Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
TCCS - Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu kép, thời gian qua, huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang triển khai kịp thời, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội với trọng tâm là phát triển du lịch biển trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh của địa phương, trở thành một trong những điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh.
Vào cuộc kịp thời, quyết liệt
Là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, hằng năm, huyện Vân Đồn đón lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Do đó, xây dựng điểm đến an toàn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quyết định, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cuối tháng 1-2021, khi nhận được thông tin về trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn đã triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện phun khử khuẩn và đóng cửa sân bay Vân Đồn, tổ chức các lực lượng truy vết, sàng lọc các trường hợp từ F0 đến F4 một cách khẩn trương và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Huyện cũng thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở đầu cầu 1 Vân Đồn, Trạm thu phí đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long và cổng chợ Cái Rồng, tạm dừng các hoạt động vận chuyển khách đường thủy, dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra/vào địa bàn huyện (trừ các trường hợp đặc biệt); tạm dừng hoạt động các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, nhà hàng, quán ăn, nhà máy, xí nghiệp; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tăng cường chỉ đạo các thôn, bản, khu phố tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không tụ tập đông người, hạn chế đi lại khi không thực sự cần thiết. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, không lây lan rộng trong cộng đồng.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, huyện Vân Đồn đã đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19. Từ ngày 1-1-2021 đến ngày 17-10-2021, số lượng tin, bài được đăng trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử của huyện là 352; số lượng tin, bài trên phát thanh là 9.960, trên mạng xã hội là 4.188, tuyền truyền trên xe lưu động là 220; đồng thời, Vân Đồn cũng thực hiện nghiêm túc công tác xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện, trong đó có xử lý những hành vi vi phạm trong đăng tải thông tin sai sự thật.
Cùng với đó, công tác xét nghiệm và tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 luôn được huyện Vân Đồn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai kịp thời. Công tác triển khai thống kê, thực hiện xét nghiệm sàng lọc tầm soát người lao động trên địa bàn được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch, thực hiện nghiêm việc theo dõi dịch tễ, cách ly các đối tượng theo quy định. Theo thống kế, tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy từ 27-1-2021 đến hết ngày 17-10-2021 là 7.358 mẫu. Tính đến hết ngày 17-10-2021, toàn huyện đã tiêm 32.332 mũi 1 trên tổng số 32.537 đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (đạt 99, 36%) và 30.373 mũi 2 (đạt 93,35%). Từ ngày 15-7-2021 đến nay, khoảng 3.217 người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch tại Vân Đồn đã được xét nghiệm tầm soát để phát hiện kịp thời và có những biện pháp xử lý phù hợp, 98, 29% số dân đã thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân. Vân Đồn cũng đã triển khai cấp mã QR code tại các địa điểm công cộng, cơ quan, tổ chức, các cơ sở để quản lý chặt chẽ người ra vào, quản lý thông tin tiêm chủng vắc-xin qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng có dịch. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19. Thực hiện tiết kiệm các nguồn chi thường xuyên của huyện để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 với tổng kinh phí là 3,836 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021. Nhờ việc tiến hành các biện pháp chủ động, tích cực, tính đến hết 17-10-2021, toàn huyện chỉ có 18 ca nhiễm COVID-19, không có ca tử vong và hiện không phát sinh trường hợp nhiễm mới, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, giữ vững vùng “xanh” an toàn. Ngoài ra, công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế cũng được huyện Vân Đồn chú trọng, nhằm chuẩn bị ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân, vừa phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc nước ta với diện tích rộng hơn 2.000 km2, nằm trong quần thể di sản thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, cảnh quan đặc sắc, Vân Đồn có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển du lịch. Ngày 17-2-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 266/QĐ- TTg “Về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040”, trong đó xác định xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Chính vì thế, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với loại hình giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không nhằm kết nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu là đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn… Hệ thống giao thông này cùng với các dự án dịch vụ, du lịch mới, hiện đại sắp hoàn thành và sẽ được đưa vào khai thác trong thời gian tới sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Vân Đồn phát triển, trong đó có du lịch biển, một lĩnh vực mà huyện đảo có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã bám sát kịch bản tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện năm 2021 và đạt được những kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách nhà nước của toàn huyện đạt 1.247,9 tỷ đồng, đạt 138,1% dự toán tỉnh và huyện giao (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020); giá trị sản xuất của toàn huyện đạt 4.999 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó ngành thương mại - dịch vụ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác bảo đảm an sinh xã hội cũng được chú trọng, gắn kết hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế. Số hộ nghèo của huyện giảm từ 0,98% xuống còn 0,78% trong 9 tháng đầu năm 2021, 964 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí là 1,446 tỷ đồng.
Hiện nay, trước những thách thức đặt ra từ đại dịch COVID-19, Vân Đồn đã và đang có nhiều nỗ lực phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với trọng tâm là phục hồi ngành du lịch, dịch vụ, tiếp tục lấy du lịch nội địa làm nội lực, phát huy liên kết giữa Vân Đồn với các địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và toàn quốc với phương châm “liên kết, hành động và phát triển”. Ngay từ tháng 3-2021, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vân Đồn đã cùng vào cuộc hết sức tích cực, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tái khởi động, đón mùa du lịch hè 2021, như tăng cường tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với sự phát triển du lịch của huyện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; chính quyền đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; tiếp tục xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, quản lý tốt giá cả; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ du khách...
Để trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, đón 1,57 triệu lượt khách trong năm 2021, tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, ngành du lịch đóng góp vào GDP của huyện từ 12% - 16% như mục tiêu đã đề ra, trong bối cảnh thích ứng với đại dịch COVID-19, Vân Đồn chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ kinh doanh du lịch chất lượng cao, nhất là hệ thống cơ sở lưu trú xếp hạng từ 3 sao trở lên ở cả hai không gian du lịch được định hướng phát triển là khu du lịch đảo Cái Bầu (khu du lịch lưu trú, dịch vụ ven bờ gồm các xã Hạ Long, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng) và khu du lịch biển, đảo (gồm các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, vườn quốc gia Bái Tử Long, vịnh Bái Tử Long). Bên cạnh đó, Vân Đồn cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch dịch vụ hiện có và phát triển các sản phẩm mới, hấp dẫn, trong đó có việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch an toàn với dịch bệnh tại các khu vực tương đối biệt lập với đất liền, du lịch dài ngày tại các xã đảo Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu; khai thác các tour du lịch trên vịnh Bái Tử Long; lựa chọn địa điểm để xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm, cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo, thú vị cho du khách ở các xã Quan Lạn, Minh Châu, như cào ngao, bắt ốc, câu cá, kéo lưới... hay đạp xe quanh đảo để khám phá cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương... Trung tâm xã Quan Lạn được quy hoạch phát triển hoạt động về đêm, khu vực đường trục chính xuyên đảo sẽ ưu tiên các công trình dịch vụ gắn với thương mại, dịch vụ hỗn hợp chất lượng cao, khu vực đồi núi sẽ phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực ven biển sẽ phát triển các bãi biển nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ sinh thái rừng đặc dụng và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Hướng tới mục tiêu phấn đấu khách du lịch đến Vân Đồn trong quý IV năm 2021 đạt mức cao nhất trong điều kiện bình thường mới (khoảng 60.000 đến 80.000 lượt khách), công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn huyện Vân Đồn được đẩy mạnh và có sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ với nhiều phương thức khác nhau. Huyện đã tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, tổ chức đón các đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), báo chí, truyền hình trong nước và nước ngoài đến khảo sát các điểm du lịch nhằm viết bài, đưa tin quảng bá hình ảnh Vân Đồn an toàn, thân thiện, hấp dẫn; mở chuyên trang tuyên truyền, quảng bá du lịch Vân Đồn, xây dựng video clip, video graphic giới thiệu tổng quan về du lịch của huyện; đăng các hoạt động kích cầu du lịch trên Cổng thông tin điện tử của huyện và các trang fanpage DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh)… Vân Đồn cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch thu hút khách du lịch, như tổ chức hội chợ OCOP kết hợp với thương mại, lễ hội văn hóa ẩm thực hải sản Vân Đồn, chương trình ngày hội tài sắc phụ nữ Vân Đồn chủ đề “Tự tin, duyên dáng, đoàn kết, phát triển”, hội thi “Người giới thiệu hay nhất về Vân Đồn lần thứ nhất”, chương trình công bố Quyết định công nhận khu du lịch Quan Lạn - Minh Châu huyện Vân Đồn là khu du lịch cấp tỉnh... Trong những tháng cuối năm 2021, Vân Đồn dự kiến tổ chức Liên hoan ẩm thực Vân Đồn lần thứ 2, Lễ hội Đại phan (lễ hội cầu an, cầu mùa của người Sán Dìu), các hoạt động thể dục, thể thao đặc sắc khác… Tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đều tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện Vân Đồn cũng được nhận các gói hỗ trợ và tích cực hưởng ứng, triển khai hiệu quả chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Quảng Ninh đi du lịch Quảng Ninh” với nội dung cụ thể, thiết thực, vừa khuyến mại, giảm giá dịch vụ nhằm thu hút du khách nội địa đến với Vân Đồn, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch với thông điệp “Du lịch Vân Đồn, Quảng Ninh an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Bên cạnh đó, Vân Đồn còn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn tại các bến tàu, bến xe, các phương tiện vận tải giao thông; đẩy mạnh hoạt động quản lý kinh doanh và bảo đảm an toàn tại các bãi tắm du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý đối với các hoạt động cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển khách du lịch; tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không tuân thủ các quy định của Luật Du lịch, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, an toàn.
Đặc biệt, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các cơ sở du lịch trên địa bàn huyện Vân Đồn được quán triệt phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về phòng, chống dịch COVID-19 do Trung ương và tỉnh Quảng Ninh ban hành, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi và an toàn cho du khách cũng như cho nguồn nhân lực du lịch và nhân dân địa phương, khuyến khích mô hình “ba tại chỗ”, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn nhân lực du lịch tại cơ sở một cách chủ động định kỳ theo quy định. Du khách đến với Vân Đồn cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, khai báo y tế, quét mã QR, cài đặt các ứng dụng, như Bluezone, PC-Covid... và tuân thủ các quy định y tế của địa phương. Chính sự phối hợp hiệu quả, sự đồng thuận, chung tay của các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp du lịch, nhân dân địa phương và các du khách là yếu tố quyết định đến sự phục hồi ngành du lịch của huyện đảo Vân Đồn, là cơ sở để Vân Đồn phát triển bền vững, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao của tỉnh Quảng Ninh và cả nước./.
Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19  (29/10/2021)
Hà Nội xây dựng các điểm đến an toàn, đẩy mạnh quảng bá điểm đến nhằm khôi phục hoạt động du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát  (27/10/2021)
Tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch ngay từ cơ sở  (26/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên