Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp
TCCS - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, ngày 7-11-2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ.
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo Bộ Tư pháp và các ban, bộ, ngành trung ương.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có nhiều đổi mới và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo bộ, ngành tư pháp để có đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về công tác xây dựng pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Cán sự đảng ban hành 31 nghị quyết, kết luận về công tác xây dựng pháp luật, tổ chức 5 buổi làm việc với các đơn vị xây dựng pháp luật để có các định hướng các vấn đề lớn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 43 luật, 19 nghị quyết quy phạm, trình Chính phủ ban hành 552 nghị định, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được tăng cường, đi cùng với nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đẩy mạnh theo dõi thi hành pháp luật, góp phần làm cho pháp luật đến gần với người dân, doanh nghiệp và đi vào cuộc sống…
Về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu đến hết nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực, cố gắng để tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều đổi mới trong xây dựng và thi hành thể chế theo nghĩa rộng, bao gồm cả các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bảo đảm thể chế là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trước mắt, Ban Cán sự đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bộ, ngành tư pháp nghiên cứu kỹ, tham mưu Chính phủ, Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị để có định hướng đổi mới căn bản quy trình xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, thể chế hóa được cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, chủ thể và là động lực phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những thành tích, kết quả mà bộ, ngành tư pháp đã đạt được trong những năm qua.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư chỉ rõ, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật có phần trách nhiệm quan trọng của bộ, ngành tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; đề nghị bộ, ngành tư pháp lưu tâm, sớm có giải pháp khắc phục. Đó là: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Việc phân cấp, phân quyền phần lớn chỉ dừng ở chủ trương, chưa thể hiện nhiều trong các văn bản pháp luật, chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; chưa có cơ chế hữu hiệu để nhận diện và phản ứng chính sách kịp thời. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Đáng chú ý, dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển...
Nêu rõ công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt thời cơ, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, trọng tâm là đột phá về pháp luật là đột phá chiến lược. Để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Tổng Bí thư đề nghị, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm, Tổng Bí thư yêu cầu phải xuất phát trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hoá để xây dựng, đề xuất chương trình. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Đồng thời, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; thực hiện cơ chế “Sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.
Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư đề nghị tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân
Về đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư lưu ý 3 bảo đảm. Đó là: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật.
Ngoài ra, phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật với 4 nhiệm vụ, cụ thể là đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành tư pháp; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Các nhiệm vụ tiếp theo là hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật; đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân.
Tổng Bí thư cũng lưu ý việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; nâng cao trách nhiệm tham gia hội nhập quốc tế, trách nhiệm xây dựng luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.
Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp và ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư nhất trí xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Tổng Bí thư tin tưởng, với truyền thống gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, với tâm huyết, khát khao, trí tuệ, bộ, ngành tư pháp nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước./.
Trung Duy (tổng hợp)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên