Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi
TCCS - Ngày 26-7-2022, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân. Đại diện các bộ, ngành hữu quan cùng tham dự.
Nội dung cuộc làm việc tập trung vào tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch; việc thực hiện các giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến đại diện các bộ, ngành hữu quan, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bày tỏ vui mừng về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, kiên cường, bất khuất đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Quảng Ngãi có số lượng người có công lớn, với 181.000 người có công, 208 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Quảng Ngãi là tỉnh có nền văn hóa lâu đời, nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh như cảnh đẹp như núi Ấn, sông Trà Khúc, Cổ Luỹ Cô thôn, di tích kiến trúc thành cổ Châu Sa, nằm kề bên bờ bắc của sông Trà gần cửa biển, các di tích văn hóa Sa Huỳnh, mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng... Ngoài ra là những di tích lịch sử như căn cứ địa Ba Tơ, chiếc nôi cách mạng ở miền Trung…
Xuất phát từ một tỉnh thuần nông, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nghèo của cả nước với địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, thiên tai thường xuyên xảy ra, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa (hiện toàn tỉnh có 61 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuy nhiên, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, đưa tỉnh nhà liên tục phát triển, là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khu vực duyên hải miền Trung.
Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả tiến bộ, quan trọng, đáng ghi nhận. Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua tiếp tục đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao (năm 2021 đạt 6,05%; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 6,34%). Lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh (năm 2021 trong bối cảnh khó khăn, vẫn đạt mức tăng trưởng 14,5%). Du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc (6 tháng đầu năm 2022 tổng lượng khách tăng 44% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 21%).
Thu ngân sách liên tục tăng cao, năm 2021 đạt 24.193 tỷ đồng, vượt 51,1% chỉ tiêu Trung ương giao; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 16.949 tỷ đồng, bằng 88,1% dự toán Trung ương giao – Quảng Ngãi là một trong số các tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương. Giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao so với bình quân chung cả nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực (xuất khẩu năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 27,8%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1,079 tỷ USD, tăng 25%). Môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ngãi có nhiều cải thiện. Công tác cải cách hành chính đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh tăng 24 bậc so với năm 2020, từ vị trí 63 lên vị trí 39/63 tỉnh, thành; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 19 bậc so với năm 2020, từ vị trí 62 lên đứng vị trí 43/63 tỉnh, thành.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 1% đạt chỉ tiêu đề ra.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp; Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - điều này thể hiện quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển; xây dựng tỉnh Quảng Ngãi là điểm đến hấp dẫn về cả đầu tư và du lịch.
Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện chủ động, chất lượng được nâng cao. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có đổi mới. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc. Các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 cũng được quan tâm, chủ động triển khai tích cực…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 chưa đạt kế hoạch; chưa phát huy được hết tiềm năng khi dư địa trong phát triển của tỉnh còn khá nhiều đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản, khai thác hạ tầng khu công nghiệp... GRDP bình quân đầu người của tỉnh còn thấp (3.360 USD/người), tỷ lệ lao động nông thôn còn cao. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra; sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu ổn định…
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung triển khai một số dự án lớn, tận dụng lợi thế của địa phương phát triển sau; nuôi dưỡng khát vọng phát triển, vươn lên thành tỉnh khá như mong muốn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sao cho Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển của miền Trung, là điểm đến thu hút khách du lịch, nhất là khi tiềm năng, dư địa còn rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh cần tập trung đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, những khâu còn yếu để trên cơ sở đó có các giải pháp kịp thời và phù hợp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cũng như tận dụng tốt nhất các cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Quảng Ngãi chú ý tới công tác quy hoạch, trong đó cần chú ý tới tính liên kết vùng; phát huy vai trò của Quảng Ngãi trong việc kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là kết nối giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai, kết nối với khu vực Tây Nguyên; tính toán kỹ bài toán giữa bảo tồn với phát triển, giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, giữa đô thị và nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ngãi tập trung thực hiện việc phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư cho văn hóa, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, các chương trình an sinh xã hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hướng dẫn cụ thể trong vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày càng đi vào thực chất, “thuộc bài, tròn vai”, chủ động từ sớm, từ xa.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc xem xét, báo cáo Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến đại diện Tổng Công ty đầu tư Hợp Nghĩa trao biển hỗ trợ kinh phí xây dựng 30 nhà ở cho người có công tỉnh Quảng Ngãi./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội  (07/07/2022)
Khơi dậy tinh thần Đồng Khởi, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Bến Tre  (01/07/2022)
Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với Hungary và Vương quốc Anh  (01/07/2022)
Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV  (16/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên