Tác động của khủng hoảng tài chính đối với khu vực châu Phi Nam Sa-ha-ra
Các nước khu vực châu Phi Nam Sa-ha-ra sẽ không chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra như hầu hết các khu vực khác, tuy nhiên các dự báo cho thấy khu vực này cũng phần nào bị ảnh hưởng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế. Các dự báo tiếp tục hạ thấp các chỉ số về tăng trưởng kinh tế do các lo ngại về cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra.
Chỉ một tháng trước đây, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay khoảng 3,7%, còn theo Bản báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới phát hành ngày 9-12 vừa qua thì tỷ lệ này chỉ ở mức 2,5%. Ngân hàng thế giới cũng tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2009 khi dự báo tỷ lệ tăng trưởng ở mức dưới 1%, thấp hơn so với dự báo của IMF là 2,2%. Tuy nhiên đối với khu vực Nam Sa-ha-ra châu Phi, cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ suy giảm 1,7% trong giai đoạn 2007 đến 2009.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng của khu vực Nam Sahara sẽ giảm còn 5,4% trong năm nay nhưng đây vẫn là lần đầu tiên trong vòng 45 năm qua khu vực này trải qua 5 năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng trên 5%. Tương tự như IMF, Ngân hàng Thế giới đã không đánh giá cao vai trò của giá cả hàng hoá tiêu dùng trong việc góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực, trong khi nhấn mạnh rằng nguồn vốn và các hoạt động đầu tư dài hạn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua.
Mặt khác, giống như hầu hết các dự báo khác, Ngân hàng Thế giới cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm sẽ kéo dài không lâu, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trở lại ở mức 3% vào năm 2010, và khu vực Nam Sahara sẽ đạt mức 5,8%, cao hơn so với triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong trung hạn. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo về những diến biến xấu xảy ra ngoài dự kiến, cùng với tình trạng bất ổn cao, có thể dẫn đến những kết quả dự báo khác nhau. Khả năng thứ nhất có thể xảy ra là tốc độ tăng trưởng trong năm 2010 sẽ dậm chân tại chỗ do việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới và hiện tượng giàu ảo do giá bất động sản và chứng khoán ở mức thấp. Ngân hàng Thế giới tin tưởng rằng mức độ suy thoái có thể nghiêm trọng hơn và cảnh báo điều này sẽ gây ra những hậu quả vô cùng tai hại cho các nước đang phát triển. Khả năng thứ hai có thể xảy ra là suy thoái kéo dài và sâu rộng ở các nước phát triển dẫn đến sự sụp đổ, rối loạn của hệ thống ngân hàng và tiền tệ tại hầu hết các nước đang phát triển. Điều này sẽ gây ra sự tăng trưởng âm đối với một số thị trường mới nổi.
Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng cao ở mức trên trung bình trong vài năm qua đã vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế của một số quốc gia châu Phi, đặc biệt trong các lĩnh vực như cung cấp điện, nước, giao thông và cảng biển. Sự kết hợp của các yếu tố này cùng với việc giá dầu và giá lương thực tăng trong năm 2007 và nửa đầu 2008 đã gây ra tình trạng lạm phát cao trong những tháng gần đây ở các nước trong khu vực.
Sức ép đối với cán cân thanh toán
Tăng trưởng kinh tế ở Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự báo là sẽ rất thấp trong 18 tháng tới, từ 5,1% trong năm 2007 xuống 3,4% trong năm nay và 2,8% trong năm 2009, mặc dù hy vọng sẽ hồi phục và đạt tỉ lệ 4,4% trong năm 2010. Việc giá các mặt hàng xuất khẩu chính như bạch kim, than đá, vàng, măng-gan, quặng đồng và hợp kim giảm sẽ làm thâm hụt tài khoản vãng lai của Nam Phi ở mức trên 8% GDP trong năm 2008.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây khó khăn cho việc bù đắp mức thâm hụt này. Trong năm 2007, vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài đã bù đắp được khoảng ¾ lượng thâm hụt và Ngân hàng Thế giới cho rằng với lượng đầu tư thấp hơn và không chắc chắn cùng với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm sút, Nam Phi sẽ gặp khó khăn để có thể cân bằng cán cân thanh toán trong giai đoạn 2009-2010.
Ngân hàng Thế giới coi nhẹ tác động của các căng thẳng chính trị và cho rằng các vấn đề chính trị chỉ có tác động không lớn tới kinh tế. Tuy nhiên có nhiều ý kiến không đồng tình về vấn đề này và gần đây Chỉ số đánh giá mức độ tin cậy của Nam Phi đã bị hạ thấp do lo ngại về những bất ổn chính trị của Nam Phi trong năm tới. Thực ra, một số nhà kinh tế đã cảnh báo những chính sách kinh tế thiên tả sẽ có tác động tiêu cực hơn so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với tăng trưởng của Nam Phi trong nửa cuối năm 2009.
Giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ
Các nước khu vực Tây Phi đang nỗ lực phát triển các ngành kinh tế khác để giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, điển hình như Nigeria, các lĩnh vực phi dầu mỏ có tốc độ tăng trưởng đến 6,7% trong quý II so với mức 5,5% của quý I, cùng với đó thì sản lượng dầu khai thác ở khu vực đồng bằng Niger của Nigeria giảm khoảng 11% trong quý II. Thoạt nghe thì điều này có vẻ rất ấn tượng, nhưng do số liệu ước lượng GDP hàng năm của Nigeria không đáng tin cậy nên số liệu theo quý cũng khó có thể chính xác. Hơn nữa, ở nhiều nước Tây Phi khác không có tiềm lực về dầu mỏ, lĩnh vực sản xuất chủ yếu là chế biến lương thực cũng bị suy giảm vì sản lượng nông nghiệp đạt thấp do nguyên nhân từ thiên tai và chi phí sản xuất tăng cao.
Hai vấn đề được lưu ý trong Bản báo cáo là tình trạng lạm phát, xuất phát từ nguyên nhân giá dầu và giá lương thực tăng cao (hoặc giá nhân công tăng cao như đối với Nam Phi và một số nước), và thứ hai là tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai. Có tới 19 trong tổng số 44 nước được đề cập trong báo cáo rơi vào tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai vượt quá 10% GDP trong năm 2008. Ví dụ, Ghana có mức thâm hụt thương mại đến 26% GDP trong quý II, mặc dù giá hàng hoá tiêu dùng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2008, và dự báo mức thâm hụt này sẽ đạt đỉnh ở mức 30% trong năm 2009. Nếu không kể các khoản viện trợ, mức thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này sẽ lên đến 17% GDP trong năm 2009, tạo ra những thách thức và khó khăn phải giải quyết cho vị Tổng thống sắp kế nhiệm.
Nếu các dự báo của Ngân hàng Thế giới là đúng, thì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên khu vực sẽ hạn chế hơn so với các khu vực khác trên thế giới vì kinh tế các nước châu Phi hội nhập ít hơn vào hệ thống tài chính quốc tê và cũng ít phụ thuộc vào các thị trường tài chính thế giới trong việc tìm nguồn vốn để đầu . Tuy nhiên cũng không thể nói rằng khu vực Nam Sahara có thể thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vì khu vực sẽ bị tác động do nhu cầu thị trường giảm sẽ làm giảm lượng và giá trị hàng hoá xuất khẩu. Do đó, đóng góp từ thương mại cho tăng trưởng GDP trong năm 2009 sẽ ở mức âm.
Lượng viện trợ sẽ suy giảm
Các yếu tố có tác động tiêu cực khác là lượng kiều hối từ các công dân làm việc ở nước ngoài và lượng viện trợ nước ngoài chắc chắn sẽ suy giảm đối với hầu hết các nước có nền kinh tế kém phát triển. Các nguồn vốn đầu tư sẽ suy giảm rõ rệt do nguồn vốn trở nên khan hiếm và chi phí tín dụng cao hơn, tăng rủi ro cho các nhà đầu tư.
Tương tự, sự suy thoái kinh tế ở các nước giàu sẽ dẫn đến lượng khách du lịch giảm và ảnh hưởng đến ngành du lịch ở các quốc gia như Xây-sen (Seychelles), Ma-ri-tút (Mauritus), Nam Phi, Kê-ni-a, Tan-da-ni-a, Dam-bi-a và Na-mi-bi-a, trong khi các quốc gia có mức thâm hụt cán cân thanh toán lớn như Bu-run-đi, Eri-tri-a, Gam-bi-a, Ga-na, Ma-đa-gát-xca, Ma-la-ui, Ru-a-đa, Xây-sen và Togo sẽ phải cắt giảm tiêu dùng nội địa và hạn chế nhập khẩu hàng hoá do khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ nước ngoài.
Nhìn chung, các nguy cơ mà khu vực châu Phi Nam Sa-ha-ra phải đối mặt là tương đối lớn và tăng trưởng của toàn khu vực sẽ chậm hơn nhiều so với hiện nay nếu như cuộc khủng hoảng toàn cầu diến biến xấu hơn so với dự báo của Ngân hàng Thế giới. Một số quốc gia đã rơi vào tình trạng mất cân bằng và nếu không nhận được nguồn tín dụng hoặc viện trợ từ nước ngoài, hoặc thu nhập từ xuất khẩu giảm sẽ dấn đến mất cân bằng thanh toán và khủng hoảng tiền tệ./.
Cu-ba: 50 năm phát triển kinh tế - xã hội dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội  (01/01/2009)
Cu-ba: 50 năm phát triển kinh tế - xã hội dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội  (01/01/2009)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2009  (31/12/2008)
Bộ Công Thương: Tập trung giữ vững tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu  (31/12/2008)
Quyết liệt khai thác thị trường mới, coi thị trường trong nước là điểm tựa để đi lên  (31/12/2008)
Xem “Tiếng cồng định mệnh”, bàn về phim truyện sử thi - anh hùng ca  (31/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay