Quảng Ninh phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số
TCCS - Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; Xây dựng số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh, đồng thời bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng -an ninh và chủ quyền số quốc gia.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Theo tính toán của tỉnh, việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã tạo lập được một kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, 100% số cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; hơn 98% số văn bản hành chính được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO. Từ nền tảng của chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh trong năm 2019 và đây được coi là “bộ não số” của mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đang hướng đến.
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó, đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế. Hiện nay, tỉnh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ nhân lực công nghệ thông tin đang vướng mắc vì thiếu các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập. Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mỏng, nhất là thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) và kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, phần mềm quản lý chuyên ngành vẫn chưa kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu được với hệ thống chính quyền điện tử tỉnh (kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội, thuế, công an, điện...) dẫn đến việc cán bộ giải quyết thủ tục hành chính phải thao tác đồng thời trên cả 2 hệ thống, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát thực hiện và tổng hợp báo cáo. Các cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành trung ương chưa được tích hợp hoặc đã tích hợp nhưng chưa được khai thác, sử dụng (Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Hệ thống mã bưu chính Vpostcode, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…). Bên cạnh đó, một số tài khoản của cán bộ tiếp nhận mới có chức năng tra cứu Cơ sở dữ liệu về dân cư; chức năng tra cứu thông tin hộ gia đình trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa được chia sẻ; nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa chính xác dẫn đến công dân không giải quyết được thủ tục hành chính…
Để nhiệm vụ chuyển đổi số triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5-2-2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số để các chủ thể, đặc biệt là người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số. Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và người dân, chuyển đổi số Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công ấn tượng. Hiện trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0.7024 điểm (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021) chỉ xếp sau thành phố Đà Nẵng (0.8002 điểm), Thành phố Hồ Chí Minh (0.7163 điểm).
DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó bao gồm 9 chỉ số chính là: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số, với 98 chỉ số thành phần. Điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột lần lượt là: Chính quyền số 0,7804, xếp hạng 4 (tăng 1 bậc so với năm 2021); Kinh tế số 0,7187, xếp hạng 9 (tăng 5 bậc so với năm 2021) và Xã hội số 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 1 bậc so với năm 2021).
Để có được kết quả ấn tượng trên là sự cố gắng, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả 3 cấp. Hiện đã có 1.034 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh (đạt 81%); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia. Việc xử lý giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cũng được thực hiện toàn tỉnh gắn với chữ ký số ở từng bước, đảm bảo công khai, minh bạch.
Cùng với đó, để quá trình chuyển đổi số được triển khai toàn diện hơn nữa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung chuyển đổi ở số tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu, như: y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số…. Qua đó, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, cũng như mục tiêu đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh sớm thành hiện thực./.
Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) chú trọng thực hiện chính sách dân tộc, chính sách an sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (28/10/2024)
Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - Kết quả và những giải pháp chủ yếu  (25/10/2024)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử  (10/10/2024)
Chuyển đổi số y tế gia tăng lợi ích cho người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện  (25/07/2024)
Quản lý rủi ro an toàn công nghệ thông tin ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng ở nước ta hiện nay  (31/05/2024)
Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam  (10/03/2024)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay