Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận
TCCS - Ngày 6-11-2021, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021; kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Quốc hội, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã trao đổi cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ và những vấn đề tỉnh kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu nước, hạn hán, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Trước đây, khi chưa có Nghị quyết số 31/2016/QH14 và Nghị quyết số 115/NQ-CP, Ninh Thuận là tỉnh khó khăn, thu ngân sách thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong những năm qua, với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh đã bước đầu giải quyết được một số khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có xuất phát điểm thấp, lại thêm quy hoạch điện hạt nhân chậm thực hiện trong một thời gian dài đã tác động đến việc phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Từ tình hình đó, Trung ương đã có chủ trương dừng thực hiện điện hạt nhân. Đây là quyết định tính toán kỹ lưỡng, thể hiện quyết tâm cao của Trung ương. Ngay sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết đã giao Chính phủ một số nội dung quan trọng, trong đó có việc ban hành chính sách, thể chế hỗ trợ Ninh Thuận trong quá trình thực hiện chủ trương này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP. Sau khi có Nghị quyết số 31/2016/QH14, Nghị quyết số 115/NQ-CP, Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành chương trình hành động, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết với nhiều nhiệm vụ, giải pháp lớn cùng các nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Nhờ vậy, trong 3 năm liên tục gần đây, Ninh Thuận đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất cả nước; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 4%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả tích cực, với hơn 90% số dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, cơ bản kiểm soát được dịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư. Khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với bình quân của cả nước nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn...
Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu kỹ các báo cáo của các bộ, cơ quan. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, hỗ trợ, chế biến bảo quản nông sản, hỗ trợ ngư dân, nhất là khai thác vùng biển xa; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ triển khai hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung phát triển các đô thị ven biển.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ninh Thuận tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng, nhất là khắc phục những khâu yếu như giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, có chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, tiết kiệm khoản chi thường xuyên; quan tâm đến công tác quy hoạch. Tỉnh cần tiếp tục phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống, các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu dạy học an toàn để phù hợp với tình hình dịch bệnh, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển; quan tâm đến liên kết kinh tế vùng, phát triển du lịch.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội; giao cho Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan và địa phương nhằm đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch COVID-19. Đây là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm ban hành cơ chế, chính sách để đấu thầu lựa chọn dự án, chủ đầu tư trong dự án điện mặt trời.
Liên quan đến nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA có tầm quan trọng, cấp bách theo đúng tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP; trước mắt, có thể áp dụng đến năm 2023, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo và công bố thành lập thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh  (01/11/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo và công bố thành lập thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh  (01/11/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô  (30/10/2021)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV  (20/10/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên