Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải góp phần làm người dân ngày càng hạnh phúc, đất nước thịnh vượng
TCCS - Ngày 11-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề: “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ số trong cả nước.
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số là hoạt động thường niên và có quy mô lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn lần thứ III năm 2021 gồm hai phiên tham luận chính: Doanh nghiệp công nghệ số với chuyển đổi số quốc gia; doanh nghiệp công nghệ số với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào việc giải các bài toán khó về công nghệ, có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số nêu cao trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, có vai trò quan trọng bởi đây chính là hạ tầng của nền kinh tế số, tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam...
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao, công nghệ số đã chia sẻ, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của xã hội để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, chung tay thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển; chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; chuyển đổi số phục vụ toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Theo đó, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Việc thực hiện chuyển đổi số phải tránh hai khuynh hướng “cầu toàn, nóng vội”.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số phải tham gia vào việc phát triển cả chiều rộng, chiều sâu và phát triển bền vững. Trong đó chuyển đổi số phải tham gia vào phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào thích ứng, chống biến đổi khí hậu; khắc phục sự cạn kiệt tài nguyên; góp phần vào chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; phục vụ chuyển đổi phương thức làm việc, giáo dục, đào tạo; khắc phục sự già hóa dân số; xây dựng cơ sơ dữ liệu liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đất nước, con người Việt Nam; thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác đất đai, logistics... Với mục tiêu lớn nhất là phục vụ cho cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng, hùng cường...
Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức toàn diện và sâu sắc về chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; tăng cường sự quản lý của Nhà nước và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, lắng nghe và thấu hiệu, tích cực, chủ động; phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số; chuyển đổi số dựa trên sự đổi mới, sáng tạo số, song phải bám sát thực tiễn; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và công tác quản trị số...
Cũng trong khuôn khổ chương trình diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến việc giao nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia gồm 35 nền tảng công nghệ số thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; dự lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” năm 2021 và dự triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam”./.
Trung Duy (tổng hợp)
BIDV - Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc 2021  (10/12/2021)
Không ngừng vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào  (07/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tăng cường năng lực ứng phó và sự phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống thiên tai  (06/12/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam