Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long
TCCS - Với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc vào sáng ngày 16-10-2020. Đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo Đại hội.
Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ và 342 đại biểu đại diện cho gần 60.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Đại hội có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng, an ninh; đổi mới, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, Đại hội có trách nhiệm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá để đưa tỉnh tiếp tục phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Đại hội sẽ bầu chọn những đảng viên tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ, uy tín, tâm huyết vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Báo cáo chính trị do đồng chí Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang, trình bày tại phiên khai mạc Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh có bước phát triển khá nhanh và toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm; quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng); đứng thứ hai trong các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.458 USD (gấp 1,66 lần so với năm 2015). Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng bình quân 2,5%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng bình quân 8,2%/năm; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng gần 80% GRDP của tỉnh. Việc thực hiện ba khâu đột phá (gồm: phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; phát triển huyện đảo Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh) và các chương trình, dự án trọng điểm đạt kết quả tích cực. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 225.681 tỷ đồng, tăng 53,17% so với giai đoạn 2011 - 2015. Các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng cường sự liên kết, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.
Cùng với những thành tựu kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; chất lượng giáo dục đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,69%; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh củng cố, tăng cường; chủ quyền, biên giới quốc gia, biển, đảo được giữ vững. Công tác đối ngoại mở rộng, hiệu quả nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những thành tựu, Báo cáo chính trị cũng nêu lên một số hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua, như kinh tế - xã hội tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra và mục tiêu đưa Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước chưa đạt được; tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa nhiều. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng…
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, mục tiêu phát triển của tỉnh được Đại hội đề ra là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh, nhất là kinh tế biển, du lịch và công nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, vùng trời. Duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Đại hội đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD; huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 267.179 tỷ đồng; có 60% số trường trở lên đạt chuẩn quốc gia; 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; hằng năm, giải quyết việc làm từ 35.000 lượt lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Đại hội đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: (1) Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; (2) phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Sau khi điểm lại những thành tựu nổi bật, đồng chí Trương Hoà Bình cũng nêu lên và phân tích một số hạn chế, yếu kém của tỉnh. Nhất trí với chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI và các nội dung đã nêu trong Báo cáo chính trị, đồng chí Trương Hoà Bình đề nghị Đại hội tập trung làm rõ một số vấn đề sau, nhằm tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025:
Một là, Đảng bộ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên, tiềm năng về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Về nông nghiệp, Kiên Giang cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, tập trung cho nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, gắn với nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường và lợi nhuận của nông dân.
Tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt tập trung lãnh đạo phát triển các vùng du lịch trọng điểm mà tỉnh đã xác định, trong đó cần tiếp tục xác định Phú Quốc phải trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế theo định hướng của Trung ương. Cần có chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý chặt chẽ quy hoạch về đất đai, đô thị, rừng. Tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính thực chất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hai là, quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng mức sống người dân, quan tâm hơn nữa công tác phát triển văn hóa, chỉ số phát triển con người. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ... Phát triển mạng lưới y tế đồng bộ, chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả; chú trọng thực hiện các chương trình y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh. Thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào giảm nghèo bền vững, giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phải xem vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội là vấn đề quan trọng gắn liền với phát triển bền vững, nhất là ở địa bàn du lịch trọng điểm như đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên.
Ba là, cùng với việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần chú ý kết hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh gắn với đặc thù của địa phương (an ninh biên giới, vùng biển); xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết trấn áp và triệt xóa tội phạm có tổ chức. Quan tâm công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh điểm nóng.
Bốn là, tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ cần tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, năng động, sáng tạo hơn trong lãnh đạo, điều hành, nhất là tập thể Thường vụ, Thường trực, từng cấp ủy viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiêu biểu, gương mẫu, tiên phong trong rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ. Thực hiện tốt quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương trong Đảng; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt phải quan tâm việc tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa có đức, có tài, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của tỉnh cho trước mắt và lâu dài.
Năm là, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng vươn lên trong Đảng bộ và nhân dân, nhằm động viên tối đa mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 16-10-2020, đồng chí Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định và đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã trao quyết định của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và chỉ định đồng chí Nguyễn Thanh Nghị tham gian Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 51 đồng chí. Tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 14 đồng chí. Đồng chí Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các đồng chí Mai Văn Huỳnh và đồng chí Lâm Minh Thành được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ Kiên Giang khóa XI cũng đã bầu Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí; đồng chí Phạm Hoàng Nam được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung  (16/10/2020)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên  (16/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước  (15/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển