Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng
TCCS - Ngày 4-7-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Tham gia cuộc tiếp xúc cử tri có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu; các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo và đông đảo cử tri các xã thuộc huyện Vĩnh Bảo.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo cử tri về hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố và kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đánh giá kết quả kỳ họp, cử tri huyện Vĩnh Bảo bày tỏ vui mừng trước sự thành công của kỳ họp. Công tác chuẩn bị kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, công phu nên các văn bản, báo cáo được trình bày có chất lượng rất cao. Số đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận, chất vấn, tranh luận đạt kỷ lục, cho thấy rõ không khí dân chủ trong nghị trường. Các đại biểu Quốc hội đã đề cao trách nhiệm, tâm huyết và thẳng thắn. Các nội dung Quốc hội lựa chọn chất vấn đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Cử tri huyện Vĩnh Bảo kỳ vọng những cam kết được đưa ra tại phiên chất vấn sẽ sớm được thực hiện trong thực tế để giải quyết những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm; các luật, nghị quyết được thông qua sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống. Cử tri cho rằng hoạt động Quốc hội có nhiều đổi mới, lan tỏa tới hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp, giúp hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn; tạo dấu ấn, niềm tin của cử tri và nhân dân vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri, nhân dân huyện Vĩnh Bảo; đồng thời cho biết, năm 2022, tình hình thế giới biến động rất phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Nước ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8%, lạm phát ở mức 3,15%, trong khi nhiều nước có xu hướng rơi vào tình trạng đình lạm (tăng trưởng thấp và lạm phát cao).
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới phức tạp, khó khăn, nhưng nước ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát vẫn trong giới hạn kiểm soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội quyết định kiên định mục tiêu tăng trưởng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu các địa phương, bộ, ngành triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trong năm nay, sẽ giúp tăng GDP khoảng 2%; đồng thời bày tỏ kỳ vọng với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kích thích du lịch, hàng không phát triển.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hy vọng, với những chính sách của Đảng; quyết sách của Quốc hội vừa được thông qua; sự quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng lòng triển khai của các cấp, ngành, địa phương, tình hình sẽ ngày càng tốt hơn, mục tiêu dù khó nhưng chúng ta vẫn cố gắng để có thể đạt được.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tháng 8-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc đầu tiên về triển khai các luật, nghị quyết, đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Qua đó đánh giá việc thực hiện cũng như kế hoạch thực hiện các văn bản luật, quyết sách của Quốc hội; việc thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân. Đây cũng là một nét mới trong hoạt động của Quốc hội. Dự kiến, hội nghị này sẽ được tổ chức tại Hải Phòng.
Về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhờ thực hiện chủ trương này, chúng ta đã tinh giản được biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng phục vụ nhân dân được nâng lên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Giai đoạn này cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương mới là không làm cơ học, mà phải căn cứ vào văn hóa, truyền thống, lịch sử, dân tộc, tôn giáo và cả yêu cầu về phát triển; được cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định (các tỉnh, thành phố phải có đề án).
Về chính sách với cán bộ, công chức, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương mới là với những địa phương có diện tích quá lớn, quy mô dân số quá đông thì có thể tăng thêm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã, không máy móc là chỉ tinh giản biên chế.
Chia sẻ với cử tri về chủ trương ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết tháng 7-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ ban hành nghị quyết liên quan. Việc sắp xếp xuất phát từ hai yêu cầu: Thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Quan tâm đến việc phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cử tri cho biết, loại hình kinh tế này đem lại hiệu quả tăng thu nhập và việc làm cho người dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ như: chính sách về đất đai, tiếp cận tín dụng, thị trường khoa học - công nghệ và xúc tiến thương mại… Chủ tịch Quốc hội cho rằng ý kiến các cử tri là rất xác đáng, đồng thời chia sẻ về những nội dung trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có nhiều điểm tiến bộ, với nhiều chính sách đối với hợp tác xã, tiếp tục khẳng định vai trò của liên minh hợp tác xã. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp thu ý kiến cử tri, theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung về thuế và các chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được sửa và hướng dẫn cụ thể; đề cập đến việc đào tạo nghề cho nông dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Hải Phòng cần tập trung thêm các sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bởi đây cũng chính là giải quyết bài toán cho các hợp tác xã, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tháng 9-2023, Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu về chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đã quyết định mở một triển lãm toàn quốc về thành tựu của sản phẩm OCOP và thành tựu trong chuyển đổi số và khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam. “OCOP chính là gia tăng giá trị thương hiệu, gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ cho những sản phẩm địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành cơ chế đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; phát triển du lịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa. Trên cơ sở kết luận của Trung ương, Quốc hội đã ban hành nghị quyết cùng với Chính phủ xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia có tính chất tổng thể, nhằm chấn hưng và phát triển văn hóa trong thời gian tới theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Như vậy, ngoài ba chương trình mục tiêu quốc gia, nếu Quốc hội quyết định, sẽ có chương trình thứ tư liên quan đến bố trí nguồn lực cho vấn đề phát triển văn hóa và rộng hơn nữa, liên quan đến phát triển thể thao và du lịch.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp thu, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Vĩnh Bảo về những nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường; tín dụng; căn cước công dân; phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; quản lý đô thị, quy hoạch; y tế…; đồng thời cho biết các cơ quan hữu quan của Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến của cử tri, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; chuyển các cơ quan xem xét, giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV  (01/07/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón, hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas  (29/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng  (29/06/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển