Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
TCCS - Ngày 7-11-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2021). Buổi lễ diễn ra bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội kết nối với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là lễ kỷ niệm đặc biệt trong lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên; đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội - sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường 40 năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Dự lễ, qua các điểm cầu có các vị chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự; hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức, tăng ni tại nhiều địa phương trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên đọc thông điệp của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gửi tăng ni, cư sĩ phật tử nhân Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội. Thông điệp mong muốn các cấp Giáo hội, các ban, viện ở Trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, tăng ni, cư sĩ phật tử hãy tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa, tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế sâu rộng hơn về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”.
Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta, Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có hàng nghìn tăng ni, phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Nhiều nhà sư đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của cả đất nước.
Giáo hội cùng các tăng ni tích cực hưởng ứng, vận động phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động, như xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để bảo đảm an toàn sức khỏe cho tăng ni, phật tử và xã hội. Giáo hội đã ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vắc xin, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm...
Đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng ni, phật tử cả nước đã đạt được trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo. Trong đó khẳng định, “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung”.
Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước; tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa phật tử ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi  (28/10/2021)
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, năm 2020  (25/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình  (24/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ  (23/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho các tân đại sứ  (21/10/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay