Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể và Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35
TCCS - Ngày 2 và 3-11-2019, tại Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Phiên toàn thể và Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. Cùng dự còn có lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35_Video: TCCS/TTXVN
* Phát biểu tại Phiên toàn thể ngày 2-11-2019, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Chủ tịch ASEAN năm 2019, bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ tận dụng cơ hội này để trao đổi quan điểm về các vấn đề trong khu vực.
Tại Hội nghị, các nước đã điểm lại kết quả triển khai những ưu tiên theo chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Các nước đánh giá cao tiến bộ đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần duy trì vai trò và ý nghĩa là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác trong khu vực, nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thúc đẩy ASEAN phát triển bền vững, phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch kế nhiệm ASEAN trong năm 2020, đã có bài phát biểu quan trọng, đề cao tinh thần đoàn kết và nhất trí của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật pháp. Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN phát huy tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, có quan hệ sâu rộng với các đối tác.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới còn nhiều phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, các nước cần có tiếng nói chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật pháp, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa chủ đề phát triển bền vững, đồng thời củng cố chất keo gắn kết giữa các thành viên thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường kết nối, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát triển bền vững tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, chuẩn bị thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đề cao bản sắc ASEAN, ý thức cộng đồng, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm, đồng thời nâng cao khả năng chủ động thích ứng của ASEAN trước những thời cơ và thách thức đặt ra từ chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng.
Thủ tướng khẳng định, ASEAN đã giữ vững đoàn kết và thống nhất, thể hiện qua lập trường nêu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52, đề cao tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, nhấn mạnh kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu qủa, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Thủ tướng cũng bày tỏ nguyện vọng của Việt Nam về việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, quyết tâm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 và Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, ủng hộ nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong việc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc. Việt Nam sẵn sàng tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, ủng hộ sáng kiến của Tổng Thư ký về “Hành động vì hoạt động gìn giữ hòa bình”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ tình cảm đặc biệt sâu sắc với Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như xây dựng đất nước hiện nay. Ông đánh giá Việt Nam là nước đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đánh giá cao sự tham gia hiệu quả và mong muốn Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, mong muốn Việt Nam phát huy vai trò nêu gương trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sử dụng năng lượng sạch có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai nhân loại.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, kết nối giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong Năm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021 của Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Ngài Thủ tướng Prayuth Chan-ocha sẽ lãnh đạo đất nước Thái Lan phát triển ổn định, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2019; chia sẻ với nước bạn về những thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Thái Lan hồi tháng 9-2019 vừa qua. Thủ tướng mong muốn hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả, triển khai các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, lao động, hợp tác an ninh - quốc phòng. Trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, Thủ tướng đề nghị Thái Lan quan tâm, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phân phối tại thị trường Thái Lan, quan tâm hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Thái Lan yên tâm sinh sống, làm ăn, hòa nhập vào xã hội sở tại.
Thủ tướng Thái Lan đề nghị hai nước tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề có tác động chung đến ASEAN như ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước, nhất trí cần tìm biện pháp tăng cường kim ngạch thương mại, quy mô đầu tư, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi nước kinh doanh thuận lợi.
Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ để đạt được các mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác, xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
** Ngày 3-11-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35.
Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha điểm lại những thành tựu ASEAN đạt được trong năm nay với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai. ASEAN đồng thời có những bước tiến mạnh mẽ thông qua triển khai “Tuyên bố Tầm nhìn các nhà lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững", văn kiện Tầm nhìn ASEAN về khu vực ASEAN và Ấn Độ Dương.
Thủ tướng nước chủ nhà cũng nêu ra những vấn đề ASEAN và thế giới phải đối mặt với những thách thức và bất ổn gia tăng; cho rằng đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng, ASEAN cần giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực và giữ gìn môi trường, chống rác thải đại dương, ô nhiễm không khí, đánh bắt cá trái phép, thúc đẩy bản sắc ASEAN, liên kết, kết nối với bên ngoài. Cùng với đó là tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình và ổn định lâu dài, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năng động và phát triển bền vững.
Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị các bên tiếp tục nỗ lực để kết thúc các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay, để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại và đầu tư. Để đạt được những điều này, ASEAN cần một mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững và bao trùm, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đồng thời với bảo tồn môi trường.
Ngay sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN dự các Hội nghị Cấp cao với các đối tác: ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22, ASEAN - Ấn Độ lần thứ 16, ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 10.
Sau Lễ bế mạc, Hội nghị sẽ diễn ra Lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Theo chương trình, dự kiến tại Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu giới thiệu về chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu  (10/10/2019)
Việt Nam - Campuchia sắp hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc  (06/10/2019)
“Không chủ quan để bảo đảm hoàn thành toàn diện, vượt kế hoạch năm 2019”  (03/10/2019)
Họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng  (02/10/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam