Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hà Tĩnh chuyển hóa tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển
TCCS - Ngày 28-5-2023, tại tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”.
Tại hội nghị, đại diện các đối tác, tổ chức quốc tế, chuyên gia và các nhà đầu tư trình bày tham luận nêu bật tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hà Tĩnh; những gợi ý, kiến nghị để tỉnh Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại quy hoạch tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến thương mại vào Hà Tĩnh là sự kiện rất có ý nghĩa, là “cú hích” có sức lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho Hà Tĩnh mà cho cả các tỉnh Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ nói chung.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác lập quy hoạch và là tỉnh thứ hai (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững”, với một số mục tiêu lớn như: Đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025; đến năm 2030, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm (công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch), 3 trung tâm đô thị (trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh; trung tâm đô thị phía bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận và trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận), 3 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo và hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh; 1 trung tâm động lực tăng trưởng (Khu kinh tế Vũng Áng).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả phát triển.
Nhấn mạnh rằng việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi rất khẩn trương. Hà Tĩnh cần phải hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu về việc tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh; về tầm quan trọng của tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng mạnh mẽ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân các cấp; nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, minh bạch; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của người dân.
Tỉnh khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.
Tại hội nghị, với 15 dự án được ký kết có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; 25 bản ghi nhớ hợp tác có tổng mức đầu tư hơn 210 nghìn tỷ đồng sẽ góp phần tạo động lực, dư địa mới cho tỉnh. Để thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với Séc  (24/05/2023)
Khai mạc Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/05/2023)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức nước Cộng hòa Argentina  (28/04/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển