Giải quyết một số mâu thuẫn trong phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa vô cùng quý giá, là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế di sản của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Trong phát triển đó, tỉnh Quảng Ninh cần vượt qua nhiều thách thức, khó khăn và giải quyết được một số mâu thuẫn nảy sinh trong thực tiễn.
1- Kinh tế di sản cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị tự nhiên và các giá trị xã hội sẵn có. Như vậy, có thể nói, kinh tế di sản là khái niệm dùng để chỉ về một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một đất nước.
Thật ra, đối với thế giới, kinh tế di sản là một khái niệm hay là một loại hình kinh tế, không phải là quá mới, trong đó du lịch di sản - văn hóa là một biểu hiện cụ thể nhất. Ở mức độ này hay mức độ khác, ngay ở nước ta, kinh tế di sản cũng đã được quan tâm từ khá lâu. Song, nhìn một cách tổng thể thì chúng ta vẫn chưa hiểu thật sâu sắc, chưa thật đúng về lĩnh vực kinh tế này nên chưa khai thác và phát triển nó một cách thật sự hiệu quả và bền vững lâu dài.
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc của nước ta. Quảng Ninh được xác định là một trọng điểm kinh tế ở phía Bắc, là một trong bốn trung tâm du lịch lớn nổi tiếng nhất của cả nước được thế giới biết đến, đặc biệt trong đó có di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long với hơn 2.000 hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển. Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km² với 1969 hòn đảo đã từng được UNESCO ba lần (năm 1994, 2000 và 2023) công nhận là di sản thế giới về giá trị thẩm mĩ, địa chất, địa mạo, sinh học và kinh tế. Trong đó khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km² với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Trên vịnh Hạ Long có nhiều hang động, các bãi tắm cát vàng bằng phẳng, cảnh quan rất đẹp hết sức thuận lợi cho việc phát triển du lịch vô cùng hấp dẫn khách phương xa. Nhờ vậy, Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà, đảo Cô Tô, vịnh Bái Tử Long, các bãi biển Bãi Cháy, Tuần Châu là các khu du lịch trọng điểm quốc gia, là động lực phát triển vùng du lịch Bắc Bộ.
Cùng với những thế mạnh đó, Quảng Ninh còn hội tụ nhiều điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại. Đồng thời, hiện nay Quảng Ninh cũng có nhiều khu kinh tế quan trọng, trong đó khu Trung tâm thương mại Móng Cái chính là đầu mối giao thương hàng đầu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các nước khác trong khu vực. Quảng Ninh chính là tỉnh có trữ lượng than đá và lượng than đá khai thác được hằng năm lớn nhất và chủ yếu của nước ta, đồng thời là trung tâm về các ngành công nghiệp quan trọng như điện, cơ khí, xi măng, vật liệu xây dựng. Như trên đã đề cập, Quảng Ninh là một trong những trung tâm thu hút khách du lịch hàng đầu của Việt Nam, nhờ giàu tiềm năng về du lịch, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng đã được thế giới công nhận cùng với nhiều di tích gắn liền với lịch sử hào hùng suốt hàng chục thế kỷ của dân tộc. Chẳng hạn, như bãi cọc Bạch Đằng, thương cảng Vân Đồn nơi đã diễn ra trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Khánh Dư; khu quần thể di tích lăng các vua nhà Trần tại Đông Triều; núi Yên Tử, nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm do phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập; khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện đảo Cô Tô... Ngoài ra, theo thống kê, Quảng Ninh còn có khoảng 500 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khác nhau... gắn bó với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích như miếu Tiên Công, đình Phong Cốc (Quảng Yên), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Đình Trà Cổ (Móng Cái), chùa Long Tiên (Hạ Long), Đệ tứ chiến khu Đông Triều, chùa Ba Vàng (Uông Bí), đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn)... Đây là những điểm thu hút rất đông khách thập phương đến với các loại hình du lịch văn hóa, tôn giáo, nhất là vào những dịp lễ hội. Cùng với các di tích lịch sử nổi tiếng đó, Quảng Ninh còn có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Đây là nguồn tài nguyên vô giá giúp cho ngành du lịch thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể là hoạt động du lịch của Quảng Ninh có bước tăng trưởng rất ấn tượng, nhất là từ năm 2017 cho đến nay, với hàng triệu lượt du khách và đang tăng dần đều hằng năm. Riêng trong năm 2023, Quảng Ninh đã đón tới 8,55 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế ước đạt tới 1,5 triệu lượt người; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 18.900 tỷ đồng.
Tóm lại, tỉnh Quảng Ninh có đầy đủ các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, về xã hội, về con người, về di sản văn hóa và về lịch sử hào hùng để phát triển mạnh nhiều mặt cả trong hiện tại lẫn trong tương lai nhất là về kinh tế di sản.
2- Nhìn chung, tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi, nhiều ưu thế vượt trội để phát triển kinh tế di sản mà không phải tỉnh nào của nước ta cũng có được. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và ưu thế to lớn đó để phát triển kinh tế di sản thật sự hiệu quả thì Quảng Ninh cũng cần giải quyết một số những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế di sản.
Một là, mâu thuẫn mục tiêu kinh tế và mục tiêu bảo vệ các di sản văn hóa.
Chủ thể quản lý di sản thuộc về các cơ quan quản lý các cấp của địa phương và trực tiếp là cả toàn thể nhân dân địa phương. Địa phương luôn mong sao có thể thu hút được càng nhiều người đến du lịch thì càng tốt vì qua đó nguồn thu sẽ tăng lên, cũng nhờ đó mà kinh tế nói chung, và kinh tế di sản nói riêng, có bước phát triển mạnh hơn mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là khi lượng du khách càng đông lên thì việc bảo tồn để các di tích văn hóa không bị xâm phạm, chẳng hạn như không bị bôi bẩn, không bị vẽ bậy, không bị khắc dấu ghi tên người đến tham quan hay việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển, giữ sạch cho các đảo là điều khá khó khăn. Điều này thật sự đã dẫn đến một thực tế là cơ quan quản lý các di tích sẽ thu được nhiều tiền hơn nhưng đồng thời cả các di tích văn hóa lẫn môi trường biển đều chịu những tổn thất mà không thể nào tính bằng tiền được.
Mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết, hay giảm bớt một cách căn bản, khi có quy chế quy định thật chặt chẽ, kể cả quy định việc phạt tiền với người vi phạm, đồng thời được người có trách nhiệm quản lý, người hướng dẫn du lịch giám sát nghiêm ngặt cũng như được mọi người đi tham quan, du lịch có ý thức cùng nhau tự giác thực hiện. Nếu xảy ra tình trạng cơ quan quản lý lỏng lẻo, chỉ cốt thu được nhiều tiền của khách du lịch còn khách du lịch hành động kém ý thức thì sẽ là “tai họa” đối với các di sản. Bởi vậy, việc giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu bảo vệ các di sản văn hóa phải được coi trọng, phải kết hợp hài hòa và rốt ráo thực hiện ngay từ đầu để tránh những hậu quả không dễ gì khắc phục, như việc các di sản quý giá có thể dần dần xuống cấp rồi đến một lúc nào đó sẽ hoàn toàn biến mất. Nếu như điều này xảy ra thì thật sự sẽ là tai họa thảm khốc. Bởi vậy, các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương phải đặt nhiệm vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế sao cho thật sự hài hòa và đồng bộ với việc bảo vệ một cách tốt nhất các di sản văn hóa và phát triển văn hóa; phải khắc phục một cách hiệu quả tình trạng chỉ nhấn mạnh một chiều “vai trò của kinh tế, mà ít chú ý đến các giá trị văn hóa”.
Hai là, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.
Thoạt nhìn thì tưởng rằng đây là hai phạm trù hoàn toàn đối lập nhau, không thể nào dung hòa được với nhau. Song, trong văn hóa và cả trong cuộc sống của con người thuộc bất cứ xã hội nào, hay dù ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, thì chúng đều có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Đối với các di sản văn hóa, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được xác định phải là bảo tồn. Khái niệm “bảo tồn” thường được hiểu là hệ thống các giải pháp nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa trong đời sống của một quốc gia, một cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, tùy vào mục đích mà mỗi bên tham gia có thể sẽ có quan điểm khác nhau về công tác bảo tồn các di sản văn hóa. Cụ thể là bảo tồn nguyên vẹn, bảo tồn có kế thừa và bảo tồn để phát triển.
Theo chúng tôi, quan điểm bảo tồn để phát triển có ý nghĩa đặc biệt về khía cạnh kinh tế di sản. Bởi vì, các di sản văn hóa thực sự có thể đóng vai trò là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế khi đáp ứng được các yêu cầu, nhu cầu và cả thị hiếu khác nhau của những ai tham gia thị trường. Cho nên, xét từ góc độ triết học, hoạt động bảo tồn có mối quan hệ không tách rời với sự phát triển. Chính vì vậy, việc bảo tồn các di sản văn hóa nhất thiết phải song hành với việc sử dụng, quảng bá rộng rãi và phát huy các giá trị của nó trong đời sống. Chỉ có như vậy thì hoạt động bảo tồn mới thực sự có ý nghĩa và không đi ngược lại quá trình phát triển của xã hội. Với góc nhìn này, di sản văn hóa là một trong những nguồn lực không thể bỏ qua, thậm chí phải trở thành một sự lựa chọn cho kế hoạch phát triển kinh tế của xã hội - đó chính là của kinh tế di sản.
Nhiều bài học từ các quốc gia trên thế giới khi muốn đoạn tuyệt và xóa bỏ tất cả di sản văn hóa của quá khứ là cực kỳ đắt giá mà nhân loại không bao giờ được phép lãng quên, để không bao giờ lặp lại. Từ đây, một bài học hết sức quan trọng cần rút ra là trong văn hóa phải biết bảo tồn những giá trị đã được thẩm định qua thời gian để phát triển, không thể có bất cứ sự phát triển nào trên mảnh đất trống rỗng hoặc đã loại bỏ mọi di sản và những giá trị của các di sản ấy đã được thẩm định qua thời gian.
Trong văn hóa, bảo tồn chính là để kế thừa và từ đó từng bước phát triển lên một trình độ cao hơn. Cho nên trong mọi hoàn cảnh, việc bảo tồn các di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cũng chính là bảo tồn các giá trị, phải được coi là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trước hết vì trong di sản văn hóa đã chứa đựng những giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia dân tộc. Cùng với các di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể không những có khả năng đóng góp to lớn và thiết thực cho sự phát triển kinh tế di sản mà còn góp phần vào nhiệm vụ xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia, nhất là trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo hoặc bị đe dọa xâm lược. Chính sức mạnh của các giá trị văn hóa của dân tộc ta đã từng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, các di sản văn hóa quý giá là một trong những nguồn lực không thể bỏ qua và nó phải thật sự trở thành một một thành tố trong kế hoạch phát triển kinh tế di sản của tỉnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng, cho dù đất nước chúng ta đã và đang có một nền văn hóa với những giá trị di sản vô cùng phong phú nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một nền kinh tế di sản tương xứng.
Ba là, mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
Trong nền kinh tế di sản nếu con người chỉ chăm chăm quan tâm khai thác lợi ích trước mắt mà không chú ý đúng mức đến lợi ích lâu dài thì sẽ khó tránh khỏi những tai họa, có khi là tai họa làm cho di sản xuống cấp thậm chí tiêu tan. Cho nên nếu như cố tình khai thác cạn kiệt, quá sức chịu đựng của di sản bằng cách thu hút càng nhiều khách du lịch càng tốt, cốt để thu được nhiều tiền, mà không biết cách thức giữ gìn, không biết cách thức nuôi dưỡng, bảo vệ và tôn tạo di sản thì chắc chắn, cùng với thời gian, sức tàn phá các di sản do cả con người lẫn thiên nhiên gây ra sẽ vô cùng nặng nề. Bởi vậy, đối với các di sản, cả di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, chúng ta phải tuyệt đối trân trọng, gìn giữ, tuyệt đối tránh thực hiện kiểu “nền kinh tế cướp đoạt” (theo cách nói của Ph. Ăng-ghen) đối với các di sản.
Để có được kinh tế di sản dựa trên các giá trị văn hóa phong phú của mình Quảng Ninh còn không ít việc cần làm. Cụ thể là, muốn thu hút khách du lịch, nhất là những đoàn khách quốc tế đông đảo, gồm toàn những người giàu có, tiền nhiều, có nhu cầu cao, nhưng cơ sở vật chất và các dịch vụ như vui chơi, giải trí, mua sắm của chúng ta chưa được nâng cấp tương xứng nếu không nói còn khá đơn điệu và còn nghèo nàn. Chính do thiếu những điều kiện này cùng với việc chưa có những giải pháp hiệu quả để kéo dài thời gian lưu trú.
Để khắc phục những nhược điểm này, nhất là tình trạng đơn điệu, nghèo nàn, theo chúng tôi, thành phố Hạ Long nói riêng, và tỉnh Quảng Ninh nói chung, cần nghiên cứu đầu tư vào các khu di tích đặc trưng riêng có của địa phương, phát triển kinh tế đêm ở những nơi có điều kiện và các trung tâm mua sắm phong phú phục vụ khách du lịch. Tỉnh Quảng Ninh nên tổ chức các sự kiện âm nhạc, các tuyến du lịch đi thăm làng chài, khu nuôi cấy ngọc trai vào ban đêm, mở dịch vụ câu cá, câu mực đêm... nhằm thu hút khách du lịch, nhất là giới trẻ và khách quốc tế. Cần hết sức tránh tình trạng khách du lịch chỉ đến một lần rồi không trở lại. Bởi vậy, các cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị chức năng có liên quan cần đưa ra các giải pháp tốt nhất nhằm thu hút khách và nhất là để giữ khách, sao cho khách muốn trở lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần có chính sách thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp văn hóa khác, nhất là lĩnh vực điện ảnh của cả trong nước và thế giới, để các đoàn làm phim sử dụng cảnh quan tự nhiên làm phim trường cho các bộ phim truyện, qua đó quảng bá các di sản quý giá hiếm có của địa phương mình. Các tổ chức, các doanh nghiệp và người dân cũng cần tìm ra những giải pháp phát triển kinh tế di sản của chính mình, thúc đẩy các sáng kiến cộng đồng, qua đó góp phần chuyển hóa thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương và của đất nước ta.
Với tất cả những gì đã làm được, những gì đang còn tiềm ẩn, còn chưa được khai thác hết, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng rằng, trong tương lai gần với sự quan tâm của Nhà nước và của toàn xã hội, kinh tế di sản sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới, góp phần tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của quốc gia nói chung, hướng tới sự phát triển mới mạnh mẽ hơn và bền vững lâu dài của đất nước./.
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản gắn với môi trường và bền vững  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay