Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới
TCCS - Ngày 24-6-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Cùng tham dự cuộc điện đàm có ông Takeshi Kasai, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong không khí thân mật, cởi mở, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề cụ thể, thực chất để tăng cường hợp tác trong nỗ lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề về vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao quan hệ hợp tác, những hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế thế giới đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong suốt 45 năm qua.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, đánh giá cao vai trò của Tổ chức Y tế thế giới và cá nhân Tổng Giám đốc trong điều phối hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh nói chung, phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng, thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới cũng như sự ủng hộ, chung tay hành động của người dân, đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo theo chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Thủ tướng nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao thành công của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là các biện pháp chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình. Sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần vào nỗ lực phòng, chống dịch hiệu quả để Việt Nam thực sự trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới phổ biến rộng rãi.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX. Ông đặc biệt cảm kích khi Việt Nam đã tiếp nhận, điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên hợp quốc mắc COVID-19 vừa qua.
Tại cuộc điện đàm, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới chia sẻ thông tin về việc nguồn cung vaccine hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9-2021. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực, tình trạng tích trữ vượt quá nhu cầu ở một số nước gây ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của COVAX cũng như khả năng tiếp cận vaccine của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ghi nhận các đề nghị của Việt Nam về việc ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực. Ông khẳng định sẽ cử các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định Tổ chức Y tế thế giới sẽ quan tâm và làm hết sức mình để ủng hộ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam; sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân và phòng, chống dịch COVID-19./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6-2022 phải có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước  (24/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đưa cơ sở dữ liệu dân cư đi vào cuộc sống để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng lợi ích  (23/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển