Chủ tịch nước: Lực lượng công an nhân dân cần nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
TCCS - Ngày 12-8-2022, Bộ Công an tổ chức Lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Tại buổi lễ, Chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Đào Xuân Luân cho biết, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về an ninh quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình theo Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án “Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”. Ngày 15-6-2021, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Văn phòng Thường trực).
Sau khi thành lập, Văn phòng Thường trực đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc và tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình. Qua đó, đã phối hợp với Liên hợp quốc, các đối tác nước ngoài, sự hỗ trợ hiệu quả của Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho 23 sĩ quan tham gia đào tạo, huấn luyện, đăng ký ứng tuyển các vị trí gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đến nay, Bộ Công an đã có 8 sĩ quan được Liên hợp quốc kiểm tra, đạt các yêu cầu về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến dự Lễ trao quyết định về việc cử sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm, dân tộc Việt Nam luôn nhận thức rõ giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần hòa bình và tích cực đóng góp cho hoạt động xây dựng và bảo vệ hòa bình trên thế giới. Trong những năm qua, phát huy vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thúc đẩy triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và đạt được những kết quả rất tích cực, đóng góp hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, giải quyết các thách thức an ninh của nhân loại, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ hòa bình trên thế giới; trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án “Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”.
Chủ tịch nước vui mừng được biết đến nay, Bộ Công an đã có 8 sĩ quan đã được thông qua các yêu cầu về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có 4 sĩ quan được Liên hợp quốc lựa chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên hợp quốc và Phái bộ Nam Sudan trong năm 2022.
“Chúng ta có thể khẳng định, việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nâng cao hơn nữa hình ảnh, vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung, lực lượng công an nhân dân nói riêng trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều nguy cơ, thách thức vượt trên tầm kiểm soát của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào và ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì nền hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp tục cam kết chung sức, đồng lòng với cộng đồng quốc tế để đưa ra các giải pháp ứng phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc.
Để tiếp tục tham gia sâu rộng vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và triển khai có hiệu quả sự tham gia của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, các kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 61/2021/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Bộ Chính trị về thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tham mưu có hiệu quả với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là về quy trình, chế độ, chính sách; nghiên cứu xây dựng Luật Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh các địa bàn hoạt động của các Phái bộ còn nhiều khó khăn, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để bảo đảm an ninh, an toàn ở mức cao nhất cho cán bộ, sĩ quan thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch nước căn dặn các sĩ quan công an nhân dân lần đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tiếp nối truyền thống, kế thừa những thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường và chủ động thích ứng trong thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ với điều kiện khó khăn, phức tạp theo sáng kiến “Hành động vì hòa bình” của Liên hợp quốc.
Cùng với đó, Bộ Công an tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Quốc phòng, thúc đẩy hợp tác với Liên hợp quốc, các quốc gia, đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình và trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn để sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ ở cả cấp độ phái bộ và cấp độ hoạch định chính sách, chiến lược tại trụ sở Liên hợp quốc. Tăng cường học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, tiến tới chủ động hoàn toàn về năng lực và tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế về gìn giữ hòa bình. Triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược để từng bước tham gia sâu rộng hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí tại trụ sở Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm tạo sự đồng thuận trong nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và thể hiện với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước tin tưởng, lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam nói chung, của lực lượng công an nhân dân nói riêng sẽ phát huy những kết quả, thành tích đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc, kỳ vọng của đất nước và nhân dân, xứng đáng là thành phần trong lực lượng “mũ nồi xanh” của Liên hợp quốc./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nhân rộng các tấm gương sáng cựu thanh niên xung phong  (27/07/2022)
Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022  (25/07/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc về Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa  (21/07/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch nước Lào  (17/07/2022)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên