1 - Ở nước ta hiện nay, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng của việc củng cố, hoàn thiện bộ máy công quyền "công bộc của dân", có quan hệ trực tiếp đến lợi ích của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đang triển khai thực hiện "Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 một cách toàn diện và sâu sắc". Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện còn rất hạn chế, chưa có sự chuyển biến đáng kể. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đang là một vấn đề bức xúc.

Trong quản lý hành chính, người dân cũng như các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phàn nàn quá nhiều về lối làm việc quan liêu, cửa quyền; về thủ tục hành chính rườm rà, phiền toái. Hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh còn diễn ra phổ biến ở các cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà; cấp chứng chỉ quy hoạch, giới thiệu địa điểm cho các dự án đầu tư. Ở không ít cơ quan hành chính, kỷ cương bị buông lỏng, không nghiêm, còn có tình trạng cấp dưới né tránh, không chịu thực hiện chỉ thị của cấp trên. Xin nêu một số sự việc cụ thể:

Trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Khiếu nại, tố cáo của nhân dân là sinh hoạt bình thường của một xã hội dân chủ. Xã hội dân chủ luôn bảo đảm cho nhân dân có được quyền ấy. Thế nhưng, ở nước ta hiện nay, không ít cán bộ chính quyền các cấp có thẩm quyền lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không chịu đứng ra giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Cấp dưới chuyển lên cấp trên, cấp trên lại đưa về cấp dưới, sinh ra tình trạng dây dưa kéo dài năm này sang năm khác. Người dân phải nhiều lần đến "cửa công", chịu cảnh phiền hà, tốn kém mà vẫn không được giải quyết, hoặc có được giải quyết nhưng không "thấu tình đạt lý", không công bằng, buộc họ phải khiếu kiện vượt cấp. Khi thảo luận Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi) ở Quốc hội, một số đại biểu gọi hiện tượng không giải quyết và cũng không trả lời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân là căn bệnh "thờ ơ vô cảm".

Trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là nguyện vọng thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nó liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, mua bán, vay mượn, thừa kế... Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (còn gọi là "cấp sổ đỏ") cũng diễn ra chậm chạp và gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Có nhiều hộ gia đình làm đơn với đầy đủ thủ tục, giấy tờ xin chính quyền "cấp sổ đỏ" đã 4, 5 năm mà vẫn chưa được giải quyết. Họ phải đi lại nhiều lần, đến "gõ cửa" chính quyền từ xã, phường, đến quận, huyện, nhưng vẫn không kết quả và vẫn phải chờ đợi. Trong khi đó có những người đưa nhiều tiền cho bọn "cò môi giới" thì lại được giải quyết ngay.

Trong đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác quản lý và giám sát tài chính trong đầu tư xây dựng còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều công trình kém chất lượng, tình trạng lãng phí, thất thoát khá nghiêm trọng. Nhiều công trình chưa bàn giao hoặc bàn giao không bao lâu đã xuống cấp. Theo Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, riêng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hầu như không có công trình nào thất thoát dưới 20%. Nếu theo tỷ lệ đó nhân lên, mỗi năm nước ta bị thất thoát khoảng 30 ngàn tỉ đồng. Số tiền này đủ trả lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp của cả nước. Nếu giảm được 10% số thất thoát trong xây dựng cơ bản có thể đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Để đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg về thực hiện cơ chế "một cửa". Ngay tại Điều 1, Quyết định đã nêu rõ mục tiêu của cơ chế "một cửa" là nhằm giảm phiền hà cho tổ chức, công dân, chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Theo Quyết định này, các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương bắt đầu thực hiện cơ chế "một cửa" từ tháng 9-2003. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực hiện đó còn rất hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Người dân thường nói với nhau: đi theo mười "cửa đỏ" không bằng một "cửa đen". "Cửa đỏ" là cửa trực tiếp với người đại diện cơ quan hành chính, còn "cửa đen" là cửa thông qua "cò môi giới" - mọi việc giao cho "cò" làm tất, chỉ tốn một số tiền là đâu vào đấy, có kết quả ngay. Người có tiền họ làm như vậy. Còn người nghèo thì sao?

Theo Thủ tướng Phan Văn Khải, hiện nay, điều mà Quốc hội lo lắng và Chính phủ không an tâm, đó là việc tổ chức chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, thể chế đang là khâu yếu nhất trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Nhiều bộ và chính quyền địa phương chưa dứt bỏ được tệ quan liêu, thiếu nhạy cảm và nghiêm túc trước những vấn đề bức xúc do yêu cầu của cuộc sống, của nhân dân đặt ra. Phương thức hoạt động và lề lối làm việc vẫn chưa hết dấu ấn của cơ chế cũ. Trong khi đó, do cơ chế, chính sách mới có chỗ đụng chạm đến lợi ích cục bộ của ngành, của địa phương, cơ sở nên xuất hiện tình trạng làm cầm chừng hoặc né tránh không làm. Trong nhiều trường hợp, các quy định về thể chế hành chính đề ra còn thiên về dành thuận lợi cho cơ quan và công chức (1).

2 - Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất quan tâm đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Nói về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, Người viết: "Tinh thần trách nhiệm... là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công" (2). Người còn nhấn mạnh: "Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ" (3). Còn thiếu tinh thần trách nhiệm, theo Người, là làm việc một cách cẩu thả, làm cho có chuyện; dễ làm, khó bỏ; đánh trống, bỏ dùi; gặp sao hay vậy.

Hiện nay, sự thiếu tinh thần trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính không chỉ gây trở ngại cho việc cải cách hành chính mà còn gây trở ngại cho việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Đây là vấn đề bức xúc cần được chấn chỉnh ngay. Sự thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là sự tác động của những nhân tố tiêu cực của tình hình thế giới đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, công chức. Nhưng ở đây, chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan, bao gồm:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước chưa quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức cũng như chưa kiên quyết xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm; còn thiếu những quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Thứ hai, nhiều cán bộ, công chức thiếu sự tu dưỡng, dùi mài tinh thần trách nhiệm; mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, tự tư, tự lợi, tư tưởng cục bộ, địa phương.

Thứ ba, lãnh đạo của nhiều cơ quan hành chính thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý cán bộ, công chức, "thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí" (4).

Thứ tư, trong tổ chức chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Do đó, khi mắc khuyết điểm thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ thì không cơ quan nào, không người nào chịu trách nhiệm và phải bị xử lý kỷ luật, mà "hòa cả làng".

3 - Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính ở nước ta hiện nay, cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức. Trước hết, cần làm cho cán bộ, công chức nhận thức một cách sâu sắc rằng, Đảng ta là Đảng cầm quyền; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng là để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Cần làm cho cán bộ, công chức quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thái độ, trách nhiệm của Đảng, Chính phủ nói chung và của người cán bộ cách mạng nói riêng đối với nhân dân. Đặc biệt, cần chú ý đến tư tưởng sau đây của Người: Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng và Chính phủ phải có trách nhiệm đối với nhân dân. Nếu để nhân dân đói, rét, không được học hành là Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảng và Chính phủ là "công bộc" của nhân dân; cán bộ của Đảng, của Nhà nước cũng là "công bộc" của nhân dân. Vì vậy, trách nhiệm của cán bộ, công chức trước hết là trách nhiệm đối với nhân dân. Trách nhiệm đối với nhân dân cũng là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ. Mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải thật thấu hiểu mình là "công bộc" của nhân dân chứ không phải là những "ông quan cách mệnh" ăn trên, ngồi trốc, đè đầu cỡi cổ nhân dân như bọn quan lại phong kiến, thực dân.

Nhân đây, chúng tôi xin bàn thêm, chúng ta không nên dùng cụm từ "giới quan chức" để chỉ cán bộ lãnh đạo và quản lý ở nước ta. Cụm từ này chỉ nên dùng trong quan hệ đối ngoại mà không nên dùng một cách phổ biến, bởi nó không có lợi cho việc củng cố mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, nhất là hiện nay, khi bệnh quan liêu, hách dịch, sách nhiễu, tự coi mình là "quan" của cán bộ đối với nhân dân còn xảy ra khá nhiều, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình trong tất cả các cơ quan hành chính các cấp. Cần làm rõ mỗi cán bộ, công chức có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không. Trên cơ sở đó, xem xét, đánh giá tinh thần trách nhiệm của họ và có thái độ xử lý thỏa đáng đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này. Người viết: "Hiện nay, phong trào tự phê bình và phê bình đang mở rộng ở nhiều nơi. Đó là một bước tiến đáng mừng. Nhưng trong những cuộc kiểm thảo, có một thiếu sót chung và quan trọng là chưa nêu thật rõ tinh thần trách nhiệm" (5).

Ba là, xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, công chức cần được giao chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể với những quyền hạn nhất định. Trên cơ sở đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc làm của họ. Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ thì nghĩa là họ đã thiếu tinh thần trách nhiệm, chứ không phải là thiếu trách nhiệm vì trách nhiệm đã được giao rõ ràng, cụ thể.

Trong các cơ quan hành chính, cần thực hiện chế độ thủ trưởng, nghĩa là cần xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Thủ trưởng hay người đứng đầu cơ quan, đơn vị chẳng những chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của bản thân mà còn phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của những cán bộ dưới quyền trong khi thi hành nhiệm vụ. V.I. Lê-nin nói rất đúng rằng: "Một người lãnh đạo chính trị không những phải chịu trách nhiệm về cách mình lãnh đạo, mà còn phải chịu trách nhiệm về hành động của những người dưới quyền mình nữa. Đôi khi người lãnh đạo không biết những hành động đó, thường là không muốn cho những hành động đó xảy ra, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những hành động đó" (6). Điều đó làm cho người thủ trưởng phải đi sâu, đi sát, kiểm tra thường xuyên công việc của cán bộ, công chức dưới quyền; kịp thời phát hiện và xử lý những sai lầm, thiếu sót của họ, không để cho tình trạng bê bối, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình mà thủ trưởng không hay biết.

Đảng ta là Đảng cầm quyền. Trong tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính đều có tổ chức đảng. Do đó, chẳng những người đứng đầu tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm như thủ trưởng mà cả tổ chức đảng cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Chúng ta thường chỉ mới đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà chưa đề cập đúng mức đến trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng và tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị đó. Bởi vậy, có tình trạng người đứng đầu tổ chức đảng và tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính chưa tích cực tham gia đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở cơ quan mình.

Bốn là, xây dựng chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý cán bộ các cấp. Theo đó, nếu cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình quản lý phạm phải những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng mà không được kịp thời phát hiện và xử lý thì cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm, chịu kiểm điểm nghiêm túc về thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chế độ trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, tổ chức. Các cơ quan này phải có sự phối hợp chặt chẽ và cộng đồng trách nhiệm trong việc giúp Đảng, chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý cán bộ, công chức. Nếu cán bộ, công chức phạm sai lầm trong công tác, gây tổn thất cho Đảng, Chính phủ và nhân dân mà không được kịp thời phát hiện, báo cáo với cơ quan lãnh đạo thì cũng bị xử lý về thiếu tinh thần trách nhiệm.

Năm là, có quy định về chế độ trách nhiệm trong công tác làm báo cáo của cấp dưới đối với cấp trên. Đây là một kênh thông tin quan trọng, giúp cấp trên nghiên cứu, xử lý đúng các vấn đề trong lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, báo cáo phải theo đúng thời gian quy định. Nội dung báo cáo phải nêu đúng sự thật về kết quả, ưu, khuyết điểm và nguyên nhân; những khó khăn, thuận lợi của cơ quan đơn vị, địa phương và các biện pháp giải quyết; những đề nghị với cấp trên. Người chịu trách nhiệm đối với báo cáo là thủ trưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu vì bệnh thành tích mà báo cáo sai sự thật thì người thủ trưởng phải bị xử lý nghiêm về thiếu tinh thần trách nhiệm. Chúng ta còn thái độ dễ dãi đối với việc làm báo cáo, không xử lý nghiêm những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về những khuyết điểm trong việc làm báo cáo. Chẳng hạn, thời gian qua, trong thực hiện quy chế "một cửa" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có tỉnh chưa thực hiện mà đã báo cáo nhưng người đứng đầu ở nơi đó vẫn không bị xử lý kỷ luật về thiếu tinh thần trách nhiệm. Tóm lại, phải có quy định về chế độ trách nhiệm trong công tác làm báo cáo của cấp dưới đối với cấp trên thì mới khắc phục được tình trạng "làm láo báo cáo hay", làm báo cáo qua loa đại khái hoặc không làm báo cáo.

Sáu là, có quy định rõ về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức được giao thực hiện cơ chế "một cửa". Để thực hiện cơ chế "một cửa" trong cải cách hành chính, những cán bộ, công chức được giao thực hiện cơ chế này chẳng những phải được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức tổng hợp, trình độ nghiệp vụ và công tác dân vận, mà còn phải có quy định rõ về chức trách, nhiệm vụ của những người đó. Chỉ có như vậy mới nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ và họ mới thực sự trở thành "công bộc" của dân, phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân; giải quyết công việc của nhân dân chính xác, mau chóng, đúng luật, đúng thời gian quy định, tránh lối làm việc lề mề, qua loa, tắc trách.

Bảy là, xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức. Đây là biện pháp rất quan trọng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Về điều này, lâu nay chúng ta đã nói nhiều mà chưa làm, chưa thể chế hóa nó thành luật pháp với những quy định cụ thể và có tính khả thi. Theo chúng tôi, cần quy định rõ:

- Cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trực tiếp với nhân dân đều phải có phù hiệu ghi rõ họ tên, chức vụ để nhân dân biết và kiểm tra.

- Giải thích công khai, rõ ràng những đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về những nghĩa vụ mà nhân dân phải thực hiện, cũng như những quyền lợi mà họ được hưởng.

- Có văn hóa ứng xử đối với nhân dân: thái độ tôn trọng, niềm nở, lịch sự đối với nhân dân; việc gì nhân dân chưa hiểu thì phải vui vẻ, kiên trì giải thích cặn kẽ để họ hiểu, tuyệt đối không được có thái độ cửa quyền, hống hách, sách nhiễu nhân dân.

- Nếu nhân dân làm chưa đúng những thủ tục cần thiết thì phải hướng dẫn cụ thể để họ làm. Khi đã có đầy đủ thủ tục thì phải giải quyết dứt điểm cho nhân dân theo đúng thời gian quy định, không để dây dưa, gây khó dễ cho họ.

- Khi nhân dân thấy cán bộ, công chức có những thiếu sót, khuyết điểm không thể chấp nhận thì họ có quyền kiến nghị với cơ quan lãnh đạo trực tiếp của cán bộ, công chức đó.

- Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc tiếp thu, xử lý những kiến nghị của nhân dân: phải tiếp thu, xử lý kịp thời và thông báo công khai cho nhân dân biết. Nếu cơ quan, đơn vị không giải quyết, nhân dân có quyền đưa những kiến nghị của mình lên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải bị xử lý về thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân nếu cơ quan cấp trên kiểm tra thấy những kiến nghị của họ là đúng. Nếu những kiến nghị của nhân dân không đúng thì phải thông báo công khai cho họ rõ. Có như vậy mới nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và của nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng ý thức rõ trách nhiệm và quyền lợi của công dân với tư cách là người làm chủ đất nước.

Nếu Đảng, Nhà nước làm tốt việc giáo dục tinh thần trách nhiệm và xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức để mỗi cán bộ, công chức không ngừng rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, sẽ tạo nên một động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước đi đến thắng lợi.


* PGS
(1) Phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI, Báo Nhân Dân, số ra ngày 13-6-2004
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 6, tr 345, 346
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 490
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 345 - 347
(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 42, tr 269