Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5-2022 của Chính phủ
TCCS - Ngày 4-6-2022, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5-2022 của Chính phủ. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự phiên họp.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2022 và 5 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp cho thấy tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2022 và 5 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 5-2022 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021; các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 15,6%; tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 516 triệu USD. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ (5 tháng năm 2021 tăng 6,7%), cho thấy nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, trong đó sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5-2022 ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP toàn ngành ước tăng 8,3% so với cùng kỳ, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,2%. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Thái Nguyên… phục hồi tốt.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. Công tác an sinh xã hội được thực hiện rộng rãi. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, với nhiều hoạt động đối ngoại đa phương và song phương cấp cao. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ, việc lớn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Kết luận phiên họp, đồng ý với báo cáo và ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, trong tháng 5-2022, các sự kiện và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đều sôi động, khởi sắc hơn. Nhiều sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII kết thúc tốt đẹp; Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc và đang diễn ra sôi nổi, chất lượng; SEA Games 31 thành công rất tốt đẹp. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5-2022 và 5 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động đối ngoại được triển khai sôi động, nhịp nhàng, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra nhận định, phân tích 8 khó khăn, tồn tại, thách thức; đồng thời nêu những nguyên nhân, các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện trong tháng 6-2022 và thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine; hướng dẫn phòng, chống dịch trong tình hình mới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia...
Theo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... Bảo đảm cung cầu, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.
Về văn hóa - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành chuẩn bị thực hiện thật tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7; làm tốt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hỗ trợ người lao động; tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiện nay và các dịch bệnh theo mùa; tập trung phòng, chống lụt bão, giảm tác hại của thiên tai; tổ chức tốt các kỳ thi; đánh giá việc thực hiện tự chủ đại học; cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát lại các vấn đề liên quan sách giáo khoa mới theo hướng bảo đảm khoa học, khả thi, thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, đem lại lợi ích cho xã hội. Về vấn đề dạy - học môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông, Thủ tướng yêu cầu lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh, nhân dân, các nhà khoa học; đồng thời tổng kết, đánh giá tác động để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp, vừa bảo đảm thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa bảo đảm yêu cầu thực tiễn và mong muốn của người dân. “Truyền thống lịch sử, văn hoá cũng là nguồn lực và đầu tư cho lĩnh vực này cũng là đầu tư cho phát triển. Chúng ta cần cầu thị, lắng nghe để đạt hiệu quả xã hội cao”, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022  (29/05/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ  (21/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển