Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
TCCS - Ngày 29-6-2023, tại sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dự và phát biểu động viên tại Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và khu vực Abyei.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4) làm nhiệm vụ tại Nam Sudan. Bệnh viện có 63 đồng chí (trong đó có 11 nữ), được lựa chọn từ một số quân khu, quân đoàn, Bệnh viện Quân y 175, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và một số đơn vị khác. Lực lượng tham gia được huấn luyện kỹ lưỡng về mọi mặt, cả chính trị, quân sự, hậu cần kỹ thuật, chuyên môn y tế, kiến thức gìn giữ hòa bình sát với diễn biến tình hình thực tiễn, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Liên hợp quốc và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.
Đội Công binh số 2 thay thế Đội Công binh số 1 tại khu vực Abyei. Đội có 184 đồng chí (trong đó có 19 là nữ), được điều động từ nhiều quân khu, binh chủng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các đơn vị trong toàn quân. Đội được huấn luyện chuyên ngành như Luật Nhân đạo quốc tế, phòng, chống bạo lực tình dục, nhận biết vật liệu nổ, trao đổi chuyên môn công binh, ngoại ngữ, y tế, hậu cần kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu của Phái bộ cũng như các yêu cầu của Liên hợp quốc.
Cùng với việc được trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phục vụ nhiệm vụ, 100% số cán bộ, nhân viên của hai đơn vị đều có quyết tâm cao và sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Trao quyết định và cờ Tổ quốc cho các lực lượng tại lễ xuất quân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ, lực lượng "Mũ nồi xanh" của Việt Nam, trong đó có cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 và Đội công binh số 1 về những kết quả đáng khích lệ đạt được.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, tự hào về những kết quả đã đạt được của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam thời gian qua; đồng thời tin tưởng các đội hình đơn vị được triển khai đến địa bàn phái bộ thay thế sẽ tiếp nối truyền thống, kế thừa những thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình đi trước, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, sau gần 10 năm kể từ khi Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, nước ta đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã cử 533 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao.
Kết quả đạt được của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam được đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực quan trọng, tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, ứng phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả, chung tay hiện thực hóa các “Mục tiêu phát triển bền vững” và “Mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các lực lượng, cá nhân được giao nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đối ngoại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho các lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Chủ tịch nước yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng Việt Nam tại các địa bàn phái bộ; tích cực nghiên cứu, tham mưu chiến lược để từng bước tham gia sâu rộng hơn nữa, mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy, quản lý tại Trụ sở Liên hợp quốc và các địa bàn phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh như lực lượng kiểm soát quân sự, thông tin liên lạc, vận tải trực thăng… Đồng thời, tạo nguồn lực lượng bền vững, nâng cao tỷ lệ nữ quân nhân tham gia lực lượng, đáp ứng Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2018 - 2028 của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước cũng đề nghị nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị lực lượng, huấn luyện về mọi mặt, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường và chủ động thích ứng trong thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ với điều kiện khó khăn theo sáng kiến “Hành động vì hòa bình” của Liên hợp quốc.
Gửi lời chúc các lực lượng xuất quân “chân cứng đá mềm”, “vạn dặm bình an”, “ra quân thắng lợi”, xứng đáng là những “đại sứ của hòa bình và tình hữu nghị”, nhân dịp này, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn Liên hợp quốc, đối tác quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị lực lượng, triển khai thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng  (29/06/2023)
Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII  (22/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng  (16/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt các điển hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống ma túy  (15/06/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại Cục Cứu hộ - Cứu nạn  (11/06/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên