Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022
TCCS - Ngày 2-11-2022, Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai” diễn ra tại Hà Nội. Tại buổi lễ, 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm có chất lượng và uy tín được ghi nhận và vinh danh.
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, ngày 25-11-2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình, từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi là chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới, góp phần kiến tạo giá trị sức mạnh cho đất nước. Thông qua chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là “chìa khóa” để giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các kỳ xét chọn và đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển, góp phần thăng hạng thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới, đồng thời nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp nhưng cũng là của quốc gia nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Theo Thủ tướng Chính phủ, tạo ra được thương hiệu rất khó nhưng duy trì thương hiệu lại càng khó hơn. Vì vậy, cần phải xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân và cộng đồng quốc tế với thương hiệu Việt Nam. Niềm tin đó được kết hợp bởi nhiều nhân tố, như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh, chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, với đất nước, các đối tác.
Trước những yêu cầu mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, thông qua biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho xã hội.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bảo đảm và không ngừng củng cố nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm thương hiệu thông qua hệ thống sản xuất, quản trị tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, bền vững. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như đi đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thương hiệu uy tín của sản phẩm - dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
Năm 2022, kỳ xét chọn thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trên cả nước. Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT, công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, tăng 48 doanh nghiệp so với kỳ xét duyệt gần nhất. Đây là những sản phẩm đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và là những sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.
Các doanh nghiệp được vinh danh có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động. Việt Nam là nhóm các nước có thương hiệu mạnh, tăng từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD trong hai năm qua và là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh bậc nhất thế giới./.
Agribank tự hào là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022  (02/11/2022)
Lịch sử công thương Việt Nam 1945 - 2010  (19/10/2022)
Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải: Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 và công bố quyết định, trao giấy chứng nhận kiểm định về chất lượng cơ sở giáo dục  (10/10/2022)
Agribank xếp hạng cao nhất trong 11 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam được xếp hạng toàn cầu năm 2022  (10/02/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển