Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên thế giới và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
TCCS - Phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng là một hướng đi, xu thế vận động của nhân loại từ đầu thế kỷ XXI; ngày càng trở nên cấp thiết dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi số. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tuy còn khá mới mẻ nhưng ngày càng trở thành một xu hướng sản xuất rất quan trọng trong nền kinh tế xanh của Việt Nam; đặc biệt là khi Việt Nam đang quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một số nét về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên thế giới
Theo các nhà nghiên cứu, quan điểm, khái niệm về kinh tế tuần hoàn (KTTH) được manh nha xuất hiện đã hơn 200 năm; được nghiên cứu từ những năm 1970, hình thành khái niệm cơ bản từ năm 1990 và trở lên phổ biến từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Đến nay, phát triển KTTH đã trở nên phổ biến, được vận dụng và được coi là xu hướng phát triển kinh tế tất yếu của nhiều quốc gia, khu vực. Dù có sự thống nhất cao trên nhiều khía cạnh nhưng quan điểm, nhận thức về KTTH còn có những khác biệt; đặc biệt, sự phát triển KTTH bị chi phối mạnh mẽ bởi thế giới quan, tầm nhìn phát triển, bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau của mỗi tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia, khu vực,…(1). Do đó, khi vận dụng vào thực tiễn, trên các lĩnh vực phát triển khác nhau, sẽ có những giải pháp, mô hình phát triển khác nhau, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực thường gắn với tập quán, điều kiện lao động được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử.
Năm 2017, một quan điểm chính thức về KTTH ở tầm quốc tế, được đưa ra khi Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) coi KTTH là: Cách để tạo ra giá trị và hướng tới mục tiêu cao nhất là sự thịnh vượng; nó hoạt động bằng cách kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua việc cải tiến thiết kế và bảo dưỡng, chuyển chất thải từ cuối chuỗi cung ứng trở lại điểm đầu…; qua đó, sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn bằng cách sử dụng nhiều lần chứ không chỉ một lần(2). Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: Nền KTTH là một hệ thống công nghiệp được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm mất khả năng tái sử dụng và quay trở lại sinh quyển thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình kinh doanh(3).
Nhìn chung, dù có nhiều định nghĩa, khái niệm, mô hình khác nhau nhưng cơ bản các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất về nội hàm của KTTH: Trái ngược với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất - tiêu thụ - thải bỏ), KTTH tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (giảm thiểu rác thải, sử dụng lại tài nguyên…); giữ cho các sản phẩm, vật liệu và tài nguyên ở vòng tuần hoàn lâu dài nhất có thể. Kinh tế tuần hoàn có những tiêu chí cơ bản: 1- Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm; 2- Kéo dài vòng đời sản phẩm; 3- Tái chế và tái tạo tài nguyên. Với những tính chất đó, KTTH giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí và phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn được coi là xu thế chung, là lựa chọn tất yếu; nó diễn ra ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả nông nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, KTTH tập trung vào việc sử dụng lượng đầu vào bên ngoài ở mức tối thiểu, khép kín các vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Theo các nhà nghiên cứu, nếu được thực hiện trên quy mô rộng, KTTH trong nông nghiệp giúp giảm yêu cầu về tài nguyên và “dấu chân sinh thái” của nông nghiệp. Nó cũng có thể giúp giảm sử dụng đất, phân bón hóa học và chất thải; giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu. Chẳng hạn, ở châu Âu, kết quả khảo sát cho thấy, cách tiếp cận tuần hoàn đối với hệ thống thực phẩm có thể giảm 80% việc sử dụng phân bón hóa học(4).
Cũng như KTTH nói chung, việc phát triển KTTH trong nông nghiệp nói riêng là xu thế tất yếu, bởi các lý do: i- Hệ thống bảo đảm lương thực toàn cầu hiện nay có tác động về mặt môi trường rất lớn. Quá trình sản xuất, chế biến và sử dụng lương thực thải ra 1/4 tổng số khí nhà kính, gây ra nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nước ngọt và nước biển; ii- Vấn đề đặt ra hàng đầu hiện nay là sản xuất bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm mà không làm cạn kiệt tài nguyên hoặc phá hủy hệ sinh thái của Trái đất; iii- Sản xuất tuyến tính gây áp lực ngày càng tăng về tài nguyên, gây ra sự cạn kiệt đối với nguồn tài nguyên hữu hạn; iv- Tài nguyên ngày càng khan hiếm và giảm dần, cần phải tái chế và tái sử dụng; v- Hệ thống nông nghiệp chỉ quan tâm lợi ích kinh tế với chi phí thấp nhất, không tính tới tiết kiệm nguyên liệu, tạo lỗ hổng nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả(5).
Thực tiễn phát triển KTTH trong nông nghiệp trên thế giới đã thu được rất nhiều kết quả khả quan, khẳng định là lựa chọn phát triển đúng đắn của nhân loại. Một số trường hợp tiêu biểu như:
Đối với phát triển KTTH, Liên minh châu Âu (EU) tập trung vào 3 khía cạnh chính: i- Sản xuất bền vững (thiết kế sinh thái - ecodesign, các mô hình kinh doanh); ii- Tiêu dùng bền vững (tiêu dùng sinh thái - ecoconsumption, tái sử dụng và chuẩn bị cho tái sử dụng, kinh tế cộng tác - collaborative economy); iii- Quản trị nguồn lực nguyên liệu (ngăn ngừa chất thải, đổi mới sinh thái có hệ thống, chiến lược “nguyên liệu thô”, tái chế)(6). Trong lĩnh vực nông nghiệp, EU đã triển khai nhiều mô hình KTTH với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường(7). Liên minh châu Âu có các mô hình phát triển KTTH trong nông nghiệp tiêu biểu trên các lĩnh vực: 1- Sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp: tại nhiều quốc gia EU, phế phẩm như rơm, rạ, bã mía và phân gia súc được xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và cải thiện chất lượng đất. 2- Nuôi trồng kết hợp (Agroforestry): Mô hình kết hợp trồng cây lâu năm với cây ngắn ngày hoặc chăn nuôi gia súc trên cùng một diện tích đất, giúp tăng đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. 3- Sản xuất năng lượng sinh học (biogas): sử dụng chất thải nông nghiệp và phế phẩm hữu cơ để sản xuất biogas, cung cấp năng lượng tái tạo cho các hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. 4- Hệ thống aquaponics: kết hợp nuôi, trồng thủy sản và trồng cây trong môi trường tuần hoàn nước, nơi chất thải từ cá cung cấp dinh dưỡng cho cây và cây lọc nước cho cá, tạo ra hệ thống sản xuất khép kín và hiệu quả. 5- Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ côn trùng: sử dụng phế phẩm nông nghiệp để nuôi côn trùng như ruồi lính đen, sau đó chế biến côn trùng thành thức ăn chăn nuôi giàu protein, giảm áp lực lên nguồn tài nguyên truyền thống.
Ở Trung Quốc, quan điểm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thể hiện rất rõ trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2021 - 2025, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ năm (năm 2020), “hướng tới tái sinh nông thôn Trung Quốc với hàng tỷ USD đưa về các làng quê” với “nhiều kế hoạch hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đến năm 2035 rồi đến năm 2050 thay đổi hoàn toàn vùng nông thôn nước này”(8).
Trên thực tế, với đặc thù là một nước có truyền thống phát triển nông nghiệp, một mặt, Trung Quốc đã sớm quan tâm, triển khai KTTH trong nông nghiệp. Năm 2009, Trung Quốc ban hành Luật Khuyến khích kinh tế tuần hoàn, đặc biệt tạo điều kiện về công cụ thuế và phí để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tham gia KTTH, như giảm thuế cho các hoạt động tái chế và xử lý chất thải nông nghiệp. Mặt khác, xuất phát từ vị thế một cường quốc công nghệ, Trung Quốc rất chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp, giúp tăng hiệu suất và giảm lãng phí đáng kể tài nguyên.
Trung Quốc quan tâm xây dựng chính sách liên quan đến phát triển hệ thống nông nghiệp sinh thái; ban hành những chính sách chung về KTTH với phạm vi áp dụng rộng, như Luật Khuyến khích sản xuất sạch hơn, Luật Phòng, chống ô nhiễm và kiểm soát chất thải rắn sửa đổi... Năm 2005, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc công bố 8 sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện KTTH. Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc ban hành Kế hoạch Phát triển nông nghiệp bền vững quốc gia giai đoạn 2015 - 2030; trong đó, đề xuất một số mô hình, như thúc đẩy “cộng sinh lúa - cá”, “lợn - biogas và cây ăn quả”, kinh tế rừng, phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn khác theo điều kiện địa phương. Trung Quốc kỳ vọng đến năm 2030, quốc gia này sẽ đạt được mức không thải chất thải nông nghiệp(9). Một số mô hình KTTH trong nông nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc là mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi: điển hình là mô hình “lợn - biogas - cây ăn quả”, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa, được áp dụng rộng rãi tại các tỉnh như Giang Tô và Chiết Giang, sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, mô hình sản xuất năng lượng sinh học (biogas).
Nhật Bản là quốc gia tiên phong phát triển KTTH trong nông nghiệp, với mục tiêu hướng tới là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Từ những năm 1990, Nhật Bản đã thực hiện KTTH với mục tiêu đặt ra là trở thành một “xã hội dựa trên tái chế”. Hàng loạt các chính sách đã được ban hành: Đạo luật cơ bản xây dựng xã hội dựa trên tái chế; Luật Tái chế thiết bị; Chiến lược năng lượng sinh khối; Kế hoạch hành động cho một xã hội các-bon,… Trong Chiến lược tăng trưởng, Nhật Bản đề ra mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với “đổi mới xanh”. Nhật Bản ban hành nhiều chính sách đồng bộ để thực hiện tăng trưởng xanh: Đầu tư xanh; nghiên cứu và triển khai công nghệ xanh; trợ cấp và ưu đãi thuế mua bán công nghệ, sản phẩm xanh; tuyên truyền, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế; áp dụng hệ thống thuế xanh...(10). Một số mô hình KTTH trong nông nghiệp tiêu biểu ở Nhật Bán là mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, mô hình biogas, mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa (aigamo), mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp.
Một trong những quốc gia tiêu biểu cho phát triển KTTH trong nông nghiệp là Israel với một số mô hình phát triển đã trở thành hình mẫu của thế giới; đặc biệt là các mô hình liên quan đến tiết kiệm nước ngọt - nguồn tài nguyên khan hiếm đối với đất nước này. Tiêu biểu như: 1- Mô hình tái sử dụng nước thải trong nông nghiệp, tái sử dụng gần 90% nước thải đô thị cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp - tỷ lệ cao nhất thế giới(11). 2- Công nghệ tưới nhỏ giọt: Đây là quốc gia tiên phong ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, giảm thiểu lãng phí nước và tăng năng suất cây trồng. Công nghệ tưới nhỏ giọt không chỉ được áp dụng trên toàn quốc mà còn trở thành một mặt hàng xuất khẩu công nghệ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. 3- Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt (aquaponics) kết hợp nuôi cá và trồng cây trong hệ thống tuần hoàn nước. Chất thải từ cá cung cấp dinh dưỡng cho cây; cây lọc nước cho cá vừa giúp tiết kiệm nước vừa giúp không cần sử dụng phân bón hóa học.
Một số khuyến nghị phát triển ở Việt Nam
Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp và hiện nay cũng là nước có thế mạnh về nông nghiệp. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và thường xuyên có các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái. Trong bối cảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội và sức ép về việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh càng cấp thiết. Do đó, phát triển KTTH trong nông nghiệp là bước đi tất yếu của nước ta.
Trên thực tế, mô hình KTTH trong nông nghiệp cũng đã sớm xuất hiện ở nước ta, điển hình là mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - ao - chuồng - biogas (VACB), vườn - ao - chuồng - rừng (VACR), vườn - ao - hồ (VAH). Hiện nay, cũng có một số mô hình KTTH trong nông nghiệp, tiêu biểu, như mô hình chăn nuôi 4F của Tập đoàn Quế Lâm: kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất phân bón hữu cơ, tạo thành chuỗi giá trị khép kín, giảm thiểu chất thải và tăng hiệu quả kinh tế. Mô hình vòng tuần hoàn xanh của Công ty Vinamilk: tận dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất biogas, cung cấp năng lượng cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, có thể thấy KTTH trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa tạo thành các chuỗi hệ thống, mô hình có tính chất rộng khắp.
Đại hội XIII của Đảng đặt nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xây dựng nền kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Từ yêu cầu của thực tiễn và qua kinh nghiệm quốc tế phát triển KTTH trong nông nghiệp trên thế giới, chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị:
Một là, về vai trò định hướng, định hình, tạo khung khổ pháp lý, phát triển của Đảng, Nhà nước.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phát triển KTTH trong nông nghiệp cần phải đặt ở tầm phát triển quốc gia. Các nước trước hết khẳng định việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH; xác định các vấn đề cốt lõi, đặc trưng, đặc điểm phát triển KTTH phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, từ đó đề ra các mô hình, giải pháp phát triển; gắn với việc tạo dựng hành lang pháp lý đầy đủ, tương thích.
Đảng, Nhà nước ta đã xác định tầm quan trọng của KTTH trong nông nghiệp thông qua các chỉ thị và nghị quyết quan trọng(12). Đặc biệt, ngày 28-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với nhiều nội dung liên quan KTTH trong nông nghiệp. Ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, “Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, khẳng định việc chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Cần sớm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTH trong nông nghiệp, như các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp các ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai cho các doanh nghiệp và nông dân tham gia phát triển KTTH trong nông nghiệp,…
Hai là, về vai trò quan trọng, là chủ thể phát triển KTTH trong nông nghiệp.
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước với dân số 100 triệu người, góp phần bảo đảm ổn định xã hội, phát triển bền vững. Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, vừa là nhà sản xuất, cung ứng, vừa là thị trường tiêu thụ - người hưởng thụ, là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Nông thôn là không gian sinh tồn, phát triển quan trọng cả về kinh tế - xã hội và văn hóa. Nông nghiệp trong nền KTTH hướng tới tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, biến chất thải, phế phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu tái sử dụng phục vụ sản xuất; đồng thời, tái sử dụng và tái chế cần đi đôi với góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Nông dân là lực lượng trực tiếp triển khai các mô hình KTTH trong nông nghiệp mà mục tiêu chính là phục vụ nâng cao thu nhập, mức sống, bảo vệ môi trường sống,… của chính mình. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời, giúp xây dựng, phát triển cộng đồng, văn hóa nông thôn.
Ba là, về vai trò của doanh nghiệp tham gia KTTH trong nông nghiệp.
Doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động kinh tế nói chung; đối với phát triển KTTH trong nông nghiệp nói riêng. Đối với lĩnh vực này, ngoài những vấn đề chung liên quan sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần cập nhật những nội dung là đặc thù của mô hình KTTH, KTTH trong nông nghiệp. Doanh nghiệp cần ứng dụng và phát triển công nghệ liên quan KTTH, như nghiên cứu và triển khai công nghệ tái chế, tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp, chẳng hạn đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị bền vững của KTTH trong nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; chú trọng chuyển hướng đầu tư dự án KTTH trong nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư, hỗ trợ tài chính trong chuyển đổi công nghệ; tham gia đào tạo, bồi dưỡng giúp người nông dân tiếp cận sử dụng công nghệ, phương thức sản xuất của KTTH trong nông nghiệp; đóng vai trò quan trọng, là đối tác thúc đẩy hợp tác công - tư,…
Bốn là, về vai trò then chốt của khoa học - công nghệ đối với phát triển KTTH trong nông nghiệp.
Ngày nay, KTTH nói chung, KTTH trong nông nghiệp nói riêng trở thành xu thế phát triển tất yếu không chỉ bởi đó là hướng đi, bước chuyển cần thiết của nhân loại, mà bởi sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò rất tích cực, then chốt trong phát triển KTTH. Các công nghệ tái chế, chuyển đổi phế phẩm nông nghiệp thành tài nguyên, năng lượng, sản phẩm có giá trị đóng vai trò quan trọng nhất trong xây dựng một mô hình KTTH. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa quá trình quản lý, vận hành sản xuất, kinh doanh; công nghệ sinh học giúp tăng khả năng sinh tồn, phát triển, chống chịu điều kiện khắc nghiệt, tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng cao trong chăn nuôi, trồng trọt,… Do đó, cần có cơ chế, chính sách cũng như sự đầu tư thích đáng vào khoa học - công nghệ phục vụ phát triển KTTH trong nông nghiệp.
Năm là, về ứng dụng, phát triển chuyển đổi số đối với KTTH trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số đã trở thành một yêu cầu tất yếu của thực tiễn; đối với Việt Nam, chuyển đổi số cũng đã được xác định là một trong những nhân tố quyết định để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chuyển đổi số cũng đóng vai trò rất quan trọng, cũng có thể coi là giải pháp then chốt phát triển KTTH trong nông nghiệp ở nước ta. Cần ứng dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, như ứng dụng tự động hóa và giám sát quy trình nông nghiệp; xây dựng hệ thống quản lý thông minh trong chăm sóc, nuôi trồng, đặc biệt là tận dụng khả năng thu thập và phân tích dữ liệu lớn nhanh chóng, chính xác, đưa ra các thông tin mang tính tham vấn, tham mưu có chất lượng cao đối với doanh nghiệp, nông dân cũng như các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng nông nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống chỉ dẫn, truy nguồn, tiếp thị sản phẩm, logistics.
Chuyển đổi số không chỉ đóng vai trò kiến tạo, chuyển đổi, phát triển phương thức, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà nó thực sự cũng là một lĩnh vực kinh doanh mới. Đối với phát triển KTTH trong nông nghiệp, đó là các mô hình kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp dựa trên nền tảng số: Sàn thương mại điện tử nông sản, dịch vụ cung cấp tài nguyên, dữ liệu thông tin thông minh, chất lượng cao; dịch vụ chăm sóc khách hàng nông nghiệp thông minh; xây dựng các mô hình doanh nghiệp tối giản giúp người nông dân có thể thành lập doanh nghiệp, trực tiếp quản lý kinh doanh mà không cần nhiều về không gian, nhân lực, chi phí đi lại…/.
---------------------
(1) Theo Kirchherr và cộng sự có tới 114 định nghĩa về KTTH. Xem: Kirchherr, J., Piscicelli, L., Bour, R., Kostense-Smit, E., Muller, J., Huibrechtse-Truijens, A., & Hekkert, M. (2018): Barriers to the Circular Economy: Evidence From the European Union (EU) (tạm dịch: Rào cản đối với nền kinh tế tuần hoàn: Bằng chứng từ Liên minh châu Âu), Ecological Economics, 150, 264 - 272 8
(2) Theo: https://www.unido.org/unido-circular-economy
(3)EEA: Circular by design: Products in the circular economy (tạm dịch: Thiết kế tuần hoàn: Sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn), European Environment Agency, Copenhagen, 2017
(4) Xem: World Economic Forum, Ellen MacArthur Foundation and McKinsey & Company: The New Plastics Economy: Rethinking the future of plastics (tạm dịch: Nền kinh tế nhựa mới: Suy nghĩ lại về tương lai của nhựa), https://www.ellenmacarthurfoundation.org/the-new-plastics-economy-rethinking-the-future-of-plastics
(5) Xem: A.J. van Bodegom, J. van Middelaar, Nicole Metz: Circular Agriculture in Low and Middle Income Countries: Discussion paper exploring the concept and 7 innovative initiatives (tạm dịch: Nông nghiệp tuần hoàn ở các nước thu nhập thấp và trung bình: Tài liệu thảo luận khám phá khái niệm và 7 sáng kiến đổi mới), Food & Business Knowledge Platform, 2019
(6) Xem: Vũ Thị Uyên - Nguyễn Phương Mai: Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và bài học cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Cổng thông tin Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, ngày 27-7-2023, https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/mo-hinh-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tren-the-gioi-va-bai-hoc-cho-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-viet-nam-2273.html
(7) Xem: Nguyễn Thị Minh Hiền và các cộng sự: “Nông nghiệp tuần hoàn - Tình hình phát triển ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 291, tháng 9-2021, tr. 56 - 66
(8) Xem: Những điểm gây chú ý trong “Kế hoạch 5 năm' mới nhất của Trung Quốc”, Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 1-11-2020, https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-diem-gay-chu-y-trong-ke-hoach-5-nam-moi-nhat-cua-trung-quoc-20201031212130228.htm
(9) Xem: Nguyễn Thị Minh Hiền và các cộng sự: Nông nghiệp tuần hoàn - Tình hình phát triển ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 291, tháng 9-2021, tr. 56 - 66
(10) Xem: “Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn từ Nhật Bản”, Trang thông tin Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bộ Công Thương, ngày 4-4-2023, https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13192/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tu-nhat-ban.html
(11) Xem: Đại sứ Israel chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế nước tuần hoàn, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 22-3-2024, https://vietnamnet.vn/dai-su-israel-chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-nen-kinh-te-nuoc-tuan-hoan-2262408.html
(12) Như: Chỉ thị số 36/CT-TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 3-6-2013, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”… Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật tiêu biểu, như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10-1-2022, của Chính phủ, “Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”,.. tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai KTTH…
Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường sinh thái  (30/11/2024)
Ninh Bình chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” hướng tới phát triển bền vững  (25/11/2024)
Thách thức giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường ở Ninh Bình  (22/11/2024)
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên