Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Đắk Lắk
TCCS - Ngày 30-6-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã có chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk; dự kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026; đến thăm, tặng quà công nhân, người lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và trình bày các kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk, cùng các ý kiến của các lãnh đạo ban, ngành hữu quan về đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây đều là những kiến nghị cần thiết và cấp bách vì phát triển hạ tầng giúp giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại, đi lại của người dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đắk Lắk xác định dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang là ưu tiên số 1 trong 5 năm tới.
Về các lĩnh vực khác của tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đánh giá tỉnh đã tổ chức thành công cuộc bầu cử vào ngày 23-5-2021 vừa qua, biểu dương, ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh ước đạt 9,11%, cao gấp 1,61 lần mức tăng chung cả nước, thu ngân sách đạt 60% kế hoạch năm; 570 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 59,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 42% kế hoạch năm 2021.
Cơ bản đồng tình với đánh giá thẳng thắn của tỉnh Đắk Lắk về những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế ở địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đắk Lắk cần đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công; tăng cường kích cầu nội địa, tăng cường kết nối nông sản với các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Đắk Lắk cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đắk Lắk phải bám sát diễn biến tình hình để xử lý kịp thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, không nên chủ quan, rà soát lại các phương án bốn tại chỗ từ nhân lực, vật tư, thiết bị, y tế để không bị bất ngờ. Tới đây, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đắk Lắk cần chủ động rà soát tình hình thực tế các đối tượng trên địa bàn để khi gói hỗ trợ được ban hành sẽ thực hiện được ngay, bảo đảm hiệu quả, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đắk Lắk rà soát lại vấn đề quản lý, sử dụng đất đai ở các nông, lâm trường, tránh tình trạng để lãng phí, chưa có kế hoạch sử dụng trong khi người dân vẫn thiếu đất ở, đất sản xuất. Hội đồng nhân dân tỉnh nên có kế hoạch giám sát vấn đề này, nhất là đất đai tại các công ty thuộc các tổng công ty cà phê, cao su... Tới đây, Quốc hội sẽ xem xét tái giám sát vấn đề này để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai. Nhấn mạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tuyệt đối không được chủ quan lơ là, mất canh giác; cần xây dựng các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh biên giới; tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân; đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổng hợp các kiến nghị của Đắk Lắk về cơ chế, chính sách để thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phát triển Đắk Lắk và danh mục các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng để làm việc với các cơ quan liên quan trên tinh thần ủng hộ tối đa các đề xuất của tỉnh. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay để Đắk Lắk ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí là tỉnh trung tâm của vùng Tây Nguyên. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội, đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã chứng kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng tỉnh Đắk Lắk 1 tỷ đồng; Bộ Y tế tặng lô thiết bị y tế trị giá 5 tỷ đồng; Tập đoàn Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành trao tặng 5 tỷ đồng để xây dựng trường học.
Tới thăm, làm việc với Công an tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Công an tỉnh Đắk Lắk phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, Nhà nước quản lý trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng Công an nhân dân; quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự; tuân thủ, thực hiện đầy đủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và tình hình thế giới, khu vực nhiều biến động nhưng lực lượng công an nói chung, Công an tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Toàn lực lượng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả nổi bật, đó là, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; giảm 12,2% tội phạm, xâm phạm trật tự xã hội, kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Đáng chú ý, việc triển khai công an xã, thị trấn chính quy theo nghị định của Chính phủ đã được Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc, đến nay đã bố trí 888 công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã tại 152/152 xã trên địa bàn (vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao).
Dự kỳ họp đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ghi nhận nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng; sự giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chương trình toàn khóa, hằng năm cần bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; chú trọng thực hiện các khâu đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; nhất là chính sách, thể chế cụ thể bằng các nghị quyết thích hợp của Hội đồng nhân dân tỉnh; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tập trung phát huy được những lợi thế tiềm năng phát triển để Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, thực sự trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tầm nhìn trở thành trung tâm của "Tam giác phát triển" Việt Nam - Lào - Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Công.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh tích cực, chủ động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cũng như lề lối làm việc trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nhất là các đại biểu chuyên trách; phát huy tính nêu gương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đại biểu dân cử với cử tri; nhất là sự chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới trong hoạt động giám sát, thẩm tra, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật… của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã xác định, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp phát huy lợi thế so sánh mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh miền núi, có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao, chăn nuôi, trồng rừng...; phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, sạch, gắn với bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới.
Đắk Lắk cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế; tập trung nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao; ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên và phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận 67-KL/TW.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và của cả vùng; tiếp tục chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo ở những khu vực này; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công; chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số; phát huy sực mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk - vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm, tặng quà cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc Công ty nhôm Alumin, xã Nhân cơ, huyện Đắk R’lấp; thăm dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ - Đắk Nông, một dự án thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đã được đưa vào vận hành thương mại và bước đầu mang lại hiệu quả./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (28/06/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc  (24/06/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nghiên cứu khoa học lập pháp phục vụ phát triển, khắc phục các bất cập, khuyết điểm của hệ thống pháp luật hiện hành  (22/06/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư  (17/06/2021)
Khai mạc Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (15/06/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên