Phát huy giá trị văn hóa công nhân vùng đất mỏ trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
1. Di sản văn hóa công nhân vùng mỏ
Quảng Ninh là vùng đất có bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa, có thể nói, văn hóa Quảng Ninh được cấu thành bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Và một trong những đặc trưng làm nên sự khác biệt của văn hóa Quảng Ninh so với các địa phương khác đó chính là văn hóa công nhân vùng đất mỏ, đây được coi là một nguồn vốn văn hóa với những giá trị khác biệt, riêng có, được hun đúc, tạo lập qua thăng trầm của lịch sử để hình thành nên bản sắc văn hóa đặc sắc duy nhất có trong cả nước - văn hóa vùng đất mỏ anh hùng.
Được ví như nước Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng “vàng xanh” là kỳ quan thiên nhiên thế giới và “vàng đen” trong lòng đất, Quảng Ninh có trữ lượng than đá lớn nhất cả nước. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam tiến hành khai thác thuộc địa, tăng cường vơ vét tài nguyên và lập ra một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (S.F.C.T) vào năm 1888 để khai thác than trên diện rộng từ Kế Bào (Cái Bầu), Mông Dương, Cẩm Phả, Hòn Gai, đến Vàng Danh, Mạo Khê. Năm 1924 Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng được thành lập. Vùng mỏ Quảng Ninh được hình thành. Đây là cơ sở công nghiệp có qui mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương và đó cũng là cái nôi ra đời của đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh nói riêng và giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ thợ mỏ đi trước đã tạo dựng và để lại nhiều giá trị văn hóa vật thể cho Vùng mỏ với các di tích như: Di tích miếu mỏ địa điểm khai thác than đầu tiên, đền Bà Chúa Kẽm, tượng đài Ngô Huy Tăng, di tích nơi mở đầu cuộc bãi công năm 1936, di tích lưu niệm Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, khu di tích Vũng Đục... Bên cạnh đó còn có các di tích: Nhà làm việc của Vavasseur - viên quan đại lý người Pháp, dinh thự của chủ nhất và bệnh viện thời Pháp, cổng vòm và trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (gọi tắt tiếng Pháp là SFCT), núi Bài Thơ và cẩu trục Poóc-tích số 1 Xí nghiệp Bến Cửa Ông - nơi cắm cờ Tổ quốc ngày tiếp quản Vùng mỏ,... đã làm nổi bật sự riêng có văn hóa của ngành than, của vùng mỏ Quảng Ninh.
Trong các giá trị văn hóa phi vật thể của công nhân mỏ, điều làm nên linh hồn, cốt lõi của bản sắc văn hóa vùng mỏ đó chính là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ. Đây được coi là tài sản tinh thần vô giá, là di sản văn hóa phi vật thể có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ Anh hùng. Ngược dòng lịch sử, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được các nhà nghiên cứu xác định là một hành trình kéo dài kể từ khi thực dân Pháp xâm lược, đàn áp bóc lột nhân dân Việt Nam và khởi đầu của truyền thống đó chính là cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ phản kháng chế độ thực dân Pháp kéo dài 20 ngày, bắt đầu từ cuộc bãi công của 5.000 công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả vào đêm 12, rạng sáng ngày 13-11-1936 đòi chủ mỏ tăng lương, giảm giờ làm, không đánh đập người lao động... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, cuộc Tổng bãi công đã thành công, gây tiếng vang lớn trên toàn quốc và ngày 12-11 trở thành Ngày Truyền thống vẻ vang của Công nhân Vùng mỏ. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” xuất hiện trong cuộc đình công như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của người thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống văn hóa vùng mỏ như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. “Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” là những người cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Đây là biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản lĩnh đấu tranh, về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng, về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp, tạo nên sức mạnh to lớn của đội ngũ thợ mỏ.
Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất và là niềm tự hào của các thế hệ công nhân mỏ. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936 - 1939. Từ sự khởi đầu đó và xuyên suốt chiều dài lịch sử, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh như: trong chiến đấu, trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội, trong phong trào văn hóa, thể thao. Truyền thống đó đã trở thành sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất của giai cấp công nhân mỏ, của nhân dân tỉnh Quảng Ninh góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước rồi đến công cuộc Đổi mới xây dựng đất nước.
Cùng với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, bản sắc văn hóa vùng mỏ còn được thể hiện ở truyền thống yêu nước nồng nàn; truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa; truyền thống cần cù lao động; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống hiếu thảo cũng như những giá trị truyền thống về văn hóa, nghệ thuật khác... Văn hóa vùng mỏ còn được thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực từ thơ ca, truyện, ký, múa, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh. Văn học dân gian của công nhân mỏ, đặc biệt là ca dao vùng mỏ là kho tàng phong phú, đa dạng mà lớp tác giả công nhân và khuyết danh đã để lại cho các thế hệ sau. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, “Người thợ mỏ - người chiến sĩ” cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được. Và tự hào hơn cả đó là tính cách và phong cách người đất mỏ hào sảng, năng động, sáng tạo, thân thiện... Có thể khẳng định, bản sắc văn hóa của công nhân vùng mỏ vô cùng quý giá, không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn có giá trị cả trong hiện tại và tương lai.
2. Một số giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa công nhân vùng mỏ trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
Trong quá trình phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), Thương cảng Vân Đồn, Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa,... thì văn hóa công nhân mỏ là nét đặc sắc riêng có và là một trong những nền tảng để xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh, là một nguồn vốn văn hóa cho phát triển kinh tế di sản của tỉnh. Nhận diện được điều đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các Nghị quyết về xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh: Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31-10-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Trong các Nghị quyết của tỉnh khi xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh đều xác định, cùng với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” là cốt cách “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” được bồi đắp, tạo lập trong suốt quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa công nhân mỏ, trở thành nguồn nội sinh, nguồn lực cho phát triển kinh tế di sản, tỉnh Quảng Ninh đã, đang và tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để thấy được tầm quan trọng của giá trị di sản văn hóa nói chung và văn hóa công nhân vùng mỏ nói riêng; thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa di sản văn hóa vùng mỏ với phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh. Di sản văn hóa vùng mỏ là nét đặc trưng riêng của Quảng Ninh, đồng thời cũng là sản phẩm vật chất và tinh thần gắn liền với công nhân vùng mỏ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Di sản văn hóa vùng mỏ là nguồn tài nguyên phong phú tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo và khác biệt cho tỉnh Quảng Ninh, là những điểm tham quan có sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Từ đó, nguồn lợi thu được từ du lịch lại giúp quảng bá các di sản, thúc đẩy sự đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy di sản. Du lịch gắn với di sản văn hóa đã cùng nhau thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế Quảng Ninh và giúp tự hoàn thiện các lĩnh vực có liên quan mật thiết như văn hóa, con người, du lịch, dịch vụ... Bởi vậy, cần thấy được vai trò nền tảng của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa công nhân vùng mỏ nói riêng trong phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh.
Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trong đó có văn hóa công nhân vùng mỏ. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nói chung, đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát huy giá trị văn hóa công nhân vùng mỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Ba là, tiếp tục bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể của văn hóa công nhân vùng mỏ bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản. Nhận thức được điều đó, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có những cơ chế, chính sách, biện pháp được triển khai đồng thời nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể của công nhân vùng mỏ tạo ra sức hấp dẫn độc đáo, riêng biệt cho Quảng Ninh thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước. Hệ thống chính trị, người dân Quảng Ninh và du khách đều tham gia vào công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích văn hóa vùng mỏ. Thực hiện gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng mỏ. Đồng thời, cần dành nhiều nguồn lực hơn, thực hiện xã hội hóa cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể của văn hóa vùng mỏ. Nhiều nhà truyền thống của các công ty than Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí, Cọc Sáu, Hà Tu, Hà Lầm, Cao Sơn, Đèo Nai,… được xây dựng với những hiện vật phong phú. Các di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng, được đầu tư, tôn tạo, bảo tồn như ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (nơi bắt đầu diễn ra cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả ngày 12-11-1936); địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ngày 30-3-1959; trận địa pháo cao xạ nữ tự vệ nhà sàng Cửa Ông, cầu Pooc tic số 1 cảng Cửa Ông, tượng đài thợ mỏ tại Quảng trường 12-11, thành phố Cẩm Phả; cụm di tích địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ, huyện Đông Triều;... Việc thực hiên tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa lịch sử sẽ góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của công nhân vùng mỏ với cốt lõi là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, đồng thời nâng tầm giá trị di tích lịch sử, văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh.
Bốn là, khơi dậy và phát huy giá trị truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”- cốt lõi của bản sắc văn hóa công nhân vùng mỏ trở thành một nguồn lực nội sinh cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất, trở thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh. Những người công nhân mỏ đã có mặt nơi tuyến đầu tham gia chiến đấu và phục vụ sản xuất, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc. Hiện nay, việc gìn giữ và phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ tiếp tục được thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, cho đến ngày hôm nay tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” đã, đang và sẽ vẫn lan tỏa sâu rộng trong văn hóa công nhân mỏ, trong người dân đất mỏ Quảng Ninh với nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tạo nên nét văn hóa “càng khó khăn càng đoàn kết chặt chẽ hơn, yêu thương, giúp đỡ nhau nhiều hơn”. Nét văn hóa rất riêng đó sẽ còn tiếp tục được nhắc đến trong hiện tại và tương lai, bởi đó là nền tảng tinh thần vững chắc để người thợ mỏ vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức tiếp tục góp phần xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”. Có thể nói, việc khơi dậy và phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã, đang và sẽ tạo ra một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ thợ mỏ ngành than và người dân Quảng Ninh nhằm đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Năm là, tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân ngành than gắn bó với lịch sử, truyền thống văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh thành một khối đoàn kết, thống nhất, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; cần cù và lao động sáng tạo, có ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phấn đấu không ngừng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức cho các lớp đảng viên mới, quần chúng ưu tú kết nạp đảng, tuổi trẻ, điển hình tiên tiến đến thăm, dâng hương các di tích lịch sử để từ đó nâng cao nhận thức về văn hóa, con người Quảng Ninh, giúp thanh niên thấy được những giá trị độc đáo, riêng có của văn hóa, con người Vùng mỏ, từ đó nâng lên thành niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong các nhiệm vụ, hành động cụ thể, thiết thực đem lại lợi ích cho quê hương, đất nước. Sự cộng hưởng từ những việc làm cụ thể, thiết thực của mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ đem đến những giá trị tích cực trong giữ gìn bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh nói chung và văn hóa công nhân mỏ nói riêng.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng của di sản văn hóa. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa công nhân vùng mỏ cũng chính là một nguồn lực quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế di sản./.Quảng Ninh bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân  (10/12/2024)
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng - Kinh nghiệm từ Quảng Ninh  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số  (10/12/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay