Chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh Quảng Ninh: Những kết quả đạt được và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
TCCS - Thời gian qua, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực cho sự phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai công tác chuyển đổi số một cách toàn diện, nhằm đổi mới căn bản hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đồng thời, tạo ra sự tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật và yêu cầu phát triển.
Những kết quả đạt được
Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ngay sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia(1). Triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch triển khai công tác này một cách toàn diện(2), chú trọng đến một số ngành, lĩnh vực trọng điểm(3). Đồng thời, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương theo phương châm “rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả” để triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng chủ động ban hành kế hoạch chuyển đổi số toàn diện giai đoạn đến năm 2025 và hằng năm; thành lập ban chỉ đạo tổ công tác triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại địa phương, đơn vị mình.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công tác chuyển đổi số ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI) các tỉnh, thành phố, bộ, ngành cho thấy, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 3 toàn quốc (chỉ sau thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh), tăng 4 bậc so với năm 2021. Tỉnh cũng giữ vững vị trí thứ 3 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2022, đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đánh giá trên Cổng dịch vụ công quốc gia). Năm 2023, kết quả cải cách hành chính các tỉnh, thành phố cho thấy, Quảng Ninh đứng thứ 2 trong chỉ số thành phần về chính quyền số. Để có được kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, trình và được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết để thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp, dịch vụ công trực tuyến, cải cách hành chính(4).
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh còn ban hành và chỉ đạo triển khai Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (phiên bản 1.0); Bộ tiêu chí về văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số; phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời, ban hành các quy chế quản lý hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh(5), góp phần phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin.
Thứ hai, phát triển hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số, bảo đảm an toàn thông tin.
Hạ tầng internet băng rộng được tỉnh Quảng Ninh triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn; 100% thôn, bản trên địa bàn xã được phủ sóng điện thoại di động; 99,35% dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên; 100% dân số được phủ sóng internet với tốc độ truy nhập trung bình tương đương với tốc độ trung bình của cả nước.
Kế thừa hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư từ Đề án xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tỉnh tiếp tục phát huy, sử dụng có hiệu quả các hạ tầng được đầu tư phục vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh(6). Nhờ đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm chất lượng phục vụ, hiệu quả vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, định danh, xác thực điện tử; bảo đảm kết nối để triển khai các ứng dụng về y tế (khám, chữa bệnh từ xa), giáo dục (học trực tuyến, tuyển sinh đầu cấp), thanh toán không dùng tiền mặt,...
Về dữ liệu và nền tảng số, tỉnh có 2 cơ sở dữ liệu dùng chung là cơ sở dữ liệu quản lý văn bản, cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính tập trung và đã hoàn thành một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành: giáo dục và đào tạo, y tế, cán bộ, công chức, viên chức,... Qua đó, kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, công khai cho các cơ quan của tỉnh và người dân, doanh nghiệp. Hiện tại, các sở đang triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tỉnh còn hoàn thành kết nối 13 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, nền tảng của quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính liên thông phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, từ tháng 5-2022, tỉnh triển khai thí điểm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu đối với thủ tục hành chính của 5 sở(7), với mục đích tái sử dụng tài liệu và kết quả giải quyết thủ tục hành chính của công dân phục vụ các lần thực hiện thủ tục hành chính tiếp theo.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin được tỉnh chú trọng, tổ chức triển khai có hiệu quả. Các lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin thường xuyên được các cơ quan chuyên môn cảnh báo, hướng dẫn xử lý, bảo đảm an toàn thông tin ở các trang/cổng thông tin điện tử và hệ thống thông tin. Tỉnh còn thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, với các cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Từ năm 2022, tỉnh bắt đầu triển khai diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng các hệ thống thông tin trọng yếu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đồng thời phát triển năng lực, kinh nghiệm điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ này. Sử dụng có hiệu quả nền tảng học trực tuyến mở đại chúng (MOOCs) của Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số. Thời gian qua, tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho 100% cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với nhiều chương trình, khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu; trong đó, năm 2022 đào tạo 31.000 học viên, năm 2023 đào tạo 7.575 học viên.
Các chuyên đề về chuyển đổi số cũng được cập nhật vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị tại Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành các kế hoạch bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh(8). Các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số theo nhu cầu, yêu cầu riêng.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Thời gian qua, để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, công tác tuyên truyền được tỉnh Quảng Ninh tiến hành đồng bộ, rộng khắp, trên tất cả hạ tầng truyền thông, báo chí và mạng xã hội. Qua đó, tạo thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin. Từ đầu năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chính thức đưa vào vận hành trang zalo “Chuyển đổi số Quảng Ninh”; xây dựng 8 bộ tài liệu, 3 bộ flashcard (90 flashcard) tuyên truyền về chuyển đổi số. Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện 45 chuyên mục hỏi - đáp về chuyển đổi số trên sóng Phát thanh Quảng Ninh, với thời lượng từ 5 đến 7 phút/chuyên mục. Hoạt động chuyển đổi số còn được đăng tải trên các loại hình báo chí và cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội zalo, facebook… Các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tổ chức nhiều hội nghị bồi dưỡng, tập huấn, cuộc thi về chuyển đổi số trên địa bàn(9). Cũng từ năm 2022, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (ngày 10-10), hằng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch và tổ chức chuỗi sự kiện, hoạt động thiết thực trên địa bàn.
Có thể khẳng định rằng, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân, quá trình chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hành chính điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công; tạo sự phát triển bền vững trong việc xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số ở tỉnh Quảng Ninh cũng tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra theo năm chưa được hoàn thành đúng hạn. Hạ tầng trang, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hệ thống chính quyền điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được đầu tư từ giai đoạn trước đến nay về cơ bản đã cũ, có thiết bị không còn phù hợp, đòi hỏi phải có phương án thay thế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin vẫn còn thiếu, đặc biệt là các kỹ sư, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh, an toàn thông tin mạng. Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng có mặt vẫn còn hạn chế. Thậm chí, còn có tâm lý “e ngại”, “đùn đẩy”, “né tránh” trong thẩm định, triển khai các dự án dịch vụ công nghệ thông tin. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin còn tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro lộ, lọt thông tin…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh Quảng Ninh, cần bám sát nguyên tắc tổng thể, toàn diện, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được chú trọng triển khai là:
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nhân dân về chuyển đổi số để có sự thống nhất về mục tiêu và chia sẻ, hợp tác trong thực hiện chuyển đổi số để đạt hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, cần đề cao trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia chuyển đổi số. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phát huy vai trò của bộ phận “một cửa” các cấp, các tổ công nghệ số cộng đồng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số cũng như thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tạo lập hành vi, thói quen sử dụng nền tảng số, công nghệ số cho người dân, thay đổi thói quen từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”, từ “thủ công” sang “điện tử”, “số hóa”,…
Cùng với đó, cần tập trung rà soát các quy chế, quy định, thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật để bảo đảm thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là trong thẩm định, triển khai các dự án công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số.
Hai là, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bóc tách dữ liệu, tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai các giải pháp tái cấu trúc, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng mô hình mẫu về giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính. Nghiên cứu đưa các “dịch vụ hành chính công chất lượng cao hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính theo nhu cầu” (dịch vụ tư vấn, chuyển phát, kê khai hồ sơ, dịch thuật, đo vẽ, lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế... có thu phí) của tổ chức, doanh nghiệp và người dân vào để từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, năng động, linh hoạt, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số toàn diện.
Ba là, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, cập nhật, chuẩn hóa, làm sạch, làm giàu dữ liệu, nhất là các dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến người dân, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn, xác thực cho công dân và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
Tiếp tục nâng cấp, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm đồng bộ, thực chất, có hiệu quả. Kịp thời thay thế các trang, thiết bị, máy móc công nghệ thông tin đã xuống cấp tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, rà soát, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ động ngăn ngừa, cảnh báo sớm đối với các rủi ro từ tỉnh tới cơ sở; thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bốn là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện và có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực này. Triển khai có hiệu quả công tác thi tuyển cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và tăng cường nguồn nhân lực cho các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Năm là, tiếp tục nỗ lực duy trì sự tiên phong của tỉnh Quảng Ninh trong thúc đẩy những tiến bộ đã đạt được về chuyển đổi số, các dịch vụ số, ra quyết định và tương tác với người dân. Sự thành công của tỉnh Quảng Ninh và ở một số địa phương khác, như thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là những thực tế tốt để các tỉnh, thành phố trong cả nước có thể học hỏi và vận dụng phù hợp với thực tiễn của địa phương. Điều này cũng sẽ là cơ sở quan trọng cho việc cải cách thể chế đồng bộ và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Trung ương với tỉnh Quảng Ninh và với các địa phương khác trong quá trình chuyển đổi số…/.
-------------------------
(1) Như: Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17-4-2020, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030””; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15-6-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
(2) Như: Kế hoạch số 59/KH-UBND, ngày 1-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Thực hiện chuyển đổi số toàn toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 1-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ
(3) Như: ; Kế hoạch số 260/KH-UBND, ngày 16-10-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số y tế giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 276/KH-UBND, ngày 10-11-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”
(4) Như: Nghị quyết số 124/NQ-HĐND, ngày 4-11-2022, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 155/NQ-HĐND, ngày 12-7-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025” (trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp về ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh); Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 31-10-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Về việc quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”
(5) Như: Quyết định số 36/2023/QĐ-UBND, ngày 25-12-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin cấp độ 3 tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh”; Quyết định số 31/2023/QĐ-UBND, ngày 24-11-2023, “Ban hành Quy chế quản lý cập nhật, sử dụng, khai thác, phê duyệt dữ liệu, thông tin của cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 23/2023/QĐ-UBND, ngày 7-8-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống camera giám sát tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND, ngày 16-2-2023, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 3936/QĐ-UBND, ngày 30-12-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế vận hành, quản lý, khai thác và cập nhật hệ thống thông tin phát hiện sớm cháy rừng tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND, ngày 8-11-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế thiết lập, quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND, ngày 8-11-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND, ngày 19-9-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 495/QĐ-UBND, ngày 25-2-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh”
(6) Bao gồm: Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; Trung tâm dữ liệu Văn phòng Tỉnh ủy; Trung tâm dữ liệu Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; hệ thống mạng WAN với tổng số 294 điểm, kết nối toàn tỉnh, kết nối đến trục NDXP quốc gia và hệ thống quản lý văn bản điện tử quốc gia (CPNet); trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; các thiết bị đầu cuối,...
(7) Bao gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế
(8) Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 12-4-2022, về thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch số 265/KH-UBND, ngày 11-11-2022, về bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2023
(9) Chẳng hạn: Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên với chủ đề “Thanh niên Quảng Ninh với chuyển đổi số”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn giới thiệu ứng dụng nền tảng số trong quản lý kinh doanh và tiêu dùng thông minh, hội nghị tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của hội phụ nữ tại thành phố Uông Bí và huyện Ba Chẽ; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ hội viên nông dân tham dự các hội nghị, chương trình tập huấn và tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số; Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp về chuyển đổi số…
Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam  (28/11/2024)
Bình Liêu quyết tâm thực hiệu quả chính sách dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại  (27/11/2024)
Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh): Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững  (26/11/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay