Cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Những điểm sáng từ thực tiễn Hà Nội
TCCS - Những năm qua, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ. Từ thực tiễn công tác này, có thể thấy nhiều điểm sáng cần được tiếp tục phát huy, lan tỏa.
Rà soát các quy định về thủ tục hành chính nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian qua, hằng năm, thành phố Hà Nội đều ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát thủ tục hành chính, quy chế phối hợp công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; 100% số quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, các sở, ngành thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục có liên quan đến đời sống nhân dân, chính sách người có công, đầu tư, đất đai,...; có những sở còn được ủy quyền thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân thành phố trong một số lĩnh vực, như môi trường, văn hóa và thể thao, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư;...
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố đều chủ động triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” với nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đều được bố trí độc lập và đặt tại nơi trang trọng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Thành phố còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường rà soát số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính để bố trí cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và tuân thủ quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018, của Chính phủ, về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố cũng tiến hành rà soát, chuẩn hóa, xóa bỏ dữ liệu thủ tục hành chính dư thừa, trùng lặp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đồng thời, kịp thời nhập, đăng tải công khai, tích hợp dữ liệu thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông trong giải quyết công việc liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã.
Thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính đối với toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của mình ở cả 3 cấp; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn quy trình xử lý, tăng số lượng các thủ tục hành chính liên thông gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý để bảo đảm minh bạch, chính xác, giảm thời gian, số lượng hồ sơ, thành phần hồ sơ và quy định rõ tiến độ, trách nhiệm giải quyết. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng quy trình nội bộ đối với toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc xây dựng và cải tiến quy trình xử lý thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan, đơn vị cũng được chỉ đạo quyết liệt theo hướng bảo đảm rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành. Ban Tổ chức Thành ủy còn chủ động tham mưu với Thành ủy về rút ngắn, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính về công tác Đảng.
Về cải cách thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thành phố tiếp tục thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 02 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện ghép thủ tục công bố thông tin về doanh nghiệp ngay khi thực hiện thủ tục thành lập mới/thay đổi đăng ký kinh doanh trong khi chờ sự chấp thuận, sửa đổi quy định từ Trung ương; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ có liên quan đến quá trình khởi sự doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, thành phố chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong lĩnh vực tín dụng, thành phố chỉ đạo tiếp tục minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường. Trong lĩnh vực thuế, tổ chức xây dựng cổng giao tiếp điện tử giữa cơ quan thuế và người nộp thuế; tiếp tục triển khai hệ thống gửi thư điện tử tự động đến email của các doanh nghiệp về thông báo nợ thuế, các chính sách thuế mới, hướng dẫn quyết toán thuế; triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử kết nối dữ liệu với cơ quan thuế;… Trong lĩnh vực hải quan, triển khai thông suốt hệ thống thông quan tự động và cơ chế “một cửa” quốc gia, cơ chế “một cửa” ASEAN. Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiếp tục tập trung thực hiện giao dịch điện tử về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Trong lĩnh vực xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4892/2017/QĐ-UBND, ngày 25-7-2017, về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng; ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc thành phố theo hướng giảm bớt thủ tục, giảm 20,1% số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính… Đặc biệt, ngày 1-6-2017, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3365/QĐ-UBND, về thành lập Tổ công tác liên ngành của thành phố để giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án; quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đối với một số loại dự án trên địa bàn thành phố. Theo mô hình này, việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho chủ đầu tư, góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm sự công khai, minh bạch và gắn liền với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính.
Áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cung ứng các dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Sau khi thí điểm thành công và mở rộng áp dụng thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cung ứng dịch vụ công tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được giao cung ứng dịch vụ công ích, ngày 07-5-2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND, ban hành Quy định việc áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, công bố, công khai các công việc, thủ tục dịch vụ công nhằm nâng cao tính minh bạch, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành.
Thành phố triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi (như dân cư, quy hoạch, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm,...) theo hướng tập trung, tích hợp tại trung tâm dữ liệu, làm nền tảng cho việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành (như giáo dục, y tế, giao thông, lao động, tư pháp), từng bước hình thành dữ liệu lớn (Bigdata); bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Theo đó, từ năm 2016, thành phố tập trung triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, như xây dựng, vận hành, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư; hình thành cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý bảo hiểm trên cơ sở, nền tảng ứng dụng triển khai đồng bộ từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam… Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên cổng giao tiếp điện tử thành phố. Trong lĩnh vực nông nghiệp, triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Trong lĩnh vực thanh tra, xây dựng và triển khai phần mềm quản lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo dùng chung đến các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ. Trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ thuế điện tử được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện tối đa và giảm chi phí cho người nộp thuế…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Từ Quý IV năm 2015, thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính quyền điện tử là cần tập trung triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung, như chưa có các văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương về định hướng, tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình triển khai hệ thống dịch vụ công; điều kiện hạ tầng của thành phố chưa hoàn thiện; thói quen và trình độ của người dân, doanh nghiệp của Thủ đô chưa sẵn sàng…, thành phố quyết định tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến theo từng giai đoạn, chọn các đơn vị làm thí điểm, sau đó nhân rộng, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực thuận lợi trong triển khai, nhiều người sử dụng, bảo đảm không làm gián đoạn các hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, đến cuối năm 2016, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức triển khai mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để đưa vào phục vụ người dân, doanh nghiệp trên toàn thành phố với tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến tại các phường đạt trên 75%, tại các xã đạt trên 25%. Từ năm 2017, thành phố tiếp tục triển khai mở rộng các dịch vụ công trực tuyến tới các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; tích cực triển khai, đưa vào vận hành cổng dịch vụ công thành phố kết nối với hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung cho 3 cấp của thành phố thành hệ thống thống nhất (dùng chung cho 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn). Từ ngày 24-10-2018, hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung cho 3 cấp của thành phố đi vào vận hành đã giúp công tác quản lý, theo dõi và đánh giá định kỳ, đột xuất kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố được thuận lợi hơn, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các quy định hiện hành về giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, để tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò của công nghệ thông tin trong quá trình phát triển và hội nhập, công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến được thành phố quan tâm, triển khai đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, với nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi.
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, thành phố đều ban hành kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố và giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan chủ trì triển khai điều tra, khảo sát. Năm 2016, việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được tiến hành đối với 4 lĩnh vực: lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công; năm 2017, tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với 3 lĩnh vực: an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cấp đổi giấy phép lái xe; năm 2018, tiến hành khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với 4 lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, khám, chữa bệnh, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; năm 2019, triển khai đo Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của 20 sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và Chỉ số hài lòng ở một số lĩnh vực trọng điểm, như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường./.
Thành phố Hà Nội đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội  (23/09/2020)
Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội  (20/09/2020)
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
Hà Nội phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới  (10/09/2020)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay