Bài học “Ý Đảng - lòng dân” trong thực hiện nhất quán “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội ổn định, phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, việc xây dựng và phát huy “lòng dân” luôn được ông cha ta đặt lên vị trí hàng đầu và có nhiều tư tưởng, giải pháp bồi dưỡng sức dân, tiêu biểu như “khoan thư sức dân”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... Đó là cơ sở, tiền đề tạo “rễ sâu, gốc bền” để quốc gia, dân tộc trường tồn. Thực tiễn lịch sử dân tộc đã minh chứng, những triều đại không quan tâm, chăm lo cuộc sống của nhân dân, tất dẫn đến “đất nước suy yếu, binh biến loạn lạc, vận nước nguy can”, không bảo vệ được nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của ngoại bang.
1. Phát huy truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[1]; “Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”[2]; “lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”[3]...; nhưng nhân dân cần phải được tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng với nền tảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[4]; “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân..., chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[5].
Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Có được những thắng lợi ấy, do nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, từ bên trong và bên ngoài mang lại. Trong đó, hai nhân tố quan trọng nhất, là cội nguồn, then thốt và cũng là trực tiếp nhất quyết định mọi thắng lợi của cách mạng đó là “ý Đảng” và “lòng dân”. “Ý Đảng” là sự lãnh đạo của Đảng, được biểu hiện tập trung ở đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng; và quan trọng nhất là sự lãnh đạo ấy phải đúng đắn, phù hợp, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phải thuận với lòng dân, thuận với chiều hướng phát triển của lịch sử, của thời đại, của dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ chứ không phải là sự lãnh đạo theo ý chí chủ quan của Đảng. “Lòng dân” là sự cố kết tâm trí, lực lượng toàn dân tạo nên sức mạnh của cách mạng; "lòng dân" được thể hiện ở niềm tin tuyệt đối của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, trung thành đi theo Đảng làm cách mạng, chấp hành đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; “lòng dân” chỉ được củng cố vững chắc khi thấy đường lối của Đảng đem lại lợi ích chính đáng cho mình.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 92 năm qua đã chứng minh "ý Đảng, lòng dân" luôn hòa quyện, thống nhất tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù. Nội dung cốt lõi của sự thống nhất đó được biểu hiện ở chỗ: Đảng đề ra chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhìn lại lịch sử, nếu như không có nhân dân, cho dù Đảng có tài tình đến bao nhiêu cũng không thể tự mình tạo ra những thành quả lớn lao ấy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân ta luôn một lòng trung thành với Đảng, đi theo con đường của Đảng, ủng hộ, chở che, bao bọc để Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình trước nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng rút ra bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu[6]. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định tinh thần xuyên suốt, rất nổi bật và rõ ràng: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; “Đảng lấy sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ, đảng viên”; “Niềm tin của nhân dân là thước đo cho sự vững mạnh của Đảng”. Cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, lòng dân được củng cố là điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cường thịnh, hạnh phúc.
2. Từ bài học, kinh nghiệm quý giá trong xây dựng “ý Đảng, lòng dân” được Đảng ta tổng kết, đánh giá qua các kỳ Đại hội, tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhất quán “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; vừa bảo đảm an sinh, an dân, giữ vững an ninh trật tự xã hội ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng trên địa bàn.
Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), trong điều kiện chưa có vắc xin phòng chống dịch, Quảng Ninh đã xác định phải giữ chặt địa bàn an toàn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới. Ngay trong những ngày đầu tiên đón năm mới Tân Sửu 2021, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là trưởng ban chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quan trọng[7] nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ vững môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, với quan điểm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan và phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”; đồng thời, kiên định thực hiện nguyên tắc, phương châm: “Lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “Khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, ngăn chặn, tầm soát, chủ động phát hiện kịp thời, cách ly, khoanh vùng khoa học, dập dịch, xét nghiệm nhanh, không để dịch lây lan ra diện rộng; áp dụng mô hình “3 trước”, “4 tại chỗ”[8].
Để thực hiện “mục tiêu kép”, với quan điểm “Lấy người dân làm trung tâm” trong ứng phó với đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch gắn với bố trí nhiều tầng, nhiều lớp lực lượng, từ lực lượng nòng cốt đến lực lượng phối hợp và toàn dân. Xây dựng, hoàn thiện kịch bản ứng phó có hiệu quả với từng tình huống cụ thể; chỉ đạo tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân; lấy người dân làm trung tâm, cộng đồng dân cư là pháo đài chống dịch, xây dựng thế trận lòng dân bằng việc phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19, phát hiện và tố giác người nhập cảnh trái phép, người trốn và người không chấp hành nghiêm cách ly” để bảo đảm giữ vững địa bàn an toàn. Điều tra, truy vết, phân loại, cách ly các F1 tại các khu cách ly tập trung và khi quá tải thì cách ly F1, F2 tại gia đình do cộng đồng dân cư và tổ COVID-19 tự quản giám sát, giúp chia sẻ, giảm tải áp lực cho chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh các giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh hết sức coi trọng các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chỉ đạo nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tổ chức giám sát việc thực hiện công khai minh bạch, đúng đối tượng. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND, ngày 31-3-2020 “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” với yêu cầu: “Rà soát kỹ, hỗ trợ kịp thời", "không bỏ sót đối, tượng, công khai, minh bạch, công bằng...”. Do vậy, toàn bộ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo thời gian người lao động bị mất việc, tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4-2020. Toàn tỉnh đã hỗ trợ được 496 trường hợp; cùng với các chính sách khác, trong năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã chi hỗ trợ gần 8.900 trường hợp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng số tiền 102,7 tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, dịch bệnh trên tiếp tục diễn biến rất phức tạp ở trong nước và trên thế giới. Cuối tháng 1-2021, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 50 ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus. Bằng sự quyết liệt, sâu sát, cụ thể, chủ động, tích cực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế, các lực lượng vũ trang cùng những kinh nghiệm quý báu sau một năm bền bỉ không mệt mỏi “Chống dịch như chống giặc”, Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh của dịch bệnh. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định càng ngày tình hình dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, cần phải có những giải pháp ứng phó có hiệu quả, trong đó, việc thực hiện nguyên tắc “5K+vắc xin” là vô cùng quan trọng. Xác định tầm quan trọng đó, tháng 2-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 326/NQ-HĐND, ngày 8-2-2021, quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng với các nguồn lực hợp pháp để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa COVID-19 tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh. Để có được nguồn kinh phí 500 tỷ đồng này, tỉnh thực hiện rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển để tăng dự phòng ngân sách lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương nhằm tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh khác. Đồng thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, tham quan học tập, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để dành toàn bộ nguồn lực này kết hợp với các nguồn lực hợp pháp khác, để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được mua vắc xin tiêm phòng trong toàn dân. Quyết sách ra đời đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân được tiếp cận với vắc xin nhằm bảo vệ tốt sức khỏe; đồng thời góp phần kêu gọi và động viên toàn thể Nhân dân trong tỉnh chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Và những mũi tiêm phòng đầu tiên đánh dấu chiến lược chống dịch đúng đắn, mang tính lịch sử và đầy trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh biết lo cho dân khi mà trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nhận thức về vắc xin COVID-19 còn khác nhau. Với quyết định đó, tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh sớm chủ trương tiêm vắc xin COVID-19 đại trà cho toàn dân.
Sau thời gian dài giữ "vùng xanh" an toàn, không có ca nhiễm trong cộng đồng, giữa tháng 10-2021, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận những ca nhiễm trở về từ các vùng có dịch trong nước; làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khó lường, với những biến chủng mới nguy hiểm hơn, có tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn. Chưa đầy 3 tháng, từ ngày 2-11-2021 đến 2-2022, Quảng Ninh đã phát hiện gần 4.000 ca F0 tại 12/13 địa phương và số ca nhiễm tăng cao từ đầu tháng 12-2021 đến tháng 2-2022. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống chính trị và người dân trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong việc chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm sóat hiệu quả dịch COVID 19... Đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học và tính chất phức tạp hơn, “nhiệm vụ kép” ngày càng khó khăn gian nan hơn nhiều.
Kế thừa, phát huy thành quả và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, dựa trên những bằng chứng khoa học, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu đã nhanh chóng kịp thời đề ra quyết sách chủ động thích ứng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 18-10-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời đề ra những chủ trương quyết sách chống dịch mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng hết sức mạnh mẽ trong đó thực hiện tốt phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần nêu gương của người đứng đầu cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng người dân. Bên cạnh đó, để có thể sẵn sàng, chủ động áp dụng các giải pháp chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở, ngay từ tháng 8/2021, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch với phương án sẵn sàng cho mọi tình huống về cơ sở thu dung, điều trị, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực... khi có 1.000 ca F0, thậm chí đến 5.000 ca F0 mỗi ngày.
Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh đến các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ tỉnh tới cơ sở đã không quản ngại khó khăn, luôn tranh thủ từng giờ, từng phút quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; không lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh. Thực hiện tốt phương châm “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, chạy đua với thời gian xử lý triệt để các ca bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp F1, F2 không để dịch lây lan ra diện rộng, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đồng thời tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng, chống COVID-9 bảo đảm an toàn hiệu quả trên diện rộng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 thuộc tốp đầu và nhanh nhất cả nước; tính ngày 6-1-2022, toàn tỉnh đã tiêm mũi 1 và mũi 2 cho 1.112.347 người từ đủ 12 tuổi trở lên (đạt 99,07 %); trong đó tiêm mũi 3 (liều tăng cường) cho người từ 18 tuổi trở lên 488.118 người (đạt 48,79 %) bảo đảm tuyệt đối an toàn, tạo nền tảng rất căn bản để chuyển hướng thực hiện Chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi. Sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đã tạo niềm tin, sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và thực tiễn của địa phương, kiên trì thực hiện "mục tiêu kép" đã trở thành tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy đảng, chính quyền, được thể hiện bằng việc nêu cao vai trò lãnh đạo, thực hiện với trách nhiệm cao nhất.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, để vận hành cao nhất cơ chế phòng, chống dịch, thích ứng linh hoạt, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân được coi là yếu tố quan trọng, tạo “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ: Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài; cách ly, xét nghiệm, vắc xin, điều trị là điều kiện tiên quyết; ý thức người dân, người lao động trong tuân thủ nguyên tắc 5K là đặc biệt quan trọng;... lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, lấy người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm, là chỉ thể phòng, chống dịch... để thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tại tỉnh Quảng Ninh, cùng với lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia chống dịch, hoạt động các tổ cộng đồng, tổ liên gia phòng, chống dịch COVID-19 đóng góp vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Trên 2.200 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng thường xuyên vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định về tiêm vắc xin phòng, chống dịch, nhất là giám sát các trường hợp liên quan đang theo dõi sức khỏe tại nhà, kiểm soát chặt chẽ biến động về nhân khẩu tại địa phương…Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, các tổ COVID-19 cộng đồng này càng phát huy vai trò của mình khi vừa vận động để Nhân dân sẵn sàng thích ứng và thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, vừa phát hiện sớm những trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, tạo "cầu nối" chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước 100% khu dân cư trong toàn tỉnh tiến hành lấy ý kiến, biểu quyết của nhân dân về việc bổ sung vào hương ước, quy ước của thôn, bản, khu phố các quy tắc ứng xử gắn với các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm nguyên tắc “3 an toàn” (cá nhân an toàn, gia đình an toàn, cộng đồng an toàn). Đồng thời xây dựng mô hình Tổ liên gia tự quản về phòng, chống dịch, hoạt động hiệu quả, huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân chung tay phòng, chống dịch COVID 19 trong tình hình mới. Đến nay, có 1.543/1.543 khu dân cư ở 13/13 địa phương trong tỉnh hoàn thành bổ sung các quy định về phòng, chống dịch vào hương ước, quy ước; 13/13 địa phương thành lập 15.484 tổ liên gia tự quản phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 đã khiến cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt, khó khăn chồng chất khó khăn. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của năm 2020 với phương châm “Mọi chủ trương, quyết sách luôn phải lấy người dân là trung tâm; phát huy dân chủ, không ngừng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân”. Với tinh thần tất cả vì sự bình an của nhân dân, quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt những chính sách hỗ trợ trực tiếp nhiều đối tượng người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã được Quảng Ninh thực hiện. Ngay sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo mọi thuận lợi trong giải quyết hồ sơ, thủ tục để người dân được hưởng chính sách theo quy định. Đến hết tháng 9-2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 214.000 người, hơn 5.500 đơn vị, doanh nghiệp nằm trong diện thụ hưởng với tổng số tiền trên 45,37 tỷ đồng. Điểm nổi bật, đối với nhóm đối tượng 12 được quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 16-8-2021 về việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh mở rộng thêm nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có khoảng 25.000 người được thụ hưởng chính sách này, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 32 tỷ đồng.
Cùng trong tháng 7-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết được xem là chính sách quan trọng để giúp cải thiện thêm một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 1-8-2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến ngày 31-12-2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1-1-2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Cùng với đó, bổ sung thêm một nhóm đối tượng mới là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Không chỉ mở rộng hơn về đối tượng thụ hưởng, Nghị quyết cũng đã điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tăng lên cao hơn từ 1,3 đến 1,85 lần so với mức chuẩn quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó là các chế độ hỗ trợ về: Bảo hiểm y tế; chi phí khám, chữa bệnh; học phí và chi phí học tập cho trẻ đang đi học; chi phí mai táng; các hỗ trợ đột xuất; và một số nội dung đặc thù khác như hỗ trợ sau thoát nghèo, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cho đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội... Qua đó, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận sâu sắc của người dân, tạo động lực, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân tiếp tục chung một ý chí, đồng lòng với tỉnh và đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống dịch.
Đối với khu vực miền núi, hải đảo trong giai đoạn trong đại dịch, với tầm nhìn chiến lược, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16-7-2021 về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình. Ước tính, sẽ có hơn 162.000 đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Riêng năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào. Mới đây, đã có trên 68.200 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khu vực 2, 3 của tỉnh đã được nối lại hiệu lực của thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1-8-2021. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ tiền ăn, gạo cho học sinh bán trú thêm 2 năm học, miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp học mầm non và phổ thông trong năm học 2021 - 2022. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2022, Quảng Ninh không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% số xã thuộc khu vực này đạt chuẩn nông thôn mới… Từ nay đến hết năm 2025, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020.
Không dừng lại ở đó, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho học sinh và phụ huynh học sinh trong giai đoạn dịch bệnh, với quyết tâm thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, một quyết sách nhân văn, kịp thời và "an lòng" tất cả phụ huynh học sinh trong tỉnh là Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND ngày 27-8-2021 về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, với quyết định hỗ trợ 100% mức thu học phí theo công lập năm học 2021 - 2022 cho trẻ em bậc học mầm non và học sinh các trường phổ thông ở Quảng Ninh. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 222.483 học sinh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong năm học 2021 - 2022 với nguồn kinh phí hỗ trợ là hơn 138,2 tỷ đồng. Cũng theo Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND, một số chính sách đặc thù khác cũng được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua như: hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian gian thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa với giá trị hiện vật tối đa 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 (ngoài phần chi trả của quỹ bảo hiểm nếu có) theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hỗ trợ chi phí mai táng phí… với kinh phí thực hiện lên tới trên 286,4 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng nghìn người nghèo thêm yên tâm để vững vàng vượt qua khó khăn mùa dịch; biết bao gia đình đã vơi bớt nỗi lo cho con em vui bước tới trường; hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ..., những lực lượng ngày đêm vất vả trên tuyến đầu được san sẻ gánh nặng, có thêm sức khỏe, thêm tinh thần, ý chí đương đầu với những gian khổ, hiểm nguy trong cuộc chiến chống dịch đầy khốc liệt.
Mỗi nghị quyết, chính sách ban hành chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ thực tiễn đời sống của nhân dân, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Và Quảng Ninh đã làm được điều đó, những chính sách an sinh, nhất là trong mùa dịch khó khăn như hiện nay đã thật sự đã mang đến cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người mất việc làm những món quà ý nghĩa, động viên họ vượt qua khó khăn trước mắt của dịch bệnh.
Có được thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu trên không thể không nhắc đến sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng, ủng hộ của người dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Điển hình là phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người cố tình vào địa bàn tỉnh mà không khai báo và không chấp hành việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch” với nhiều cách làm sáng tạo. Tại nhiều địa phương, các hộ gia đình ký cam kết phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly đạt tỷ lệ cao, trong đó 3 địa phương có đường biên giới với Trung Quốc đạt tỷ lệ 99,05% hộ gia đình đã ký cam kết; Nhân dân trong tỉnh đã cung cấp nhiều thông tin qua đường dây nóng bộ phận thường trực phong trào cấp tỉnh, phối hợp phát hiện nhiều vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch và đã chuyển cơ quan có chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ COVID cộng đồng nòng cốt là những người sống trên địa bàn và có mối liên hệ mật thiết với các hộ dân tại các khu dân cư như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn… với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, các thành viên của tổ COVID cộng đồng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, truy vết, giám sát, theo dõi các trường hợp nguy cơ cao về địa bàn mà không khai báo y tế, hoặc khai báo không đúng sự thật…
Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm bọc lá rách” của dân tộc; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Để có được nguồn kinh phí triển khai thực hiện các chính sách, bên cạnh việc sử dụng ngân sách thì gần 2 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Thông qua các lễ phát động và tiếp nhận quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận được sự hưởng ứng ủng hộ tích cực, chủ động, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh và cấp huyện đã tiếp nhận được số tiền và hiện vật trị giá trên 230,315 tỷ đồng (trong đó số tiền là 199.961.042.044đ, hiện vật trị giá 30.354.937.480đ) đã tạo thêm nguồn lực lớn hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng trên 90 tuổi, cụ bà 103 tuổi đã dành cả số tiền tiết kiệm nhiều năm để để chung tay với cộng đồng đẩy lùi COVID-19[9], hình ảnh những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không quản khó khăn gian khổ thường xuyên duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng dịch; hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh... Tất cả khi vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc” đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất. Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tác trẻ xung phong vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và tuyên truyền, vận động đồng bào yên tâm phòng, chống, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 diện rộng, mặc dù Quảng Ninh không phải là địa phương nằm trong địa bàn ưu tiên vắc xin nhưng khi có bất cứ loại vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và thông qua các hoạt động ngoại giao, tỉnh Quảng Ninh đều tiếp nhận để có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng cho toàn dân. Trong quá trình triển khai tiêm bất cứ loại vắc xin nào do các hãng sản xuất cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của người dân. Từ đó, sự hợp tác của người dân được thể hiện rất rõ nét và hầu hết mọi người đều trông đợi được tiêm; không có tâm lý “kén cá chọn canh” lựa chọn vắc xin. Từ hải đảo đến biên giới, thành thị đến nông thôn, người dân Quảng Ninh ở đâu khi có thông báo của tổ dân, khu phố đều đến điểm tiêm chủng đúng thời gian quy định, tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng dịch. Đến nay, tiến độ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu đặt ra, bảo đảm an toàn, hiệu quả, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêm chủng diện rộng.
Không chỉ “lòng dân” trong tỉnh mà ngay cả địa phương bạn trong cả nước cũng thực sự ấm lòng khi nhận được sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh để chung tay phòng, chống dịch. Tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ 100 tỷ vào Quỹ Phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, hỗ trợ hỗ trợ tỉnh Hải Dương 4 tỷ đồng để chống dịch, hỗ trợ 1.000 phần quà Đại đoàn kết trị giá 300 triệu đồng cho nhân dân các tỉnh miền Nam; 826 lượt cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã tình nguyện có mặt tại những “điểm nóng” như Bắc Giang, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... với tinh thần tự nguyện, mong muốn được góp sức chia sẻ nhiệm vụ chống dịch với các đồng nghiệp, với người dân cả nước để đẩy lùi dịch bệnh.
Với sự tin tưởng, chung sức đồng lòng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã đạt được thành tựu đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước đạt 10,28%, đưa Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính là minh chứng rõ nét nhất; dù trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cử vẫn cao hơn cuộc bầu cử khoá trước với tỷ lệ đạt 99,95%. Đặc biệt, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các công trình trọng điểm, tạo nguồn lực thu hút đầu tư để phát huy thế mạnh của tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, nâng cao đời sống của người dân. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Học sinh toàn tỉnh đã được dự khai giảng và đi học trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh.
Thực tiễn trong 2 năm chống dịch đã khẳng định những chủ trương, chính sách, biện pháp được tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, là những quyết sách “Ý Đảng, lòng dân”, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. Sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân” chính là sức mạnh to lớn, tạo động lực quan trọng để Quảng Ninh đã và đang tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nhanh chóng chuyển trạng thái từ mục tiêu không có COVID-19 sang thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện thành công "mục tiêu kép” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững./.
------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.453
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 283
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 116
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 502
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 598
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 96-97
[7] Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 30-1-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra”; Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 28-4-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 29-7-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới”; Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 30-12-2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu”. Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 3-2-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay”; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 3-5-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”
[8] Mô hình “3 trước” gồm: nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước. “4 tại chỗ” gồm: lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ
[9] Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngăn (khu 2, phường Hà An, TX Quảng Yên) 90 tuổi; cụ bà Vũ Thị Sim (khu phố Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả) 103 tuổi
Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng  (27/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay