Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên cán bộ, người dân Hà Nội thực hiện công tác phòng, chống COVID-19
TCCS - Ngày 13-8-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm hỏi, động viên và tặng quà lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
* Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi các bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân F0 của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là nơi được sử dụng làm khu vực dự phòng cách ly cho người nghi lây mắc COVID-19. Cơ sở này do Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai quản lý, vận hành và phục vụ với một tòa nhà cao 19 tầng, 252 phòng, hơn 2000 chỗ ở; các phòng có đầy đủ điện, nước, khu vệ sinh riêng.
Biểu dương đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc căn dặn các lực lượng cần chủ động, kiên quyết và làm chủ mọi tình huống; quản lý, phục vụ tốt người bệnh, người được cách ly; đồng thời bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ.
** Thăm khu dân cư số 1, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc thực hiện mô hình đi chợ hộ, tập trung hàng hóa, hạn chế ra ngoài của bà con trong khu dân cư. Chủ tịch nước đề nghị bà con phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn; đặc biệt cần chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, của thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19; mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi tổ dân phố, khu dân cư là một pháo đài chống dịch.
Thăm, tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt COVID-19 cộng đồng và điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại tổ 11, khu dân cư số 2, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch nước căn dặn đội ngũ cán bộ y tế thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức giãn cách xã hội; tổ chức tốt, bảo đảm an toàn tiêm vaccine phòng COVID-19; phấn đấu hoàn thành sớm nhất tiêm 100% người dân trên địa bàn.
Chủ tịch nước đã tới thăm hỏi, tặng quà điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu tại bến Rước nước, số 680 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng trước khi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
*** Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, có mật độ dân số đông và là đầu mối giao thương của cả nước, do đó, nguy cơ lây mắc COVID-19 cao. Chủ tịch nước khẳng định, ưu tiên của Trung ương, Bộ Chính trị là phải nhanh chóng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh ở Hà Nội, đưa Thủ đô trở thành nơi an toàn, hậu phương quan trọng, vững chắc, từ đó có thể chi viện cho các địa phương khác có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chủ tịch nước đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị thành phố dưới sự chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đặc biệt sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Chủ tịch nước cho rằng, Hà Nội đã có quyết định kịp thời giãn cách xã hội, tạo nên “một bức tường thành” ngăn chặn đại dịch lây lan; tránh nguy cơ khủng hoảng y tế và các vấn đề xã hội.
Chủ tịch nước chỉ rõ, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần được thực hiện quyết liệt, liên tục và các biện pháp cụ thể. Đặc biệt cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến quận, huyện và cơ sở, các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, người dân Hà Nội đã ủng hộ, gương mẫu trong thực hiện Chỉ thị 16; tăng vùng xanh, giảm vùng đỏ với nhiều cách làm sáng tạo như "bốn tại chỗ", "năm tại chỗ", tách F0, F1 khỏi cộng đồng, từ đó giảm tử vong do dịch bệnh. Thành phố đã có chiến lược làm sạch cộng đồng bằng công nghệ và nhiều biện pháp khác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Hà Nội đang tiếp tục phấn đấu đủ năng lực điều trị F0 ở mức 30.000 ca; phục vụ từ 60 nghìn đến 65 nghìn trường hợp F1. Thành phố đã huy động mạnh mẽ lực lượng quân đội vào cuộc; chủ động mọi tình huống điều trị bệnh nhân. Chủ trương của thành phố đã thấm đến từng người dân, sẵn sàng chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế và thành phố. Các lực lượng y tế, công an, quân đội… sẵn sàng bảo vệ Thủ đô trong dịch bệnh.
Đặc biệt, trong quá trình đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã lắng nghe ý kiến của người dân, đơn giản thủ tục hành chính, nhanh chóng điều chỉnh quy định về đi lại. Thành phố tích cực trợ cấp cho người lao động tự do. Thành phố đã làm tốt việc dựa vào dân, huy động sức mạnh người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Mục tiêu đặt ra trong lúc này là: “Không để quá tải bệnh viện, không để bệnh nặng tăng nhanh và đặc biệt không để nhiều người tử vong”. Chúng ta phải đặt vấn đề này với trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân để bảo vệ mạng sống con người, người dân là trên hết”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước đề nghị không chủ quan trước những biến thể mới của COVID-19; tiếp tục phát huy tinh thần 5K + vaccine cần nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa “không được để trái tim của cả nước bị dịch bệnh đe dọa”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Gợi ý một số biện pháp phòng, chống COVID-19 cho thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến các vấn đề: Giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vaccine và công nghệ; thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến ở từng khu vực và trên địa bàn trong tiến hành giãn cách.
Chủ tịch nước cho rằng, cần tiếp tục xem xét tăng cường năng lực xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng những khu vực nguy cơ cao.
Về điều trị, thành phố nên tăng cường năng lực ở tầng dưới, giảm tải tầng trên, tăng cường tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ; tiếp tục phát huy mô hình "Tổ COVID-19 cộng đồng". Mỗi người dân có biểu hiện ho, sốt đều phải được xem xét xử lý sớm, kịp thời, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Về vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là giải pháp cứu cánh giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Do đó, thành phố cần nghiên cứu các quan điểm về vấn đề này như: tập trung cho vùng đỏ, tiêm cho người già, người nghèo, người có bệnh nền… với chiến lược cụ thể.
Chủ tịch nước yêu cầu bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu khác, sớm tiêm 2 mũi để bảo đảm an toàn trong thực thi nhiệm vụ. Thành phố cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong phát hiện, truy vết. Bên cạnh đó là quan tâm bảo đảm dòng chảy hàng hóa vận chuyển an toàn, cung cấp đầy đủ cho người dân; chủ động, sẵn sàng hơn nữa về hậu cần, thuốc, vật tư y tế, bình ô xy ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát mạnh; kiểm soát chặt chẽ các chốt ra vào thành phố…
Người dân luôn ở vị trí trung tâm trong công tác của cấp ủy, chính quyền. Mọi hành động, chính sách của chính quyền phải hướng đến chăm lo tốt hơn cho người dân, quan tâm đến những suy nghĩ của người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân. “Không chọn giải pháp phần dễ cho chính quyền, phần khó cho người dân”; chú ý khi ban hành quy định phải nghĩ thông suốt những mặt trái, khó khăn, trở ngại của người dân từ đó có giải pháp đi kèm, đồng bộ chính sách; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước gợi ý thành phố chủ động tìm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục khó khăn, kết hợp chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức độ phù hợp để có nguồn lực chống dịch, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.
Hà Nội cần có kế hoạch tái thiết nền kinh tế, ổn định tâm lý xã hội, nhất là các giải pháp tài khóa, tài chính, khoa học và công nghệ để sau khi chống dịch thành công, Hà Nội phải là trung tâm sản xuất phát triển mạnh mẽ. Để thực hiện điều đó, phải kiên quyết thực hiện giãn cách xã hội, không chần chừ. Chủ tịch nước đề nghị thành phố cần lưu ý làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người dân, nhất là người dân ở các khu vực cách ly.
Các bộ, ngành quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam.
Trên tinh thần đó, gửi lời thăm hỏi đến đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các gia đình trên cả nước đã nỗ lực kiên cường vượt khó, chịu đựng hy sinh, gian khổ, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn các tổ chức thiện nguyện, tấm lòng nhân ái, thương người như thể thương thân trong thời gian qua đã hết lòng cống hiến cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao 40 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với niềm tin tưởng nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch trong thời gian sớm nhất./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Vietcombank tài trợ 5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng  (13/08/2021)
Agribank ủng hộ 300 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19  (13/08/2021)
Quyết tâm cao nhất để có vaccine sản xuất trong nước vào tháng 9-2021  (13/08/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên