Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Ngày 13-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 317 xã, phường, thị trấn; 26 huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang.
Dự cuộc họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan và các chuyên gia y tế. Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 dự họp tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Dự họp tại đầu cầu các địa phương có bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và các ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, chúng ta lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sĩ”; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Trong đó, người dân tại các vùng dịch được tiếp cận với y tế sớm nhất, gần nhất, ngay tại cơ sở nên giảm tải cho tuyến trên; số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 tại nhiều địa phương đang có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, tại tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song diễn biến vẫn phức tạp, thậm chí có địa phương đang là “vùng xanh” trở thành “vùng đỏ”. Do đó, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp này nhằm nắm bắt thêm tình hình, rà soát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quá trình tổ chức thực hiện phòng, chống dịch; phân tích nguyên nhân, nhất là chủ quan; để từ đó điều chỉnh các giải pháp; kêu gọi, vận động nhân dân tiếp tục nghiêm túc chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các địa phương báo cáo, phân tích rõ, chi tiết các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp về y tế; phân tích nguyên nhân khiến dịch bệnh vẫn dây dưa.
Thông qua hỏi, đáp trực tiếp với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện, có lãnh đạo ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được các giải pháp cụ thể, không rõ nguyên nhân để dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là không đưa ra được mục tiêu sau quá trình thực hiện giãn cách xã hội.
Trong đó, có địa phương nhận thức chưa đầy đủ để thực hiện xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch; chưa triển khai các trạm y tế lưu động tại cơ sở; thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm, “chặt ngoài, lỏng trong”. Tốc độ xét nghiệm tại một số nơi chậm hơn tốc độ dịch lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia y tế đã có các ý kiến nhận định tình hình và góp ý, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương. Đồng thời đề nghị tăng cường hỗ trợ lực lượng, nâng cao năng lực y tế, nhất là trong xét nghiệm, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 và phân bổ thêm vaccine để tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, mặc dù các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang đã có nhiều cố gắng, song diễn biến tình hình chưa được như mong muốn, dự báo tình hình có thể phức tạp hơn. Nguyên nhân của tình hình trên một phần do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và một phần trong khâu tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương cho thấy vẫn còn khoảng trống trong phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, có lãnh đạo xã, phường không nắm chắc các biện pháp; chưa nắm được tình hình và dự báo tình hình chưa sát với diễn biến dịch bệnh; tổ chức thực hiện có nơi, có lúc vẫn còn lúng túng. Công tác quản lý cách ly, quản lý điều trị chưa chặt chẽ.
Để khắc phục tình trạng trên, sớm kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương cần bám sát các chỉ đạo, nhất là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các Chỉ thị 1099 và Chỉ thị 1102, các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Đặc biệt là chủ trương chuyển hướng lấy “xã, phường, thị trấn là pháo đài"; người dân là "chiến sĩ"; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Theo đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo phải nắm chắc các chủ trương, chính sách, phương pháp về phòng, chống dịch, sau đó phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân để người dân tham gia phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tương tác qua lại giữa các cấp, các ngành. Thống nhất các mẫu báo cáo, biểu mẫu, quy trình theo hướng ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, sát với tình hình. Thống nhất tích hợp các nền tảng, ứng dụng công nghệ để người dân chỉ sử dụng một ứng dụng (app) trong phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đưa ra mục tiêu cụ thể khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch gồm: giãn cách bao lâu, ở những địa phương nào và đạt được mục tiêu gì, đặc biệt là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó. Cố gắng càng sớm, càng tốt, nhưng chậm nhất đến 30-9-2021 phải kiểm soát được dịch bệnh.
Quá trình thực hiện tiếp tục chuyển hướng từ tập trung sang vừa tập trung, vừa phân tán, chỉ đạo, chỉ huy tập trung, nhưng thực hiện phải phân cấp, phân quyền, nhất là phân quyền cho cơ sở. Tổ chức xét nghiệm thần tốc để phát hiện và cách ly nguồn lây sớm, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải thiết lập các trạm y tế lưu động để người dân có thể tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất. Các địa phương tăng cường lực lượng y tế cho cơ sở, đáp ứng ngay tại xã, phường; tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, các ca có bệnh nền, phụ nữ có thai; siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài; tiếp tục bảo đảm an sinh, an dân, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương rà soát nhu cầu về lực lượng, trang thiết bị y tế, nhu cầu thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực giãn cách xã hội để đề xuất với Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành xem xét đáp ứng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với vấn đề vaccine, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang rất tích cực bằng mọi kênh, mọi biện pháp nhằm có sớm nhất, nhiều nhất vaccine có thể để tiêm miễn phí cho người dân. Trong đó, cùng với nỗ lực mua, nhập khẩu, cần tích cực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình, tổ chức tiêm an toàn, hiệu quả; chuẩn bị vaccine cho những năm tới và vaccine cho trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý, cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư… trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn lãnh đạo các xã, phường, thị trấn; các huyện, thị, thành phố của hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang sau khi dự hội nghị này, đã tiếp thu thêm chủ trương, kiến thức, phương pháp, tổ chức kiểm điểm, đánh giá lại công tác phòng, chống dịch để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản  (13/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc  (11/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển