Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử
TCCS - Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Bên cạnh đó, quá trình này cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện và nhân dân trong thời gian tới.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/HU, ngày 28-3-2022, về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung có liên quan để triển khai thực hiện(1). Đến nay, huyện đã đạt 19/30 tiêu chí về chuyển đổi số; hoàn thành đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã năm 2023 qua hệ thống phần mềm DTI... Một số điểm nổi bật trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử ở huyện Bình Liêu thời gian qua có thể kể đến là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số trên các kênh truyền thông (fanpage, zalo OA, cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở) do huyện quản lý, duy trì tổ công nghệ số cộng đồng tại 86/86 thôn, khu phố, với sự tham gia của 555 thành viên. Quán triệt, hướng dẫn 100% số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động triển khai các nội dung về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số (quán triệt 100% số cán bộ lãnh đạo, quản lý sử dụng chữ ký số, 100% số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước cài đặt, sử dụng ứng dụng công dân số VneID và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số (triển khai dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công dân số VneID, ứng dụng bảo hiểm xã hội VssID)…
Việc tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số được thực hiện bởi tất cả các tổ chức của hệ thống chính trị. Trong đó, 100% số chi, đảng bộ cơ sở đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thông qua mạng xã hội (nhóm zalo) và tuyên truyền miệng tại các cuộc họp khu dân cư. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tại các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao.
Các phòng chức năng của huyện còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến nội dung chuyển đổi số theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực giáo dục, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của 100% trường học theo nhiều hình thức phù hợp; Trung tâm Y tế huyện phổ biến đến 100% số cán bộ, nhân viên trong ngành từ huyện đến xã về các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế…
Thứ hai, phát triển dữ liệu và bảo mật thông tin. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan cung cấp số liệu, nội dung thuộc thẩm quyền để phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu. Thực hiện kết nối với các cơ sở dữ liệu quan trọng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an); Cổng dịch vụ công quốc gia (Văn phòng Chính phủ); Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống phần mềm Dịch vụ công liên thông do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì nghiên cứu, xây dựng để triển khai 2 dịch vụ công (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng).
Việc bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin được chú trọng, không để xảy ra sự cố, nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định hồ sơ cấp độ an toàn thông tin mạng theo quy định hiện hành.
Thứ ba, về phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử, đến nay, 100% số thủ tục hành chính huyện ban hành được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành 100% việc kết nối liên thông cổng dịch vụ công của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia, 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công được xác thực định danh điện tử từ tháng 7-2024. 100% số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn đều được xây dựng quy trình giải quyết theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, được chuyển vào phần mềm “một cửa” điện tử thực hiện tại Trung tâm Hành chính công, các cơ quan chuyên môn và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.
Các cơ quan nhà nước duy trì, vận hành ổn định và an toàn mạng LAN/WAN. 100% số cơ quan khối Đảng, chính quyền từ huyện đến xã có hạ tầng để triển khai họp trực tuyến. 100% số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã thực hiện xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử, sử dụng chữ ký số, trình và ký văn bản toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử. 100% nhân lực công nghệ số nòng cốt trong cơ quan nhà nước được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà https://onetouch.mic.gov.vn do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai. 100% số cán bộ, công chức, viên chức được thông tin và tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số; trong đó, 50% số cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số theo yêu cầu. 100% các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã phát hành, tiếp nhận, giao việc trên chính quyền điện tử (trừ văn bản bí mật Nhà nước); hiện nay đang tiếp tục tập trung triển khai trình ký văn bản điện tử theo yêu cầu. Đối với nhiệm vụ thúc đẩy các dịch vụ thông minh, năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện triển khai ký kết với Trung tâm Thông tin thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Misa và một số doanh nghiệp có liên quan về hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở huyện Bình Liêu, tập trung triển khai những giải pháp về thúc đẩy các dịch vụ thông minh, triển khai chuyển đổi số ngành du lịch, phát triển các dịch vụ phục vụ tương tác giữa người dân và chính quyền, cấp chữ ký số cho người dân…
Thứ tư, về phát triển kinh tế số, hiện nay, 100% số doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn huyện đã sử dụng nền tảng số để phục vụ cho các hoạt động trao đổi, mua bán trên môi trường mạng; 100% số đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông sử dụng hợp đồng điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế điện tử, khoảng 80% hộ kinh doanh nộp thuế điện tử; 100% hợp tác xã sử dụng thương mại điện tử, có 50% hộ kinh doanh cá thể sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong thanh toán. Huyện có 27/27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP trên các sàn thương mại điện tử như teqni.gov.vn, voso.vn, postmart.vn; 100% các sản phẩm chủ lực của huyện (miến dong, mật ong, tinh dầu các loại, rượu Bao Thai..) đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Thứ năm, về phát triển xã hội số, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 24.000 thuê bao di động, đạt tỷ lệ hơn 75% dân số; số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 4.556/7.755 hộ (đạt tỷ lệ 59%); các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đã hoàn thành triển khai hạ tầng internet cáp quang băng thông rộng cố định cho 86/86 khu dân cư trên địa bàn; các tiêu chí về hạ tầng viễn thông cơ bản hoàn thành. 100% số cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% số cơ sở khám, chữa bệnh tại huyện chấp nhận thanh toán viện phí, dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 29,68% so với tổng thu. Tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử được đưa vào sử dụng trong khám chữa bệnh đạt 93%; 100% số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được liên thông với dữ liệu bảo hiểm y tế. 100% số trường học, từ tiểu học đến trung học phổ thông triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10); 100% số trường sử dụng học bạ điện tử. Công an huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan, các xã, thị trấn cài đặt VneID và kích hoạt vượt mức kế hoạch đề ra. Hiện nay, các xã, thị trấn đang tiếp tục tổ chức cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tham gia học tập nâng cao nhận thức trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và truyền thông(2).
Nhìn chung, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 1-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của huyện đến nay đã đạt 17/30 tiêu chí, đạt tỷ lệ 56,66%(3). Trong đó, chính quyền số đạt 6/9 tiêu chí; kinh tế số đạt 5/7 tiêu chí; xã hội số đạt 5/11 tiêu chí. Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số (chỉ số DTI) năm 2023 cấp huyện tăng 2 bậc, cấp xã tăng 4 bậc so với năm 2022.
Một số hạn chế, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử ở huyện Bình Liêu thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, khó khăn như sau:
- Nhiều nhóm chỉ tiêu, giải pháp chưa hoàn thành. Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) tuy có tiến bộ nhưng số điểm và thứ hạng chưa được cải thiện nhiều. Ở cấp xã, nhiều chỉ số đạt thấp và chưa có nhiều cải thiện, chuyển biến rõ rệt. Trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, việc thực hiện mô hình cuộc họp, hội nghị không giấy tờ, thực hiện công tác thanh, kiểm tra thông qua môi trường số chưa triển khai được. Tỷ lệ cuộc họp trực tuyến giữa huyện và xã còn thấp.
- Việc thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số cho người dân trên môi trường số thông qua tài khoản công dân điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Chưa triển khai được các dịch vụ thông minh, nhất là các dịch vụ phục vụ tương tác giữa người dân và chính quyền. Hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chưa được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin…
- Nhân lực về công nghệ thông tin trên địa bàn còn yếu và thiếu, một số cơ quan theo quy định (Phòng Văn hóa và thông tin, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân huyện...) không có cán bộ chuyên trách đủ trình độ công nghệ thông tin để tham mưu, giúp việc các nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng. Cùng với đó, còn chưa có cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số cấp xã (chỉ phân công cho công chức văn hóa và văn phòng kiêm nhiệm) đạt chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông.
- Nguồn lực cho chuyển đổi số còn hạn chế, các xã, thị trấn chưa thực hiện bố trí kinh phí từ ngân sách để phục vụ hoạt động chuyển đổi số, việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn khó khăn.
- Hạ tầng số ở nhiều khu vực chưa bảo đảm, tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet, có đường Internet cáp quang băng rộng còn thấp. Sóng viễn thông di động tại một số khu vực còn yếu và chập chờn.
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử là rất cần thiết nhưng không dễ dàng do phải có sự hội tụ và tương thích của nhiều yếu tố, từ công nghệ, hạ tầng số, đến quy trình, thủ tục, dữ liệu số, nguồn lực thực hiện và nhất là trình độ, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của người dân cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức… Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử ở huyện Bình Liêu, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai toàn diện, đầy đủ và phù hợp các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động số 27-CTr/HU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch số 1263/KH-UBND, ngày 29-3-2022, của Ủy ban nhân dân huyện, về tổ chức thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử. Rà soát, điều chỉnh quy chế phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và công nghệ thông tin cấp huyện, cấp xã. Chỉ đạo nghiêm túc việc thực hiện quy định về gửi, nhận văn bản điện tử, chữ ký số. Nghiên cứu bố trí, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của huyện theo tình hình thực tế. Phát huy vai trò của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện trong hoạt động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và thường xuyên đánh giá việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị; tham mưu tổ chức tốt hơn các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt là trong các đợt cao điểm tuyên truyền chuyển đổi số và hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ, nền tảng số.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử. Duy trì việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử thành phần của huyện, xã. Duy trì tần suất phát sóng các bản tin về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở. Tăng cường hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội và tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ cán bộ ở khu dân cư, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ các tổ chức chính trị- xã hội. Nội dung thông tin, tuyên truyền cần tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số, bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số DTI, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chính quyền điện tử; những mô hình tiêu biểu, cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử...
Ba là, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng dữ liệu số, cung cấp thông tin dữ liệu số trên địa bàn huyện thuộc 8 lĩnh vực: đất đai, cán bộ, công chức, viên chức, y tế, giáo dục, quy hoạch, du lịch, đầu tư công, giao thông trên địa bàn huyện và các dữ liệu khác theo chỉ đạo chung của tỉnh. Thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thống tin cho các cơ quan, đơn vị, phòng ban chuyên môn và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn theo quy định.
Nghiên cứu phương án trang bị cơ sở vật chất, máy vi tính cho các thôn, bản xây dựng mô hình thôn thông minh trên địa bàn. Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Bưu điện văn hóa xã, đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, hiện đại cấp xã trong việc hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, tập trung thúc đẩy các dịch vụ thông minh, chuyển đổi số du lịch, phát triển các dịch vụ phục vụ tương tác giữa người dân và chính quyền, cấp chữ ký số cho người dân... Áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ về thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn, ngăn ngừa rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Nghiên cứu triển khai mô hình cửa khẩu số, triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp cung ứng và chính sách hỗ trợ người dân mua sắm thiết bị thông minh để tiếp cận thông tin và các dịch vụ Internet, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách trên địa bàn huyện gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch và thương mại.
Bốn là, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử. Tiếp tục tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn theo tình hình và nhu cầu thực tế. Tạo điều kiện để 100% số cán bộ nòng cốt tham gia các lớp tập huấn, đào tạo của tỉnh, nhất là về nội dung bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Thực hiện có hiệu quả việc học tập trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện tham gia lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số của tỉnh. Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên có trình độ công nghệ thông tin trong các hoạt động tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển xã hội số. Hướng dẫn và khuyến khích lực lượng thanh niên gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phần việc, mô hình về thực hiện chuyển đổi số.
Năm là, cần có sự ưu tiên về nguồn lực phục vụ chuyển đổi số và triển khai các hình thức huy động nguồn lực xã hội hợp lý. Việc ưu tiên về nguồn lực cho chuyển đổi số được xác định trên cơ sở đây là một nguồn đầu tư phát triển mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp, cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhìn từ tổng thể lợi ích, phúc lợi của xã hội. Từ đó, cần có những tính toán cụ thể trên cơ sở ngân sách, nguồn lực của địa phương để xác định mức độ ưu tiên và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Việc ưu tiên nguồn lực còn thể hiện ở sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng dữ liệu số, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu số dùng chung, khai thông các điểm nghẽn cũng như huy động nguồn lực, thế mạnh của các bên tham gia vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử./.
----------------------
(1) Như: Kế hoạch số 1263/KH-UBND, ngày 29-3-2022, của Ủy ban nhân dân huyện, về chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 4-4-2024, của Ủy ban nhân dân huyện, về chuyển đổi số toàn diện huyện Bình Liêu năm 2024; Kế hoạch số 94/KH-UBND, ngày 26-3-2024, của Ủy ban nhân dân huyện, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 67/KH-UBND, ngày 8-3-2024, của Ủy ban nhân dân huyện, về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06) trên địa bàn huyện Bình Liêu năm 2024; Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 31-5-2024, của Ủy ban nhân dân huyện, về triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng năm 2024; Kế hoạch số 242/KH-UBND, ngày 20-9-2024, của Ủy ban nhân dân huyện, về tuyên truyền, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10 trên địa bàn huyện năm 2024
(2) Theo Văn bản hướng dẫn số 43/STTTT-VP, ngày 8-1-2024, của Sở Thông tin và truyền thông; Văn bản số 50/UBND-VHTT, ngày 10-1-2024 và Văn bản số 338/UBND-VHTT, ngày 21-2-2024, của Ủy ban nhân dân huyện
(3) Các tiêu chí đã đạt bao gồm: 4; 6; 8; 9; 10; 11; 14; 15; 16; 17; 18; 19; 20; 22; 27; 28; 29
Chuyển đổi số y tế gia tăng lợi ích cho người dân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện  (25/07/2024)
Quản lý rủi ro an toàn công nghệ thông tin ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng ở nước ta hiện nay  (31/05/2024)
Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam  (10/03/2024)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay