Hà Nội xây dựng nông thôn hiện đại gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống
TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; khơi nguồn lực nội sinh từ văn hóa, con người Thủ đô để phát triển xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của đất nước.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, gắn với gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân, thành phố Hà Nội còn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Giá trị văn hóa của Thủ đô không chỉ thể hiện trong di sản phong tục, tập quán kiến trúc khu vực nội đô, mà còn là giá trị tổng hòa của nhiều yếu tố trong xây dựng và phát triển nông thôn bền vững. Bảo tồn và phát triển văn hóa chính là gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra những giá trị mới cho nông thôn, đó là nông thôn hiện đại với những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa gắn liền với xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng bởi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển toàn diện.
Thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới Thủ đô phải mang bản sắc riêng, nông thôn mới bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của nhân dân Thủ đô.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng phát triển đô thị
Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị; phát huy các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho dân cư và công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn bền vững theo quy hoạch gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông của thành phố, quốc gia theo định hướng giao thông đô thị; bảo đảm giao thông luôn thông suốt, an toàn đến địa bàn các xã, thôn; ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn. Cứng hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bằng các vật liệu phù hợp đồng bộ với hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng đáp ứng cả nhu cầu giao thông tĩnh về đỗ xe hiện tại và trong tương lai.
Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của dân cư nông thôn. Phát triển hệ thống bưu chính viễn thông tiên tiến hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận và hội nhập. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trung tâm y tế vùng, các cơ sở y tế chuyên sâu; hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, nhà văn hóa thôn.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và biến đổi khí hậu. Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Nghiên cứu, dự báo về những thách thức tác động đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của Thủ đô trong quá trình phát triển đô thị, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đề xuất các giải pháp làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ…; khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố. Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Triển khai số hóa tư liệu, xây dựng chương trình hành động nhằm quảng bá, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và có nguy cơ mai một.
Tích cực thực hiện cam kết với UNESCO hoàn thành dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, di tích 18 Hoàng Diệu và Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh); hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án khu trưng bày Bảo tàng Hà Nội.
Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững phù hợp với từng đơn vị trên địa bàn thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và con người Hà Nội với trong nước và thế giới, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, gắn với bảo tồn các giá trị, không gian văn hóa làng quê. Với đặc thù là Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất sản xuất nông nghiệp không lớn; khu vực nông thôn có số lượng di sản văn hóa đa dạng cần được bảo tồn, phát huy... do vậy, phát triển kinh tế hài hòa với phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội (bảo tồn văn hóa làng nghề, văn hóa tín ngưỡng trong quá trình phát triển) luôn là “bài toán” khó. Khu vực ven đô có mật độ dân số cao, hoạt động dân sinh đan xen sản xuất nông nghiệp, làng nghề… nên thành phố sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, phát triển các dự án đô thị… sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường sinh thái, không gian kiến trúc, hoạt động kinh tế, tập quán dân cư… Do vậy, để xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị, Hà Nội cần chủ động giải quyết các vấn đề này. Nông thôn mới Hà Nội mang những đặc trưng riêng của đất văn hiến nghìn đời và sẽ là vùng ngoại ô của những miền quê đáng sống, gắn với phát huy thế mạnh của đất "trăm nghề", phát triển nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái, bảo tồn, gìn giữ những không gian, giá trị văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” theo tiêu chí, lộ trình đã cam kết với UNESCO.
Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước
Hà Nội tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình “Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa quốc gia” với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.
Thành phố quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo; tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia, như Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền,... và 5.922 di tích đã được xếp hạng... Bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội... Phấn đấu Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng từ 0,86 đến 0,88 vào năm 2025 và khoảng từ 0,88 đến 0,90 vào năm 2030.
Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”. Phấn đấu đến trước năm 2030, thành phố hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.
Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.
Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 5 huyện phát triển thành quận (Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thành Trì) và đến năm 2030 phát triển thêm từ 1 đến 2 huyện.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thành phố cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, trong đó:
Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn. Tăng cường phân cấp thu chi ngân sách cấp huyện và xã. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI. Phát triển các hình thức đầu tư đối tác công - tư; lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cùng một địa bàn.
Các quận nội thành, các cơ quan, đơn vị quan tâm chia sẻ và hỗ trợ, ủng hộ vốn đầu tư thực hiện công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, xử lý môi trường. Tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị và nhân dân ủng hộ, đóng góp (bằng tiền, vật tư, công lao động, hiến đất xây dựng công trình... ) phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và người dân để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông thủy lợi nội đồng; công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, xử lý môi trường) để đóng góp xây dựng nông thôn mới ở các xã, nhất là các xã miền núi.
Sắp xếp, đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án từ thành phố đến cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm tháo gỡ khó khăn cho huyện, xã trong quá trình thực hiện chương trình. Tập trung vốn hoàn thành dứt điểm từng công trình, dự án, tránh đầu tư dàn trải và nợ đọng kinh phí xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác giám sát chất lượng các công trình xây dựng của các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư ở cơ sở. Mặt khác, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới./.
Đẩy mạnh liên kết vùng - Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô  (01/11/2022)
Hà Nội tích cực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong bối cảnh mới  (01/11/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay