Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Huy động tổng lực, đẩy lùi dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh
TCCS - Ngày 26-5-2021, tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống dịch COVID-19 khi dịch bệnh đang và có nguy cơ lây lan mạnh tại các khu công nghiệp của hai địa phương này.
Tại hội nghị, theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội..., cùng các ngành có liên quan đã báo cáo, nhận định tình hình, cũng như đề xuất các giải pháp mới nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tại hai địa phương này.
Theo báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành liên quan, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành tâm điểm của dịch bệnh. Đến nay, Bắc Giang đã có hơn 1.400 trường hợp mắc COVID-19, chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp, có nguy cơ lan ra dân cư. Trong khi tại tỉnh Bắc Ninh có gần 600 ca mắc COVID-19, chủ yếu ở khu dân cư, có nguy cơ lây lan vào các khu công nghiệp.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, với sự chi viện kịp thời, thường xuyên của Bộ Y tế và các ngành liên quan, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới tại hai tỉnh này có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mới mắc COVID-19; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan do tại đây có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân, lại ở lẫn trong dân cư, sự giao lưu giữa các địa phương cao... Trong khi đó kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp còn ít; lực lượng, trang thiết bị, vật tư y tế của hai địa phương còn hạn chế...
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tiếp theo. Đó là tổ chức khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan thêm ra các khu vực, đối tượng mới; thực hiện giãn cách xã hội tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ở quy mô rộng hơn; kiểm soát chặt chẽ việc cách ly, phòng, chống dịch; đổi mới phương pháp, đẩy nhanh xét nghiệm trên diện rộng; bảo vệ an toàn cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; cấp phát, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp tại hai tỉnh; tăng cường giải pháp bảo đảm ổn định tình hình, đời sống trong các vùng giãn cách, cách ly; tổ chức làm sạch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cho từng khu dân cư, từng nhà máy, doanh nghiệp, sau đó tổ chức sản xuất trở lại; xây dựng các vùng sản xuất sạch, an toàn phòng dịch; ưu tiên lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã vào cuộc tích cực, vượt qua những khó khăn, hạn chế, dự báo được tình hình, thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và sự vào cuộc, chi viện kịp thời, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương cho hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Theo Thủ tướng Chính phủ, nguồn lây nhiễm COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong đợt này xuất phát từ hai bệnh viện ở Trung ương, chủng virus có độ nguy hiểm cao, độ khuếch tán rộng và nhanh. Dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang hiện vẫn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm có thể còn tăng lên trong các khu vực đang được kiểm soát; nguy cơ lây nhiễm từ các khu vực đang được khoanh vùng ra ngoài cũng rất cao. Trong khi đó khả năng chữa bệnh tại các địa phương còn hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu lớn nhất tại Bắc Ninh, Bắc Giang lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi được dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy. Do đó, các bộ, ngành và hai địa phương cần cố gắng, quyết liệt, tích cực hơn nữa thực hiện cho bằng được mục tiêu này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền của hai địa phương phải phân công và thống nhất về chỉ đạo, cách làm, tổ chức thực hiện trong phòng, chống dịch COVID-19; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình trong công tác phòng, chống dịch; các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương tổ chức các tổ công tác thường trực tại các địa phương, chỉ đạo trực tiếp việc phòng, chống dịch COVID-19; thành lập và duy trì hoạt động các tổ phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng, doanh nghiệp; căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp, quy định, mức độ phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch bệnh…
Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các ngành, phối hợp với địa phương tăng cường khả năng xét nghiệm, huy động tối đa nguồn lực để xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho người dân, nhất là tại các khu đã khoanh vùng; sử dụng công nghệ bắt buộc do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì để phòng, chống dịch; thực hiện quyết liệt “5K+vaccine”; kiểm soát chặt xuất, nhập cảnh, quản lý cư trú.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải tăng cường cơ sở vật chất, năng lực điều trị COVID-19 cho các địa phương, trong đó nghiên cứu về việc lập bệnh viện dã chiến, kho vật tư dã chiến tại các tỉnh này; tăng cường lực lượng, trang thiết bị, vật tư y tế cho hai tỉnh nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ". Qua đó, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, sớm ổn định tình hình; xem xét phương án cách ly các trường hợp F1 tại từng gia đình, từng nhà máy, doanh nghiệp. Ngoài việc ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong cả nước, ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các khu công nghiệp tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực, kể cả của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tham gia đóng góp tài chính để mua vaccine ngừa COVID-19; tăng cường thông tin, tuyền truyền, phản ánh trung thực, khách quan, toàn diện nhằm giải thích, hướng dẫn cho nhân dân cách phòng, chống dịch; truyền cảm hứng, củng cố niềm tin, kêu gọi nhân dân vào cuộc mạnh mẽ để phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương phối hợp để hoàn thành xây dựng Quỹ Vaccine phòng COVID-19; đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vaccine để mua, tiêm vaccine cho người dân; tăng cường kiểm soát việc xuất, nhập cảnh, cư trú; xây dựng các quy trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa an toàn, hiệu quả; bổ sung chính sách, tháo gỡ khó khăn về thủ tục tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương lân cận với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần căn cứ khả năng cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ hai địa phương này trong công tác phòng, chống dịch, trên tin thần "Bắc Ninh, Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Ninh, Bắc Giang"./.
Thùy Linh (tổng hợp)
VietinBank dành gần 100 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19  (25/05/2021)
Petrovietnam dành 30 tỷ đồng ủng hộ quỹ vắc-xin phòng COVID-19  (25/05/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển