Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ
TCCS - Ngày 10-12-2023, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ. Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, thành phố Cần Thơ, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Năm trục động lực kinh tế” và “Ba vùng phát triển”
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh, Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg, ngày 2-12-2023. Với tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai; là nền tảng để tận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, đưa Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, là thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam, là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, “thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế”. Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Cần Thơ “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam”.
Theo Quy hoạch, không gian phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ gồm “Năm trục động lực kinh tế” và “Ba vùng phát triển”. “Năm trục động lực kinh tế” có “hai trục ngang” và “ba trục dọc”. “Hai trục ngang” gồm: 1. Tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, du lịch sinh thái, đô thị); 2. Tuyến hành lang kinh tế hiện hữu tây sông Hậu (với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp). “Ba trục dọc” gồm: 1. Dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; 2. Đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; 3. Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Ba vùng phát triển” gồm: 1. Vùng đô thị phát triển mật độ cao có vai trò kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long; 2. Vùng động lực phát triển kinh tế mới phía bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics; 3. Vùng phía tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới, như: chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại.
Quy hoạch đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển là: Đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện chuyển đổi số; nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn; tái cấu trúc không gian đô thị nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Huy động tốt các nguồn lực để thực hiện quy họach
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, sau khi nêu những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng - an ninh qua gần 40 năm đổi mới, đề cập một số vấn đề liên quan đến nền tảng phát triển đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch trong giai đoạn hiện nay. Đây là lần đầu tiên nước ta có hệ thống quy hoạch gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương. Quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch của địa phương phải có sự liên thông với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch phải xác định được những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để có giải pháp phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, của vùng, của địa phương; đồng thời, phải nhận diện được những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp sớm hóa giải, vượt qua.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, sau khi xây dựng quy hoạch, vấn đề quan trọng là thành phố Cần Thơ phải tìm ra nguồn lực để thực hiện quy hoạch bao gồm nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài. Nguồn lực bên trong dựa vào ba trụ cột là: con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước, của vùng, của địa phương. Ba trụ cột này là nguồn lực nội sinh, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định. Nguồn lực bên ngoài là vốn, công nghệ quản trị từ các nhà đầu tư, bạn bè, đối tác trong và ngoài nước. Quy hoạch thành phố Cần Thơ phải bám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, cụ thể là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII “Về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”; Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11-1-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ”.
Để thực hiện tốt quy hoạch, vấn đề quan trọng là phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện. Thành phố phải phát huy ý chí tự lực, tự cường, huy động các nguồn lực nội sinh, đi lên từ chính bàn tay, trí tuệ của con người Cần Thơ. Nguồn lực đó phải từ đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Thành phố cần chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối với các địa phương trong vùng và cả nước, tạo ra không gian phát triển mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố. Nguồn lực quan trọng là hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư trên cơ sở giảm thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm cá nhân và giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Thủ tướng cũng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành trung ương chung tay, chung sức vào cuộc với thành phố Cần Thơ để giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng, mục tiêu, tầm nhìn đã đề ra trong quy hoạch; các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường và mạnh dạn đến tìm hiểu cơ hội và hợp tác làm ăn, kinh doanh với thành phố với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tại hội nghị, các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, thành phố Cần Thơ; tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách, định hướng phát triển, cơ hội hợp tác, đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp này, thành phố Cần Thơ giới thiệu 56 dự án kêu gọi đầu tư và trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 44 nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, thương mại, phát triển đô thị, hạ tầng cấp nước, y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hạ tầng xã hội./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia  (05/12/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đủ điều kiện quy hoạch Đông Nam Bộ thành trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của cả nước  (26/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển