Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam luôn vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn
TCCS - Ngày 16-9-2019, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (19-9-1889 - 19-9-2019).
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và thành phố Hà Nội; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện gia đình Cụ Bùi Bằng Đoàn và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh ngày 19-9-1889, trong một gia đình nhà nho tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm Bính Ngọ (1906), dưới triều Vua Thành Thái, tại khoa thi Hương trường Hà Nam, Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân. Năm 1911, Bùi Bằng Đoàn tốt nghiệp trường Hậu Bổ. Trong thời gian làm quan Triều Nguyễn, Cụ được nhà Vua sủng ái, các quan trong triều ngưỡng mộ, được nhân dân kính trọng, tin cậy. Qua nhiều chức vị và được tin tưởng, năm 1944, Bùi Bằng Đoàn được nhà Vua ban tặng hàm Thái tử Thiếu bảo, và tham gia Viện Cơ mật của Triều đình Huế.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư trân trọng mời Cụ tham gia việc nước. Từ một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực trong triều đình phong kiến, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tự nguyện tham gia chính quyền cách mạng. Ngày 6-1-1946, tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, cụ Bùi Bằng Đoàn với chức danh cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông với số phiếu bầu rất cao. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội). Trên cương vị quan trọng này, cụ Bùi Bằng Đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và có nhiều đóng góp cho hoạt động lập pháp, tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp...
Năm 1947 - 1948, cụ Bùi Bằng Đoàn hoạt động ở chiến khu Việt Bắc. Tháng 8-1948, vì bị bệnh nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lệnh đưa Cụ về Liên khu 3 chữa trị. Ngày 13-4-1955, Cụ qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi. Do những công lao, cống hiến to lớn đối với dân tộc, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của Triều đình nhà Nguyễn cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, là người ham học, có tri thức uyên bác,… Cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực”.
Xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”, Cụ Bùi Bằng Đoàn, một vị quan thượng thư trong bộ máy triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng, bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Trên bất cứ cương vị nào, cụ cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân, sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội cùng cán bộ, đảng viên, toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của Cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quang trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Noi gương Cụ Bùi Bằng Đoàn trong mọi hoạt động và trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta luôn phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết, tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Noi gương Cụ, chúng ta nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối, trong đó có Cụ Bùi Bằng Đoàn đã lựa chọn”./.
Khai mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/09/2019)
Bế mạc Đại Hội đồng AIPA 40, Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên  (29/08/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển