Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 78 và các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ
TCCS - Từ ngày 17 đến ngày 23-9-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam dự Tuần lễ cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ. Chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ và bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc, Việt Nam - Hoa Kỳ theo đường lối đối ngoại của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong khuôn khổ chương trình công tác dự Tuần lễ cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng; dự và phát biểu tại các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch…
Phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trải qua nhiều đau thương, hy sinh và mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh; cũng như sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, hợp tác và phát triển. Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và bằng sự kiên trì, cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển, thịnh vượng chung của các bên.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm: 1- Lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng và tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm; 2- Giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập; 3- Giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau; 4- Cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế; 5- Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hoá, đa phương hoá; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của Liên hợp quốc, trong đó có việc đẩy mạnh tham gia gìn giữ hoà bình; phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Rất nhiều bè bạn quốc tế đã chúc mừng, bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu và cách tiếp cận toàn dân với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới và sáng tạo hơn. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam mặc dù là một quốc gia đang phát triển còn gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần hành động vì trái đất xanh Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời kêu gọi quốc tế hãy vì tương lai xanh của cả nhân loại cùng nâng cao nhận thức hành động quyết liệt và sẻ chia trách nhiệm hơn nữa.
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng, chống đại dịch, nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển; cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế, đồng thời cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, đoàn kết toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc gặp song phương với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 Dennis Francis; Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto; Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar; Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel; Tổng thống Romania Klaus Iohannis; Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin; Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye.
Trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhằm ứng phó với các thách thức chung hết sức to lớn hiện nay và Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các ưu tiên lớn của Liên hợp quốc cũng như của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 78, trong đó có củng cố hòa bình thông qua tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác, giảm căng thẳng giữa các nước lớn, thúc đẩy đoàn kết, chủ nghĩa đa phương, cải tổ thể chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng hơn, quyết tâm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vì lợi ích của người dân và không bỏ lại ai ở phía sau.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao quan hệ Liên hợp quốc - Việt Nam, cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá cao vai trò tích cực, năng động và vị thế ngày càng cao của Việt Nam, trong đó có việc tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam có nhiều thành tựu về đưa người dân thoát nghèo và phát triển đất nước, có thể chia sẻ cho thế giới, cùng thúc đẩy hợp tác thực hiện SDGs, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng Thư ký Liên hợp quốc chia sẻ các quan điểm Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển, đồng thời nhất trí sẽ hợp tác cùng Việt Nam để thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Tại các cuộc gặp với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo cho rằng, hai bền cần tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, đẩy mạnh các cơ chế hợp tác và tăng cường trao đổi thương mại cũng như hợp tác nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm, lao động, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Quốc hội và Chính phủ các nước sớm hoàn tất phê chuẩn EVIPA nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở Việt Nam; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam…; đồng thời khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam không ủng hộ và yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương đối với Cuba, hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các nước, đặc biệt là với đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong khu vực.
Trong chương trình hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Hạ Nghị sĩ Kevin McCarthy; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Hạ Nghị sĩ Michael McCaul; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ Bob Menendez và các thành viên của Ủy ban; Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan; Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry và một số thành viên nội các Chính phủ Hoa Kỳ.
Tại các cuộc gặp gỡ, các nghị sĩ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Việt Nam đã dành thời gian tiếp các đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ. Các nghị sĩ chia sẻ vui mừng về thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, khẳng định chuyến thăm đã góp phần tăng cường hiểu biết hơn giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Các nghị sĩ bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác và trao đổi đoàn giữa hai nước thời gian tới, trong đó tập trung vào các lĩnh vực hai bên ưu tiên, như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng xanh, hợp tác chống biến đổi khí hậu… Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó nhất trí về việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ, quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt, cán bộ Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức của Liên hợp quốc; thăm một số trường đại học, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, thăm sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ; tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại - đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ; dự Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; dự Tọa đàm chính sách với các giáo sư, chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới; chứng kiến lễ ký thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố New York; gặp những người bạn Hoa Kỳ luôn gắn bó và ủng hộ hết mình đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, có nhiều nỗ lực hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy quá trình bình thường hóa và củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều năm qua./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bangladesh  (24/09/2023)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden  (11/09/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ phiên thường kỳ tháng 8-2023  (10/09/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry  (10/09/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển