại, lao động… trong các khu công nghiệp. Với cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ", Ban Quản lý khu công nghiệp được quyền xin ý kiến trực tiếp các Bộ về những vấn đề chuyên môn mà nhà đầu tư đặt ra vượt ngoài quyền hạn của mình, để giải quyết kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư.

Bên cạnh cơ chế được ủy quyền từ các Bộ, Ngành Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp cũng đã chủ động thực hiện sự phối hợp với các sở, ngành của tỉnh như: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại - Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Hải quan, Điện lực, Bưu điện, Công an tỉnh… để góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Việc phối hợp này giúp đảm bảo cơ chế "một cửa, tại chỗ" được thực hiện một cách hiệu quả. Ban Quản lý khu công nghiệp vẫn là cơ quan quản lý hành chính trực tiếp, còn các sở, ngành quản lý chuyên môn, nghiệp vụ trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính ở địa phương theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý khu công nghiệp đã nghiên cứu, áp dụng vào việc thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" thông qua một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bộ phận này là nơi duy nhất có trách nhiệm nhận hồ sơ và trả lại kết quả đã giải quyết cho các nhà doanh nghiệp khi đến Ban Quản lý khu công nghiệp để giải quyết các yêu cầu của mình. Như vậy, các nhà doanh nghiệp không phải trực tiếp đến từng phòng chuyên môn của Ban Quản lý như trước đây. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc công khai về thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, phí và lệ phí.

Hình thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến Ban Quản lý khu công nghiệp để liên hệ giải quyết những thủ tục cần thiết. Hiện tại các lĩnh vực chủ yếu trong hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thực hiện thông qua đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả như: cấp và điều chỉnh giấy phép đầu tư, cấp giấy phép xuất nhập khẩu, cấp và gia hạn giấy phép lao động, cấp chứng chỉ C/O Form Đồng Nai, quyết toán vốn đầu tư, đăng ký Hội đồng quản trị, đăng ký chế độ kế toán, đăng ký nội quy lao động…

Ban Quản lý khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong công tác chuyên môn. Theo đó, việc xử lý hồ sơ được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt; quá trình giải quyết hồ sơ của nội bộ được kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, Ban Quản lý khu công nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết, quản lý hồ sơ thông qua mạng máy tính nội bộ: triển khai Website trên Internet để cung cấp công khai các thông tin về chế độ, chính sách có liên quan, các quy định cần thiết.

Với quan điểm "xem khó khăn của nhà đầu tư như khó khăn của chính mình", Ban Quản lý khu công nghiệp đã chủ động, tích cực cải tiến phương thức, lề lối làm việc, tiến hành đồng bộ các biện pháp, từ việc hình thành và hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn đã nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ, tăng cường hiệu lực chỉ đạo điều hành, rút ngắn thời gian so với quy định, cụ thể như: thời gian cấp giấy phép xuất nhập khẩu từ 15 ngày theo quy định của Bộ Thương mại được rút ngắn còn trung bình 3 ngày, trong đó 70% số giấy phép được cấp trong 1 ngày, 27% trong 2 ngày; cấp giấy phép đầu tư từ 15 ngày theo quy định, 2/3 hồ sơ được rút ngắn còn 7 ngày, 50% được giải quyết từ 3 - 5 ngày; cấp chứng chỉ C/O Form Đồng Nai trong 2 giờ…

Có thể nói, qua hơn 13 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, việc thực hiện quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" ở Đồng Nai là nhân tố quan trọng góp phần vào thành công chung của các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số khó khăn vướng mắc cần được xem xét, nghiên cứu và tìm biện pháp khắc phục.

Thứ nhất, mô hình tổ chức Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh hiện nay vẫn còn "lơ lửng" giữa cấp trung ương và cấp địa phương. Theo quy chế khu công nghiệp thì Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh không phải là cấp sở, vì Ban Quản lý do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Đặc biệt, sau khi Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam được chuyển về Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo Quyết định số 99/2000/QĐ-TTg ngày 17-8-2000 của Thủ tướng Chính phủ thì nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý khu công nghiệp không biết phải liên hệ với cơ quan nào để có hướng dẫn giải quyết.

Thứ hai, do chưa coi trọng đúng mức tính đặc thù của khu công nghiệp nên một số bộ, ngành Trung ương trong khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực chuyên ngành, lại không hướng dẫn các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, làm ảnh hưởng đến việc quản lý theo cơ chế "một cửa, tại chỗ".

Thứ ba, một số ngành như Hải quan, Thuế vụ… chịu sự chỉ đạo của ngành dọc cấp trên mà chưa coi trọng vai trò quản lý tổng hợp của Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh đối với các doanh nghiệp khu công nghiệp, nên vẫn còn tình trạng giải quyết công việc không đồng bộ, gây ra những bất hợp lý không cần thiết.

Thứ tư, việc phối hợp giữa Ban Quản lý khu công nghiệp và các sở, ngành ở một số lĩnh vực hoạt động của khu công nghiệp chưa thật chặt chẽ, do đó có nhiều khó khăn trong việc quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, nhất là trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh sau giấy phép.

Thực tế trên cho thấy, cần có những biện pháp tích cực nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ", góp phần thúc đẩy sự phát triển của Khu công nghiệp nói riêng và kinh tế của Đồng Nai nói chung. Cụ thể:

Một là, nghiên cứu xác định đúng vị trí của Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp tỉnh trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Từ đó, đưa ra một mô hình tổ chức bộ máy phù hợp để có thể vận hành tốt cơ chế quản lý "một cửa, tại chỗ".

Hai là, tiến hành hệ thống hóa, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách trong các khu công nghiệp để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp và giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.

Ba là, xây dựng quy chế tăng cường phối hợp hoạt động giữa Ban Quản lý khu công nghiệp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh; nghiên cứu phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số lĩnh vực về quản lý vốn, lao động, môi trường…để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Bốn là, để thực hiện tốt cơ chế "một cửa, tại chỗ", cần quan tâm chú trọng đến đội ngũ cán bộ, công chức; cần đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức nói chung và công chức quản lý khu công nghiệp nói riêng thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt và có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu cải tiến, hợp lý hóa quy trình xử lý công việc trong nội bộ Ban Quản lý khu công nghiệp để nâng cao hơn nữa về chất lượng và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Sáu là, hoàn chỉnh Website hiện nay của Ban Quản lý khu công nghiệp, cung cấp những thông tin phong phú, cần thiết cho doanh nghiệp; phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; nghiên cứu hiện thực các "dịch vụ hành chính công" như: dịch vụ cấp mới, gia hạn sửa đổi, thị thực cho chuyên gia nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, dịch vụ xin cấp hộ chiếu, thị thực cho công dân Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp khu công nghiệp đi đào tạo ở nước ngoài; nghiên cứu thực hiện việc đăng ký kinh doanh đầu tư qua mạng…