Ngành công thương chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2021
TCCS - Quy hoạch Điện VIII, kế hoạch cung cấp điện năm 2022, tình trạng ùn ứ nông sản… thời gian qua là những nội dung được quan tâm tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra ngày 12-1-2021, tại Hà Nội.
Dấu ấn của ngành công thương năm 2021
Tại buổi họp báo, người phát ngôn của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - nhấn mạnh, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động gây ảnh hưởng nặng nề hơn so với năm 2020, do thời gian thực hiện giãn cách xã hội dài hơn, đặc biệt là dịch bệnh tấn công vào các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Trong bối cảnh đó, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cơ bản giữ được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển biến theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của công nghiệp (với mức tăng 6,37%), đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước và đóng góp tới 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, năm 2021, xuất, nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng nhất khi tiếp tục tạo kỷ lục mới, với tổng kim ngạch ước đạt gần 670 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 336 tỷ USD (tăng 19%); nhập khẩu ước đạt 332 tỷ USD (tăng 26,5%) so với năm 2020. Nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với giá trị khoảng 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, thị trường trong nước tương đối ổn định, cơ bản bảo đảm được cân đối cung - cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch. Thương mại điện tử trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những thành tích đạt được, người phát ngôn Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển ngành công thương năm 2021. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện; mức độ liên kết và giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước còn yếu.
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn… Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động dịch vụ và làm giảm cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước khiến doanh thu bán lẻ trong nước đạt thấp. Thị trường mặc dù được tăng cường kiểm soát nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại (kể cả trên môi trường internet) vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6% - 6,5%, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công thương phấn đấu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7% - 8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% - 8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7% - 8%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; điện thương phẩm tăng 7,1% - 9,1%.
Hiện thực hóa các mục tiêu này, Bộ Công Thương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ; chú trọng quản lý nhập khẩu…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra 8 giải pháp ngành sẽ triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu năm 2022. Trong đó, đáng chú ý là: Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế; tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch COVID-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội… Ngoài ra, tập trung triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; phát triển mạnh thương mại nội địa, khai thác hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử... Đồng thời, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trả lời nhiều câu hỏi được các cơ quan báo chí quan tâm.
Liên quan đến Quy hoạch Điện VIII, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng cho biết, Bộ Công Thương sẽ chỉnh sửa lại, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I-2022.
Cụ thể, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 1682, ngày 26-3-2021 và Tờ trình số 6277, ngày 8-10-2021. Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050. Đồng thời, Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị cũng đưa ra quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Vì thế, Bộ Công Thương hiệu chỉnh Quy hoạch Điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian phát triển cho các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với chi phí sản xuất hợp lý, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Từ đó, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch Điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời và điện gió. Với ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển số lượng lớn điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo nhưng chỉ sử dụng với một tỷ lệ phù hợp, hợp lý, bảo đảm kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng, không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Trong Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực.
Liên quan đến tình hình cung ứng điện năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Tuệ Quang cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063, ngày 31-12-2021, Về phê duyệt kế hoạch cung cấp điện của toàn ngành điện năm 2022. Dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng 275,5 tỷ kwh, tăng khoảng 7,88% so với năm 2021. Dự kiến việc cung ứng điện năm 2022 về cơ bản bảo đảm, không phải thực hiện cắt giảm điện…
Tuy nhiên, trong một số thời điểm có thể có hiện tượng quá tải cục bộ của lưới điện trung hạ, do vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi tăng trưởng phụ tải điện, theo dõi các điều kiện vận hành hệ thống thị trường, cũng như bảo đảm vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định tin cậy cho hệ thống điện của toàn đất nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt ở hạ du; chỉ đạo các đơn vị điện lực có kế hoạch bảo đảm nguồn nhiên liệu sơ cấp. Thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị để khắc phục các khiếm khuyết của nhà máy điện và lưới điện. Tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, điều kiện để xử lý nhanh các sự cố, không để kéo dài, kể cả nguồn điện, lưới điện và tập trung hoàn thành các công trình lưới điện mà giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo.
Về năng lượng tái tạo, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, dự kiến trong năm 2022, nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 35,6 tỷ kwh, chiếm khoảng 13% tổng nhu cầu điện của hệ thống. Hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục có các giải pháp để khai thác hiệu quả các nguồn điện.
Thông tin về tình trạng ùn ứ nông sản trên các cửa khẩu biên giới thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang cho biết, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là do phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu biên giới. Một số cửa khẩu vẫn mở nhưng thực hiện các biện pháp chống dịch chặt chẽ. Về phía Việt Nam, nguyên nhân liên quan đến các hạn chế cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản thời gian qua, như sản xuất chưa đúng với quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; chất lượng hoặc bao gói ở đâu đó vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm…
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang, trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu, có nhiều sản phẩm chưa thể đi chính ngạch mà phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để xuất khẩu… Đến nay, tình hình ùn ứ đã có những tiến triển tích cực, một số cửa khẩu Trung Quốc đã thông quan trở lại, như Quảng Tây, Đông Hưng… Đặc biệt, với mặt hàng thanh long, đã bắt đầu thông quan qua tỉnh Lào Cai từ ngày 12-1-2021. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự vào cuộc rốt ráo của các bộ, ngành và địa phương biên giới thời gian qua.
Thời gian tới, để thông quan hàng hóa được thuận lợi, nhất là trong dịp cao điểm tết, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang khuyến nghị, các doanh nghiệp cần quan tâm chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản xuất khẩu để để đa dạng hoá thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thị trường này. Đối với địa phương sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với khách hàng tại Trung Quốc./.
Quảng Ninh đề xuất xây Trung tâm giao dịch nông sản châu Á - Thái Bình Dương với công suất 3 triệu tấn mỗi năm  (28/12/2021)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12-2021  (23/12/2021)
Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương triển khai quyết định của Ban Bí thư về phối hợp công tác giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp  (15/06/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên