Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội: Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại
TCCS - Ngày 3-10-2020, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025. Đại hội có chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại". Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự Đại hội, về phía đại biểu Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn; cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.
Về đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, cùng lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 600 đại biểu là công dân Thủ đô ưu tú, đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020.
Trình bày báo cáo đánh giá kết quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020 của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong 5 năm qua (2015 - 2020), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội luôn quan tâm ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đã có sự đổi mới về chất, góp phần quan trọng cùng các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.
Trong 5 năm qua, hàng vạn tập thể, cá nhân thuộc thành phố đã được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng. Cụ thể, có 3.721 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng khen thưởng; 2.108 trường hợp được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 2 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 3 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc; 296 tập thể, 141 cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại; 203 lượt đơn vị xuất sắc được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; 387 tập thể, 490 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã khen thưởng 42.556 tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, đã có 59 cá nhân tiêu biểu được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” trong 5 năm 2015 - 2019.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, với chủ đề Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 là “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng nêu cao ý chí, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 5 năm (2020 - 2025) và những năm tiếp theo, xứng đáng với truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng, “Thành phố vì hoà bình”.
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước mà thành phố Hà Nội đạt được trong 5 năm qua; chúc mừng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đại diện cho các địa phương, đơn vị về tham dự Đại hội thi đua yêu nước và chúc mừng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực hiện tư tưởng thi đua yêu nước của Bác Hồ, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã không ngừng phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, nỗ lực thi đua phấn đấu, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2015 - 2020, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tiễn cho thấy chỉ khi nào công tác thi đua, khen thưởng được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, được mọi tổ chức xã hội tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, tự giác thì mới tạo ra được động lực thực sự và đạt mục đích, yêu cầu đã đề ra. Theo đó, phát huy truyền thống là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, Thủ đô Hà Nội phải tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu của phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Từng ngành, từng địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục phát động và chỉ đạo các phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, thiết thực; không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, tạo nên các phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, là trách nhiệm, tình cảm của các sở, ban, ngành, địa phương và của mỗi công dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội phải chú trọng gắn các phong trào thi đua với bồi dưỡng, xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” trong mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới. Công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Phong trào thi đua phải tạo động lực góp phần giải quyết tốt các nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào những lĩnh vực, những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, có thể huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện. Đặc biệt, thành phố cần có những cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Hà Nội trong mỗi chúng ta.
Thủ tướng cũng lưu ý, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để khen đúng, khen trúng, khen kịp thời; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ; khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, có ý nghĩa giáo dục và tạo được động lực tích cực trong xã hội, được dư luận đồng tình; tránh khen thưởng tràn lan làm suy giảm giá trị khen thưởng; kiên quyết chống bệnh thành tích; chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất người lao động, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, sau Đại hội, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô tiếp tục phát động và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu như Bác Hồ đã dạy, giữ vững là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước trong giai đoạn mới.
Tiếp thu những định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã phát biểu phát động, kêu gọi và đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 - 2025.
Cũng tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao Huân chương Lao động cho các tập thể có thành tích trong giai đoạn 2015 - 2020.
Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã vinh danh 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của thành phố giai đoạn 2015 - 2020 đã được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Trung Duy (tổng hợp)
Thành ủy Hà Nội trao giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng và phát triển văn hóa lần thứ ba năm 2020  (01/10/2020)
Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở toàn diện, bền vững  (29/09/2020)
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Nội  (29/09/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển