Thành ủy Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm nêu gương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới
TCCS - Xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát trách nhiệm nêu gương đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng, Thành ủy Hà Nội đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cho phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên - Những kết quả đạt được
Để góp phần xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Tiếp thu tinh thần đó, Thành ủy Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong thực hiện trách nhiệm nêu gương để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động đưa vào chương trình kiểm tra, giám sát nội dung về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 55-QĐ/TW và Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tập trung kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm khuyết điểm, tham nhũng, tiêu cực, như công tác quản lý dự án, đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, công tác cán bộ, công tác kê khai tài sản, thu nhập; kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu mất đoàn kết, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời nhắc nhở, giáo dục, ngăn chặn vi phạm.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã kiểm tra đối với 4.048 tổ chức đảng và 1.117 đảng viên; giám sát đối với 1.558 tổ chức đảng và 619 đảng viên; trong đó, kiểm tra 567 đảng viên và giám sát 232 đảng viên trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và việc thực hiện những điều đảng viên không được làm. Các cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy đều có đối tượng kiểm tra là đồng chí bí thư cấp huyện ủy, đồng chí phó bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16-12-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” đối với 10 tổ chức đảng và 19 đảng viên(1); giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đối với 10 tổ chức đảng, 12 đảng viên(2). Đầu năm 2022, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm” đối với 15 tổ chức đảng và 10 đảng viên(3). Qua kiểm tra đã cho thấy, các đảng viên được kiểm tra đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; với cương vị là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đảng viên được kiểm tra đều nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại địa phương, đơn vị; cùng với tập thể lãnh đạo xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh; lãnh đạo triển khai tốt các nội dung kiểm tra theo thẩm quyền.
Hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 230 tổ chức đảng và 683 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15 tổ chức đảng và 22 đảng viên (trong đó có 2 đồng chí Thành ủy viên, 7 đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý); qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 1 đồng chí Thành ủy viên. Các cuộc kiểm tra khi kết luận bảo đảm khách quan, chính xác, chỉ rõ khuyết điểm, sai phạm của đảng viên và tổ chức đảng, những trường hợp có khuyết điểm, sai phạm đều phải kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm hoặc xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh, từ đó đã có tác dụng ngăn ngừa, giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Việc xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có vi phạm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên về trách nhiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát chuyên đề đối với 268 tổ chức đảng và 2.093 đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua giám sát đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 12 tổ chức đảng và 14 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy giám sát đối với 19 tổ chức đảng và 36 đảng viên (gồm 10 tổ chức đảng là ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Thành ủy, 12 đảng viên là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý). Thông qua giám sát chuyên đề đã đánh giá đúng thực chất hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình đối với tổ chức đảng và đảng viên được giám sát, rút ra được ưu điểm để phát huy, phát hiện được những thiếu sót, khuyết điểm để giúp các tổ chức đảng và đảng viên được giám sát chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, góp phần phòng ngừa sai phạm. Một số vụ việc qua giám sát đã phát hiện và chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kết luận xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp theo kế hoạch
Theo kế hoạch, trong năm 2023, bên cạnh việc xác định rõ trách nhiệm của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các đồng chí Thành ủy viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, Thành ủy Hà Nội sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra và hai cuộc giám sát chuyên đề. Cụ thể, trong quý I năm 2023, Thành ủy sẽ tổ chức kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sau kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và thành phố. Trong quý II năm 2023, thực hiện giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17-11-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội” và Quy định số 05-QĐ/TU, ngày 16-8-2021, của Ban Thường vụ Thành ủy, “Về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của thành phố Hà Nội”.
Trong quý III năm 2023, Thành ủy sẽ giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy, về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy, về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; tạo điều kiện để Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Ban Thường vụ Thành ủy hoàn thành 1 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát, triển khai 2 cuộc kiểm tra (đối với 52 tổ chức đảng, 10 đảng viên); trong đó, có 1 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Các cấp ủy cấp dưới kiểm tra 665 lượt tổ chức đảng và 456 đảng viên (tăng 132 lượt tổ chức đảng và 269 đảng viên so với cùng kỳ năm 2022). Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 52 tổ chức đảng và 121 đảng viên. Đặc biệt, đối với những cuộc kiểm tra có nội dung mới, khó, phức tạp, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thành lập các tổ công tác giúp việc Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; tổ chức tập huấn nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm tra.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách, các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đôn đốc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tiễn, thực hiện toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo và giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, phức tạp của cơ sở; những vấn đề vượt quá thẩm quyền được báo cáo Thường trực Thành ủy hoặc Ban Thường vụ Thành ủy để kịp thời chỉ đạo.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên - Một số giải pháp chủ yếu
Một là, Thành ủy Hà Nội cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng như đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Thủ đô. Chú trọng đổi mới phương pháp kiểm tra và công tác dự báo tình hình vi phạm trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ đó, chủ động có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả. Ở đây, cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò, vị trí của nhiệm vụ giám sát và nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; coi trọng việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, để phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp.
Hai là, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải nắm vững quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung và kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy nói riêng. Chú trọng học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), quan tâm đúng mức các nội dung về công tác kiểm tra của Đảng, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cán bộ, đảng viên và sự giám sát của nhân dân trên địa bàn Thủ đô đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để tạo chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động, bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Bốn là, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động thực hiện và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình hành động, phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ và hằng năm. Phải coi trọng khâu nắm tình hình giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế của Nhà nước trên địa bàn Thủ đô để chủ động ngăn ngừa, phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm từ khi mới manh nha, chớm phát sinh vi phạm, không để vi phạm từ một người thành nhiều người, từ ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng. Xử lý nghiêm minh tổ chức đảng và đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Công khai các kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.
Năm là, Thành ủy Hà Nội tập trung tham mưu việc hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; đặc biệt, cần đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, có tính chiến đấu cao và có đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có chính sách thu hút nhân tài về làm công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy./.
-------------------
(1) 10 ban thường vụ quận, huyện ủy và đồng chí Bí thư, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã (Đống Đa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức).
(2) Đảng đoàn HĐND Thành phố; Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố; 4 ban thường vụ quận, huyện ủy và đồng chí Bí thư, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND quận, huyện (Đống Đa, Thanh Xuân, Đông Anh, Sóc Sơn); 2 đảng ủy, tập thể lãnh đạo và đồng chí Bí thư Đảng ủy - Giám đốc sở (Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường); 2 đảng ủy, tập thể lãnh đạo và đồng chí Bí thư Đảng ủy - Trưởng ban (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố).
(3), (4) ban thường vụ quận, huyện ủy và đồng chí Bí thư, Phó Bí thư - Chủ tịch UBND quận, huyện (Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Mê Linh, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa); 2 ban thường vụ đảng ủy và đồng chí bí thư đảng ủy (Khối Doanh nghiệp, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội); 3 đảng đoàn (Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố); 2 đảng ủy, tập thể lãnh đạo (Sở Tư pháp, Sở Thông tin, truyền thông).
Đảng bộ quận Đống Đa tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (05/08/2023)
Bổ sung các luận cứ hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)  (03/08/2023)
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên - Kết quả nửa đầu nhiệm kỳ tại quận Hai Bà Trưng  (29/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên