Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne
TCCS - Ngày 9-11-2021, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đến chào xã giao Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Australia đã đạt được trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế thời gian qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng Australia sẽ sớm chiến thắng đại dịch và tiếp tục đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 chung trên toàn thế giới. Đồng thời, cảm ơn Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ 5,2 triệu liều vaccine cho Việt Nam, kịp thời hỗ trợ các trang thiết bị y tế và mong phía Australia tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng cao năng lực y tế, ứng phó các dịch bệnh trong tương lai, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng của năm 2021 vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 9,1 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những khó khăn do đại dịch. Australia tiếp tục duy trì sự hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ở mức cao cho Việt Nam, đạt 78,9 triệu AUD trong năm tài chính 2021 - 2022. Thủ tướng đánh giá cao kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3 giữa hai nước, cho rằng đây là minh chứng cho sự quyết tâm của cả hai bên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Australia tiếp tục duy trì viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và xem xét mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như xem xét triển khai chương trình thị thực nông nghiệp cho lao động Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cảm ơn và đề nghị phía Australia tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia được sinh sống, lao động, hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi, gia hạn lưu trú, miễn giảm tiền phạt quá hạn lưu trú cho công dân Việt Nam bị kẹt lại Australia do đại dịch và sớm tiếp nhận lại sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Australia, tiếp tục cấp học bổng và khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam. Đồng thời, đề nghị hai nước tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và giữa ASEAN - Australia trong các vấn đề hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong đó có lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Về phía Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne khẳng định, Australia hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, trên nhiều trọng tâm ưu tiên, như phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu…; mong muốn nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam thời gian tới. Bộ trưởng Marise Payne nhất trí và ủng hộ các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo và các vấn đề chung của khu vực; khẳng định Australia đánh giá cao lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Bộ trưởng Marise Payne chúc mừng Chính phủ Việt Nam về các biện pháp phòng dịch linh hoạt, hiệu quả và phù hợp vừa qua, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ dần đạt tới mục tiêu thích ứng, sống chung an toàn với dịch COVID-19. Thực hiện kết quả làm việc giữa Thủ tướng hai nước nhân dịp Hội nghị COP26, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phía Australia đã nhất trí cung cấp thêm 2,6 triệu liều vaccine, nâng tổng số vaccine hỗ trợ Việt Nam lên hơn 7,8 triệu liều; đánh giá cao việc Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cho biết các doanh nghiệp Australia rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, mong muốn tận dụng cao nhất các cơ hội mà thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam mang lại; khẳng định, Australia sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai các cơ chế hợp tác hiện có theo nhiều hình thức linh hoạt; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2020 - 2023 và Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia (EEES) nhằm sớm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều, đưa hai nước trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác để phát huy tối đa các cơ hội trong bối cảnh đại dịch như trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng xanh…
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ 3; dự lễ khai mạc Đối thoại ASEAN - Australia lần thứ 2 về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh; làm việc với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Australia. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Australia không ngừng được tăng cường. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009, nâng lên đối tác toàn diện tăng cường năm 2015 và chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2018./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ khẳng định vị thế và đóng góp cho xã hội  (20/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa vaccine về Việt Nam sớm nhất, nhiều nhất  (30/06/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Australia  (08/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển