Vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh
Hệ thống các di sản, xét từ cội nguồn thực sự, đều do nhân dân làm chủ thể. Nhân dân là người chủ có công lao, sáng kiến xây dựng, bảo vệ, chăm sóc, tôn tạo, tu bổ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hàng nghìn năm, hàng trăm năm cho đến nay, vẫn là như vậy. Di sản độc đáo, vĩ đại “Yên Tử” và đền thờ “vua Bà” ở Quảng Ninh từ hàng ngàn năm nay đều gắn với vai trò chủ thể ấy. Ngược lại, di sản, di tích nào thiếu vai trò chủ thể đó sẽ giảm dần ý nghĩa và có khả năng lụi tàn.
Phải chăng, đó là quy luật bất thành văn của sức sống di sản văn hóa ở nước ta. Như vậy, khi bàn về “Kinh tế di sản” như là một động lực tăng trưởng mới ở Quảng Ninh nói riêng và ở nước ta nói chung, không thể không khẳng định tiền đề đó. Những giá trị của di sản văn hóa có thể được khai thác mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng lớn. Những năm gần đây, chúng ta đang triển khai công việc trên với những thành công, những hạn chế và cả những vấn đề đang đặt ra cần nghiên cứu, giải quyết, ở cả nước và ở Quảng Ninh, trong đó nổi lên vấn đề không nhỏ: Sự biến động vai trò chủ thể của nhân dân. Vậy ai là chủ thể triển khai kinh tế di sản và tạo ra lợi nhuận? Nhân dân nói chung hay chủ đầu tư? Nếu nhân dân là chủ thể thì thể hiện vai trò đó như thế nào trong thực tiễn, còn nếu chủ đầu tư, nhà doanh nghiệp trở thành chủ trong quá trình triển khai kinh tế di sản thì vai trò của nhân dân ở địa phương có di sản sẽ là gì? Gần đây, có thông tin từ một thành phố ở nước Ý có nhiều di sản nổi tiếng thế giới, người đến tham quan, du lịch gấp nhiều lần số dân bản địa của thành phố đó, gây căng thẳng, bất ổn cho cuộc sống của họ. Họ đã phản ứng, đòi phải giảm bớt số lượng khách du lịch và yêu cầu bảo vệ di sản, không thể khai thác triệt để, cạn kiệt di sản! Ở ta chưa có nơi nào đến mức như vậy, song cũng đã xuất hiện “nghịch cảnh” đáng quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, một nhà nghiên cứu đã băn khoăn một bộ phận người dân các vùng có di tích thời gian gần đây thu nhập tăng thêm nhờ kinh doanh các dịch vụ trong khu vực di sản. Song có nơi, di sản bị khai thác quá mức, bị thương mại hóa, thậm chí bị xâm hại. Có thể nhà khoa học trên rất nặng lòng đối với các di tích văn hóa, lo lắng và sốt ruột, song trên thực tế đã có biểu hiện như vậy ở một số địa phương có thế mạnh để phát triển kinh tế di sản. Nếu hiện tượng trên trở thành phổ biến thì chắc chắn rằng, không những kinh tế di sản ở nơi đó sẽ không phát triển bền vững mà còn làm méo mó, xấu xí vai trò chủ thể của nhân dân trong hoạt động kinh tế di sản.
Một lần, cùng các đồng chí hải quân đi thăm một đơn vị ở tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi vào một cửa hàng ăn. Trong khi chờ đợi, chúng tôi, chủ và khách trò chuyện vui. Biết khách từ xa đến, muốn tìm hiểu về quê hương mình, chủ đã nói rất tường tận, sinh động, chân tình về đất và người Quảng Ninh, về văn hóa, các vẻ đẹp của thiên nhiên, sự độc đáo của các di tích lịch sử - văn hóa... Quảng Ninh. Tôi đã ghi nhớ đến các tên rất lạ mà thật gần gũi của một số hòn đảo trên Vịnh Hạ Long: Hòn Ông Sư, hòn Gà Chọi, hòn ông Lã Vọng, hòn Đại Bàng... Tôi đã mường tượng đến sự kỳ vĩ của Yên Tử qua lời kể của chủ nhà hàng... Phải chăng, người chủ đó đã trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đóng cả hai vai: Chủ thể và người kinh doanh trong kinh tế di sản! Phải chăng, những năm qua, Quảng Ninh đang nỗ lực, kiên trì tạo nên những kiểu mẫu người làm chủ như vậy. Tôi viết “phải chăng”, bởi vì đã gặp được một số kiểu mẫu như vậy, tuy có lẽ, chưa thật nhiều, nhưng là một hướng đi đúng. Ở các vị trí khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, song sự vươn lên chủ động làm chủ, ở cả hai vai, như vậy thật sự cần thiết cho phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh.
Là người có nhiều năm liên quan đến ngành xuất bản, tôi biết Quảng Ninh có chương trình giới thiệu, quảng bá quê hương mình qua sách, báo, tài liệu, phim, ảnh. Bằng cách đó, người dân Quảng Ninh sẽ trở thành người chủ, yêu và tự hào về quê hương mình, dù làm nghề gì cũng giữ được sự tự trọng ở mọi nơi, mọi lúc. Mấy năm gần đây, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, giáo dục với các phương thức khá đa dạng để nuôi dưỡng tình cảm, nhận thức trên cho nhân dân các dân tộc ở Quảng Ninh. Sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của Bảo tàng và Thư viện Quảng Ninh với kiến trúc độc đáo “rất Quảng Ninh” và phương thức hoạt động tương đối hiện đại là minh chứng sinh động cho định hướng trên...
Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, tình cảm cho nhân dân là cơ sở, là nội lực để nhân dân làm chủ di sản văn hóa của mình. Song lúc này và sau này, tư cách làm chủ đó lại đặt ra trong sự phát triển ngày càng mạnh của kinh tế di sản, mà kinh tế này dựa chủ yếu vào phát huy, khai thác các giá trị tiềm ẩn của di sản để tạo ra hiệu quả kinh tế. Ở nước ta, văn hóa nói chung của các giá trị văn hóa truyền thống, nói riêng, chính là tài nguyên vô cùng giàu có và độc đáo của kinh tế di sản, của ngành kinh tế du lịch. Có nghĩa là, lúc này, ở Quảng Ninh, không chỉ dừng lại ở nhận thức, tình cảm đối với di sản mà còn phải nâng cao năng lực và phương thức mới để giữ vững vai trò chủ thể của nhân dân trong điều kiện và đặc điểm mới trên đây. Phải chăng, đây chính là vấn đề mới đang đặt ra chưa có lời giải thỏa đáng và toàn diện. Không ít nơi, khi kinh tế di sản, du lịch phát triển, một bộ phận người dân “bản địa” đứng ngoài hoặc trở thành người làm thuê, thậm chí có nơi, người dân lại mất dần quyền thụ hưởng các giá trị của di sản văn hóa, vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh của quê hương mình.
Tôi được biết Quảng Ninh đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó phát huy kinh tế di sản là một nội dung quan trọng do sự giàu có hiếm có của các di sản, “tài sản” văn hóa Quảng Ninh. Thật không thể đầy đủ, song chỉ cần nghĩ tới ba điểm sáng: Vịnh Hạ Long, Trúc Lâm Yên Tử và vùng than đã thấy rõ thế mạnh của Quảng Ninh. Ba điểm độc đáo trên đều có một đặc điểm chung là sự gắn kết hài hòa của thiên nhiên hùng vĩ, kỳ lạ với con người phát hiện, giữ gìn và phát huy nó trong quá trình lịch sử hàng trăm, hàng nghìn năm. Quy hoạch phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh chắc chắn cần đặc biệt quan tâm đến đặc điểm đó.
Người dân Quảng Ninh phải được đặt vào chủ thể, cả bảo vệ và thụ hưởng kết quả của sự khai thác các tài sản vô cùng quý hiếm đó, mà trước hết là sự đồng thuận, góp ý, phản biện đối với quy hoạch tổng thể và từ đó, tạo điều kiện để người dân “bản địa” tham gia xây dựng kinh tế di sản ở quê hương mình. Kêu gọi đầu tư từ bên ngoài (cả trong và ngoài nước) là rất cần thiết và quan trọng, song để phát triển bền vững, việc huy động tối đa nguồn lực, vật lực, tài lực của nhân dân Quảng Ninh sẽ là nhân tố quyết định, lâu dài. Tôi nghĩ rằng, Quảng Ninh đang đi theo hướng đó. Một số lần xuống tàu đi thăm Vịnh Hạ Long, tôi cảm nhận được điều đó và mong rằng ở Yên Tử cũng sẽ là như vậy. Giúp du khách đến thăm Quảng Ninh hiểu sâu hơn sự độc đáo, có một không hai và tính thiêng của Yên Tử, đặc biệt của cuộc đời Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vừa khẳng định giá trị văn hóa nơi đây vừa tạo cơ hội để phát triển kinh tế di sản ở Yên Tử. Từ nhận biết, chắc không thể hoàn toàn chuẩn xác, tôi nghĩ rằng, để khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế di sản, phải chăng, cần những yếu tố như: Sự thấu hiểu giá trị và tình yêu của người dân đối với di sản văn hóa của quê hương mình; nâng cao trình độ, năng lực và nguồn lực của người dân khi tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế di sản và sự ưu tiên, quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng nhà nước đối với người dân của chính nơi có di sản, có điều kiện phát triển kinh tế di sản. Có lẽ, thiếu một trong các yếu tố đó, vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển kinh tế di sản khó thực hiện, nếu không muốn nghĩ có phần lo lắng rằng, người dân sẽ đứng ngoài, thậm chí chỉ là người làm thuê!
Đào tạo những người làm hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tham gia vào hoạt động, quảng bá kinh tế du lịch ngay trong lực lượng thanh niên ở Quảng Ninh cũng là một hướng đi có hiệu quả cao để xác định vai trò chủ thể của người dân vào phát triển kinh tế di sản. Vài năm gần đây, ở một số tỉnh đã đi theo hướng đó, trong đó Quảng Ninh đã quan tâm và bước đầu thực hiện có hiệu quả. Thật là vui mừng với độ tin cậy cao khi nghe chính những người hướng dẫn du lịch quê ở Quảng Ninh giới thiệu thuần thục cái đẹp, cái giá trị độc đáo của thắng cảnh, của các di tích, di sản văn hóa Quảng Ninh.
Sản phẩm du lịch là một trong những nét hấp dẫn của kinh tế di sản. Sự hấp dẫn ấy trước hết là tính độc đáo, bản sắc riêng có của các sản phẩm đó của một vùng quê. Quảng Ninh có vô vàn những loại sản phẩm như vậy, của biển, của than đá, của các dân tộc, của lịch sử... Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú ý khai thác các tiềm năng đó và xuất hiện một số sản phẩm du lịch “rất Quảng Ninh”. Song, cuộc “cạnh tranh” đang diễn ra không đơn giản khi xuất hiện những sản phẩm “ngoại lai”. Tôi đã có vài lần vào thăm các cửa hàng, các chợ bán sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh. Có một cảm giác, có thể chưa chuẩn xác lắm, đó là tiềm năng của Quảng Ninh chưa được khai thác hết, sản xuất kiểu cũ còn nhiều, cái mới, cái sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn còn hạn chế (hoặc có những sản phẩm công phu, đẹp nhưng có thể giá cả còn cao so với khả năng của đa số khách du lịch).
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi đến thăm Quảng Ninh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: “Than đá có thể hết, nhưng nguồn lợi về Hạ Long thì vô tận”. Đến nay, tôi cảm nhận đó như một sự tiên đoán về tiềm năng, nội lực của Quảng Ninh về phát triển mạnh và bền vững kinh tế di sản. Quảng Ninh đang đi theo hướng đó và chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu mới./.
Phát triển kinh tế di sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm  (07/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
Phát huy giá trị kinh tế di sản vùng đồng bằng sông Hồng  (07/12/2024)
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc kết hợp bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội  (07/12/2024)
Định vị kinh tế di sản trong cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ninh  (07/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay