Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết hợp tác xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng, công bằng, lành mạnh
TCCS – Trong 2 ngày, từ ngày 4 đến ngày 5-4-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đang đối mặt với những thách thức to lớn do tác động kép của biến đổi khí hậu và việc khai thác và sử dụng quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân trên toàn lưu vực, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, nêu những thách thức đã và đang diễn ra đối với dòng Mekong và lưu vực; đánh giá hoạt động của Ủy hội sông Mekong và sự hợp tác của các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc ứng phó các thách thức, tăng cường đoàn kết với các nước trong Ủy hội để quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, trong đó có Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên Ủy hội và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Ủy hội; các thách thức và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Các thành viên Ủy hội phân tích, đánh giá các thách thức, cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực; xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực; tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích, nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất 4 thông điệp quan trọng, sâu sắc và toàn diện.
Thứ nhất, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định Mekong năm 1995, kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ hiệp định này, cũng như các bộ quy tắc đã được xây dựng liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Thứ hai, nhấn mạnh về cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn lưu vực; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong khai thác, sử dụng nguồn nước ở sông Mekong, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và tăng cường khả năng thích ứng của người dân trước những biến động của dòng sông hiện nay, cũng như những hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt, hạn hán, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia đang diễn biến rất phức tạp trong lưu vực.
Thứ ba, đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó có tăng cường chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu chung, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển giao thông đường thuỷ bền vững, phối hợp xử lý tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kết nối lưới điện, phát triển năng lượng trong khu vực.
Thứ tư, kêu gọi các nước đối tác, nhất là các nước thượng nguồn và các đối tác phát triển hợp tác, chia sẻ dữ liệu, tăng cường hỗ trợ về tri thức, kinh nghiệm, tài chính và nguồn lực để Ủy hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tốt nhất sự phát triển bền vững của dòng sông và lưu vực sông Mekong.
Trong chưa đầy 24 giờ trên đất nước Lào, cùng với việc tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphanone và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.
Tại cuộc họp ba bên Việt Nam - Lào - Campuchia, ba Thủ tướng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội gần đây của mỗi nước, cũng như trao đổi về các lĩnh vực hợp tác giữa ba nước và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Ba Thủ tướng đánh giá cao việc cùng duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, trong đó có hình thức gặp gỡ giữa ba Thủ tướng để không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước; nhất trí cùng phối hợp triển khai các kết quả đạt được tại Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào giữa lãnh đạo cấp cao nhất của ba đảng tại Hà Nội (tháng 9-2021); đồng thời đánh giá cao việc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” và “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ mỗi nước về truyền thống quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Ba Thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ba nước; khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ phát triển chính thức (ODA). Các Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, sự phát triển nhanh chóng và những tác động sâu sắc của công nghệ số, mạng xã hội, ba nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone một lần nữa chúc mừng Campuchia đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á 2022 và tin tưởng chắc chắn rằng Campuchia sẽ tổ chức thành công SEA Games 32 và cuộc bầu cử Quốc hội khoá VII sắp tới. Ba Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc duy trì, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; nhất trí tăng cường gắn kết hợp tác tiểu vùng với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và đẩy mạnh kết nối ASEAN; hoan nghênh việc ba nước nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023 và tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 12 tại Campuchia…/.
Thùy Linh (tổng hợp)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023  (04/04/2023)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vietcombank vươn ra thế giới, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân  (31/03/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên