77 năm Quốc khánh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCS - Ngày 1-9-2022, nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-2022), 53 năm Ngày Bác Hồ đi xa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Tại Nhà 67, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm nào cũng vậy, đúng vào dịp lễ trọng của đất nước, trong không khí trang nghiêm và xúc động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp nén hương, thành kính tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước, dẫn dắt Đảng ta, nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang, làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Tư tưởng và sự nghiệp của Người là tài sản vô giá, ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai.
Cùng dự lễ dâng hương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng...
Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu Di tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh anh chị em trong mọi hoàn cảnh đã hết lòng, hết sức, truyền cảm tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đến với những khách tham quan trong nước và quốc tế, thấm thía những điều Bác dạy và phải làm theo cho được tinh thần của Bác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tuyên truyền, giới thiệu cho đồng bào trong nước và khách quốc tế tới tham quan hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, những định hướng chỉ đạo cho các mạng Việt Nam và đó chính là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần là cần cù, chăm chỉ, tận tụy, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ lụy, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, mỗi người khi vào đây đều cảm thấy mình có thêm nhận thức mới, trưởng thành hơn, lớn lên thêm và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt dân tộc ta tiếp tục phát triển.
* Cùng ngày, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn gồm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự lễ viếng.
Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Với lòng biết ơn vô hạn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám và lời thề độc lập, xây dựng, bảo vệ đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội... cũng đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (01/09/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027  (29/08/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc  (28/08/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Cộng hòa Indonesia  (25/08/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển