Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bốn đề xuất tăng cường hợp tác giữa các nước Á - Âu trong thời gian tới
TCCS - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hunsen, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 13 tổ chức từ ngày 25-11 - 26-11-2021 theo hình thức trực tuyến. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ Ngoại giao; Quốc Phòng; Công an; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế.
Đây là sự kiện quan trọng nhất của hợp tác ASEM trong 3 năm qua và diễn ra đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Diễn đàn (1996 - 2021). Tham dự hội nghị năm nay có lãnh đạo cấp cao và đại diện của 53 thành viên ASEM.
Với chủ đề "Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung", các nhà lãnh đạo ASEM đã thảo luận về các nỗ lực chung và hợp tác đa phương trong giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, ứng phó đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, tăng cường kết nối xã hội và văn hóa. Các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại hai châu lục và thảo luận về các phương hướng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEM.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh yêu cầu cấp bách duy trì trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm, bày tỏ quyết tâm hợp tác cùng nhau vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những thành tựu mà ASEM đạt được trong 25 năm qua và khẳng định cam kết đẩy mạnh quan hệ đối tác và kết nối giữa các nước Á - Âu nhằm nâng cao vai trò, đóng góp của Diễn đàn trong bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững và bao trùm.
Hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận về các giải pháp ứng phó dịch bệnh, sớm phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Hội nghị đã đưa ra giải pháp cụ thể trong ứng phó dịch bệnh như tạo thuận lợi cho lưu thông các mặt hàng thiết yếu và tiếp cận vaccine kịp thời, chuyển giao công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Bên cạnh các giải pháp kinh tế vĩ mô, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối Á - Âu, coi đây là một trọng tâm hợp tác của ASEM trong giai đoạn tới; nhất trí thúc đẩy kết nối toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người.
Các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ nhận thức chung cần tăng cường hợp tác bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do đi lại trên biển và hàng không, không cản trở các hoạt động kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chia sẻ và đánh giá sâu sắc, thực chất về cục diện thế giới, khu vực, các xu thế phát triển và những vấn đề mới đang đặt ra đối với khu vực Á - Âu.
Thủ tướng cho rằng các thách thức toàn cầu như dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và an ninh an toàn mạng là những vấn đề lớn, có tính toàn cầu và tác động đến mọi người dân. Theo đó, Thủ tướng đã nêu bốn đề xuất tăng cường hợp tác giữa các nước Á - Âu trong thời gian tới:
Một là, Thủ tướng đề nghị phải đoàn kết, chung tay hợp tác toàn cầu, vì không thể có một quốc gia nào có thể tự giải quyết được một mình đối với các vấn đề toàn cầu. Trong đó, phải lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển và giải quyết, khắc phục các vấn đề mang tính toàn cầu. Thủ tướng đồng thời chia sẻ ý kiến của các nhà lãnh đạo ASEM về việc cần phải đề cao hơn nữa chủ nghĩa đa phương.
Hai là, Thủ tướng nhấn mạnh sản xuất, phân bổ thuốc chữa bệnh, vaccine phòng, chống COVID-19 phải có sự hợp tác, chia sẻ và tiếp cận bình đẳng. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới các nước phát triển ở châu Âu, châu Á đã giúp đỡ các nước đang phát triển về vaccine, thuốc chữa bệnh và các trang thiết bị y tế khác.
Ba là, Thủ tướng đề nghị các nước phát triển cần có sự giúp đỡ các nước đang phát triển để có năng lực đối phó với các vấn đề toàn cầu, như có cơ chế huy động tài chính phù hợp, đủ lớn, kịp thời để chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh.
Bốn là, Thủ tướng kêu gọi đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực cho các nước đang phát triển và các nước nghèo, thúc đẩy tăng cường hợp tác công - tư để huy động nguồn lực cho sự phát triển. Để đóng góp cho tiến trình này, Việt Nam sẽ tổ chức "Hội nghị bàn tròn ASEM về kinh tế số" trong năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chia sẻ nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam trong ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thủ tướng đồng thời khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp có trách nhiệm trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, giúp đỡ và phối hợp hiệu quả của các nước ASEM dành cho Việt Nam trong các nỗ lực này.
Với tinh thần đó, Thủ tướng một lần nữa đề nghị các nước Á - Âu mở cửa hơn nữa thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường đầu tư và đẩy mạnh hợp tác công - tư để tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, nhằm khắc phục khó khăn và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, giúp họ ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh thế giới và khu vực Á - Âu đang chứng kiến những chuyển dịch nhanh chóng, khó lường. Thách thức phi truyền thống cũng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh hợp tác đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và đóng góp vì lợi ích chung. Trong đó yếu tố then chốt là đối thoại, tôn trọng, chân thành, thực chất, hiệu quả và củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Thủ tướng cũng chia sẻ nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, kết nối giao thương Á - Âu và toàn cầu. Theo đó, từng quốc gia cần phát huy tinh thần trách nhiệm; tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và trái với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng cũng chia sẻ việc ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); tiếp tục đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có hiệu lực, phù hợp với UNCLOS 1982.
Các đánh giá và đề xuất thiết thực của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được các nhà lãnh đạo Á - Âu đánh giá cao, đồng tình ủng hộ và phản ánh trong văn kiện của Hội nghị.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo Á - Âu đã thông qua "Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 13"; "Tuyên bố Phnom Penh về COVID-19 và phục hồi kinh tế"; "Định hướng hợp tác ASEM về kết nối". Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 14 sẽ được tổ chức vào năm 2023 tại châu Âu./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII  (29/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước  (28/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm, hội kiến và tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao Nhật Bản  (24/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ ASEAN - Trung Quốc phát triển đúng tầm đối tác chiến lược toàn diện  (23/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển