Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
TCCS - Ngày 6-4-2024, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024.
Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng hơn 500 đại biểu, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị “3 trong 1”: Công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh, thể hiện tầm nhìn phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, chiến lược, dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đánh giá tóm tắt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: mặt đất, mặt nước, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể và bao trùm; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải bảo đảm tính lớp lang, hệ thống, khoa học và từng bước thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Nếu có nhà tư vấn tốt thì sẽ có quy hoạch tốt, từ quy hoạch tốt sẽ dự án tốt, có dự án tốt thì sẽ có nhà đầu tư tốt, góp phần thực hiện quy hoạch hiệu quả...
Về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ, tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là cầu nối từ Bắc vào Nam. Vì vậy, việc phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển - đầm phá với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến, cố đô lịch sử, thành phố di sản của thế giới, với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế); đặc biệt là hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa.
Người Thừa Thiên Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, “rất Huế”, hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời. Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định với sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế có hệ thống giáo dục, y tế phát triển với Đại học Huế, Trường Đại học Phú Xuân, Trường Quốc học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế…
Đánh giá về Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh; các quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới và mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong bức tranh chung của các tỉnh, thành trên cả nước.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 3 động lực tăng trưởng; 5 khâu đột phá phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”.
“1 trọng tâm” là huy động mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
“2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
“3 đẩy mạnh” là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; để năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nếu đủ điều kiện.
Thứ hai, phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược. Cần làm mới văn hóa truyền thống bằng công cụ hiện đại, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới.
Thứ ba, phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn (nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô - Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế...).
Thứ tư, quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, tài chính, công nghệ thông tin, y tế chuyên sâu...
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI...; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Những người làm thủ tục phải có cảm xúc với dự án, với nhà đầu tư, phải đặt mình vào địa vị của họ, phải đắm đuối với công việc thì mới làm có trách nhiệm được, làm hết việc chứ không hết giờ. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển, quy hoạch xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 3 động lực tăng trưởng, 5 khâu đột phá phát triển.
Ba trung tâm đô thị, gồm: 1- Đô thị trung tâm (gồm thành phố Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà), 2- Đô thị vùng Tây Bắc (gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới), 3- Đô thị vùng Đông Nam (gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông).
Ba hành lang kinh tế, gồm: 1- Hành lang kinh tế Bắc - Nam, 2- Hành lang kinh tế Đông - Tây, 3- Hành lang kinh tế đô thị hướng biển.
Ba động lực tăng trưởng, gồm: 1- Thành phố Huế, 2- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, 3- Khu công nghiệp Phong Điền.
Năm khâu đột phá phát triển là: 1- Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; 2- Hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, 3- Phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; 4- Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; 5- Thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế.
* Trước đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu đã dự lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2 - một trong năm bệnh viện hạng đặc biệt được Chính phủ và Bộ Y tế lựa chọn để nâng cấp trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế. Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện tây y đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 1894. Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Trung ương Huế hiện là bệnh viện hạng đặc biệt với 3 cơ sở, quy mô trên 5.000 giường bệnh và có trên 4.100 nhân viên. Công trình có quy mô đầu tư gồm một tòa nhà 6 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 21.000m2, với đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
* Chiều cùng ngay, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây (Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô). Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây do Công ty CP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 26,3ha, trong đó mặt nước khoảng 5,9ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.680 tỷ đồng.
Cảng Vsico Chân Mây đặt mục tiêu xây dựng bến số 4, bến số 5 có hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, trang thiết bị… bảo đảm điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ…; xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container với tổng chiều dài 540m cùng kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị… bảo đảm khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUS. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày khởi công./.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế  (14/11/2023)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay