Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh phát triển các kết cấu hạ tầng kỹ thuật then chốt: Bài học của Quảng Ninh
Khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phục vụ cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng then chốt như sân bay, đường cao tốc, cảng biển, cấp nước..., là yêu cầu cấp thiết góp phần thực hiện một trong ba khâu “đột phá chiến lược” được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng. Bài học từ thực tiễn ở Quảng Ninh về sử dụng đất phục vụ cho phát triển các kết cấu hạ tầng then chốt đã đem lại những hiệu quả nhất định cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh, có tính lan tỏa với các địa phương lân cận, thể hiện vai trò của một trong ba cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Sử dụng hiệu quả đất đai trong phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật sẽ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa
Đất đai không chỉ là nguồn lực mà còn là nền tảng cho thực hiện phát triển công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bởi lẽ phân bố công nghiệp, đô thị và công trình hạ tầng kỹ thuật đều sử dụng nguồn lực đất đai để xây dựng trên đó. Đối với phát triển hạ tầng kỹ thuật, để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cần phải có một nhìn nhận toàn diện liên quan đến sử dụng đất.
Thứ nhất, cơ chế chính sách phù hợp cho huy động sử dụng đất đai để phát triển các kết cầu hạ tầng kỹ thuật có vai trò chủ đạo đối với sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Đất đai là loại hàng hóa đặc thù, có đường cung thẳng đứng, đường cầu luôn dịch chuyển lên, xu hướng chung là giá tăng, xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, phải tạo lập được thị trường đất đai cạnh tranh lành mạnh làm căn cứ cho xác lập tính hiệu quả trong sử dụng đất.
Thứ hai, giới hạn về diện tích, đây là đặc điểm cơ bản nhất đối với nguồn lực đất đai, do vậy khi đã đưa vào sử dụng phát triển hạ tầng kỹ thuật thì không thể phát triển cho các mục đích khác như nông nghiệp hay công nghiệp. Việc tính toán hiệu quả sử dụng đất đai cho phát triển hạ tầng kỹ thuật là bài toán kinh tế phải được cân nhắc kỹ.
Thứ ba, quyền sở hữu và quyền sử dụng đất. Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, do vậy mọi cá nhân tổ chức sử dụng đất cần phải căn cứ vào quyền sử dụng dựa trên quy định pháp luật về đất đai. Như vậy, khi phát triển hạ tầng kỹ thuật cần phải tính toán cân nhắc đến quyền sử dụng đất để có phương án giải tỏa đền bù nhằm tạo cơ hội nhanh nhất cho giải phóng mặt bằng thì mới mang lại hiệu quả sử dụng đất.
Thứ tư, vị trí cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật có một ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là cơ bản để tạo ra hiệu quả sử dụng đất, việc lựa chọn vị trí tốt trong một quy hoạch tổng thể cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong sử dụng đất với một nguồn lực đầu vào có hạn.
Thứ năm, đặc tính tự nhiên của đất đai như địa hình, địa mạo, địa chất và các yếu tố tự nhiên khác ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển các kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Với đặc tính này ảnh hưởng rất lớn tới chi phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, do vậy việc lựa chọn bất cứ loại hình kỹ thuật hạ tầng gì cần phải tính tới đặc tính tự nhiên của đất đai để có phương án xử lý phù hợp mới mang lại hiệu quả sử dụng cao.
Thứ sáu, nhu cầu đặt ra đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương. Chúng ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để hướng đến quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhu cầu đối với phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho đất nước và các địa phương là rất lớn, nguồn lực đất đai phải được tính toán, quy hoạch đón đầu để bảo đảm tính hiệu quả cao nhất đối với việc sử dụng đất cho hiện tại và tương lai.
Sử dụng nguồn lực đất đai ở Quảng Ninh cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật
Quảng Ninh có tổng diện tich đất tự nhiên là 620.690ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (tương đương 485.754,28ha); đất phi nông nghiệp chỉ chiếm 94.794,09ha, còn lại là đất chưa sử dụng (tương đương 40.141,63ha). Như vậy, đất chưa sử dụng ở Quảng Ninh chiếm một diện tích rất nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật ngoài diện tích đất chưa sử dụng phải bổ sung từ đất sử dụng nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Hơn nữa về mặt phân bố, đất thuận lợi cho phát triển hạ tầng kỹ thuật của Quảng Ninh chủ yếu phân bố khu vực ven biển, so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng địa hình khá phức tạp. Vậy để lý giải cho sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai từ phát triển hạ tầng kỹ thuật then chốt ở Quảng Ninh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây.
Thứ nhất, từ chỉ đạo của cấp ủy Đảng thực hiện ba đột phá chiến lược.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh dựa trên ba khâu đột phá chiến lược của Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã được khẳng định, vận dụng cụ thể vào thực tiễn của tỉnh gồm “đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung phát triển nguồn nhân lực”. Như vậy nghị quyết Đảng bộ tỉnh chú trọng nhất là phát triển hạ tầng trong ba khâu đột phá.
Thứ hai, công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Từ Luật Đất đai 2013, sau hơn 7 năm thực hiện, tỉnh đã tạo ra được quỹ đất đủ lớn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật thông qua “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là một trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đồng thời nâng cao giá trị đất đai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng bền vững”. Với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xác định rõ ràng là căn cứ để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Thứ ba, huy động nguồn lực hiệu quả từ xã hội để sử dụng đất cho phát triển hạ tầng kỹ thuật then chốt.
Khi đã có quy hoạch rõ ràng về mặt bằng sử dụng đất, tỉnh đã “huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, hạ tầng khung của khu kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp. Đồng thời, từng bước xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh. Trong đó, tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 57 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 40,2%/năm”. Cho đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động nguồn lực tư nhân đầu tư cho sân bay và bến cảng như sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Việc huy động nguồn lực tư nhân thúc đẩy việc sử dụng đất hiệu quả cho phát triển hạ tầng kỹ thuật then chốt.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ, tạo quỹ đất.
Cùng với những chính sách sử dụng đất đai dựa vào thị trường để huy động nguồn lực xã hội, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ đất đai cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tạo quỹ đất cho xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Với đặc thù tỉnh có một lịch sử khai thác than đá từ lâu, bãi thải lớn, việc phục hồi môi trường cho các bãi thải này được tỉnh hết sức quan tâm.
Thứ năm, giao mặt bằng sạch trong phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Dựa vào quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật, Quảng Ninh đã thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho triển khai các dự án, nhất là các dự án then chốt như sân bay, bến cảng, đường cao tốc trên địa bàn tỉnh. Tính từ khi có Luật Đất đai đến nay, tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản để giải quyết vướng mắc đối với công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Việc xử lý kịp thời từ các văn bản của tỉnh (khoảng 779 văn bản) dựa trên quy định pháp luật về đất đai đã mang lại hiệu quả trong việc sử dụng đất không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội.
Thứ sáu, lựa chọn vị trí phát triển hạ tầng kỹ thuật then chốt phù hợp của tỉnh.
Hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai ở Quảng Ninh cho thấy phụ thuộc rất lớn vào lựa chọn vị trí đất đai phù hợp để phân bố sân bay, bến cảng, đường cao tốc hay các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Những vị trí này góp phần quan trọng vào hiệu quả sử dụng đất trong ngắn hạn và dài hạn của tỉnh, liên kết tỉnh trong vùng và cả nước.
Thứ bảy, gắn kết sử dụng đất với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Việc sử dụng nguồn lực đất đai cho công nghiếp hóa, đô thị hóa và kết cầu hạ tầng ở Quảng Ninh luôn có sự cân nhắc và gắn kết với tăng trưởng xanh, hài hòa trong xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường được tỉnh chú trọng, lấy tăng trưởng xanh trong chỉ đạo xuyên suốt, chuyển hướng từ “nâu” sang “xanh” là điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua, tạo hiệu quả sử dụng đất mang tính bền vững.
Bài học rút ra từ thực tiễn sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh phát triển hạ tầng then chốt
Từ thực tiễn sử dụng nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa và nhất là đối với phát triển hạ tầng then chốt có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, sự chỉ đạo kịp thời Đảng bộ tỉnh, nhất là lựa chọn khâu đột phá đúng của Đảng bộ dựa vào những đột phá của Quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vận dụng cụ thể vào thực tiễn của tỉnh làm căn cứ cho sử dụng đất ở địa phương để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất sát đúng từ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tạo ra khả năng sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, nhất là đối với kết cấu hạ tầng then chốt tạo ra động lực và sức hút đầu tư, tăng giá trị sử dụng đất, tính lan tỏa và ngoại ứng tích cực
Thứ ba, bám sát quy định của Luật Đất đai và các văn bản dưới luật trong sử dụng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… để tỉnh có những văn bản chỉ đạo kịp thời, giải quyết vướng mắc và tạo mặt bằng sạch nhanh nhất có thể.
Thứ tư, cải cách hành chính trong thủ tục đất đai nhằm tạo cơ chế minh bạch, nhanh gọn và giảm thiểu tối đa những phát sinh tiêu cực do thủ tục hành chính đất đai tạo ra.
Thứ năm, khi đã có mặt bằng sạch việc huy động nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển, đa dạng hóa nguồn vồn của xã hội, không chỉ là nguồn lực công, công tư - PPP, đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, đặc biệt là nguồn lực tư nhân. Cần tạo cơ chế cạnh tranh trong đầu tư sử dụng nguồn lực đất đai.
Thứ sáu, tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, phát triển có trọng tâm, trọng điểm và kết nối, vai trò của doanh nghiệp và người dân trong đầu tư sử dụng đất, quản lý nhà nước cùng doanh nghiệp và người dân tháo gỡ vướng mắc, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp và người dân phản ánh để giải quyết khách quan, đúng luật.
Thứ bảy, áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, thông suốt và hiệu quả.
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa và nhất là đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng then chốt từ thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy, tỉnh cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề từ cơ chế chính sách đến thực thi pháp luật, quy hoạch, cải cách hành chính và nhất là phù hợp với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường, huy động nguồn lực của xã hội, trong đó nguồn lực tư nhân có vai trò hết sức quan trọng. Mỗi địa phương có một đặc điểm riêng, từ chủ trương lớn của Đảng thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, vận dụng sáng tạo vào địa phương là hết sức quan trọng nhưng không trái với những điều mà Luật Đất đai đã quy định./.
------------------(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
(2) Tỉnh ủy Quảng Ninh: Đề án “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội 2021.
(3) Phạm Hoạch: “Chính sách pháp luật đất đai tạo “cú huých” để Quảng Ninh phát triển vượt trội”, nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chinh-sach-phap-luat-dat-dai-tao-cu-huych-de-quang-ninh-phat-trien-vuot-troi-333808.html.
Tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai  (27/05/2022)
Tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - tạo đột phá cho phát triển bền vững  (05/02/2022)
Chuyển dịch đất đai: Vướng mắc và giải pháp  (12/01/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay