Còn quan điểm trái chiều về hình thức kỷ luật giáng chức
TCCSĐT - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 10-6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc nên giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với cán bộ, công chức.
Giữ hình thức giáng chức phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giảm trong công tác cán bộ
Về vấn đề này, Chính phủ đề xuất hai phương án, phương án 1 là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức tại khoản 1 Điều 79 của Luật hiện hành và bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Phương án 2 là giữ hình thức kỷ luật giáng chức trong Luật.
Nghiêng về phương án 1, theo quan điểm của Chính phủ, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức do nếu quy định hai hình thức giáng chức và cách chức thì dễ dẫn đến tình trạng nể nang. Bên cạnh đó, nếu giữ hình thức giáng chức thì không phù hợp với vị trí việc làm, vì đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.
Nhất trí bỏ hình thức giáng chức, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng hình thức này có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cho cán bộ bị kỷ luật. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Nếu cán bộ bị kỷ luật nặng đến mức cách chức thì phải cách chức, còn nhẹ hơn thì cảnh cáo.
Việc kỷ luật bằng hình thức giáng chức không đủ tính răn đe, có thể dẫn đến việc nể nang, xử lý nhẹ hơn. Nếu cách chức qua thời hạn bị kỷ luật, cũng có thể bổ nhiệm lại, nếu đủ điều kiện.
Về hình thức hạ bậc lương, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc áp dụng luôn đối với công chức giữ chức vụ quản lý chứ không chỉ áp dụng riêng với người không giữ chức vụ.
Các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng đồng tình với việc không quy định hình thức kỷ luật giáng chức.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc phân tích để bảo đảm tương ứng với hình thức xử lý đảng viên là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ, thì đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, có 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc. Áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
“Nếu quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa, người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ, trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho lãnh đạo mới và khó khăn trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu”, đại biểu nói.
Trong khi có ý kiến ủng hộ quan điểm của Chính phủ thì ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần giữ hình thức kỷ luật giáng chức.
Có ý kiến cho rằng các lý do Chính phủ đưa ra tính thuyết phục chưa được cao. Về mặt pháp lý, quy định hình thức xử lý kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức, hình thức kỷ luật giáng chức cũng đã được áp dụng.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng hình thức giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền và lỗi này có thể xử lý được trong quá trình nâng cao chất lượng hiệu quả cán bộ, công chức.
Còn vì lý do vị trí việc làm đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị, khi đã thực hiện xong vị trí việc làm, các vị trí (kể cả vị trí chuyên viên) cũng đã được xác định và bố trí đủ, trong khi đó chưa thể giáng chức, cho thôi việc, do vậy vẫn phải sử dụng người này. Vì vậy, giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc có thăng, có giảm trong công tác cán bộ.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, việc thực hiện như Luật hiện hành trong thời gian qua không vướng mắc gì nhiều, giữa cách chức và giáng chức có khoảng cách rất lớn và đây là áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phân tích: “Giáng chức là hạ xuống chức mà khi giữ chức vụ đó, anh vi phạm bắt buộc phải hạ xuống. Còn cách chức là anh vi phạm ở chức mà anh không còn có thể giữ chức vụ đó. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức là đúng”.
Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu ý kiến đối với cán bộ, công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nhưng chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ. Trong khi đó áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp.
Đại biểu lấy ví dụ Trưởng phòng khi bị giáng chức xuống phó trưởng phòng, thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận hết mọi đóng góp của công chức trong quá trình dài, trong khi đó chỉ vi phạm trong quá trình làm trưởng phòng. Việc áp dụng giáng chức sẽ tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, công chức đó sửa sai, sửa chữa khuyết điểm của mình để tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu
Một nội dung khác trong dự thảo luật được đại biểu thảo luận là xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác là phù hợp với thực tiễn, vì thời gian qua có nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng luật.
Dự thảo bổ sung là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ, công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm.
Song, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, người nghỉ hưu có thể bị xử lý kỷ luật về Đảng, thậm chí kỷ luật xóa tên, có thể bị xử lý về hình sự nhưng lại xử lý kỷ luật thì không đúng. Vì người đó không còn là công chức, không còn trong cơ quan, đơn vị đó nữa, do đó, nên bỏ quy định này.
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết qua báo cáo xử lý cán bộ hằng năm, đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp với lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm để có quy định mang tính khả thi về hình thức giáng chức.
Về việc xử lý đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mà có vi phạm trong thời gian đương chức, Bộ trưởng cho biết luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu.
Bảo đảm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đến năm 2020
Chiều cùng ngày, với 86,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Quốc hội quyết nghị bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Điều 1a quy định việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Kể từ ngày 10-6-2019 đến ngày 01-02-2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua (10-6).
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 cho thấy ngày 06 và 07-6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành, phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Nghị quyết như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn hơn lý do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo thủ tục rút gọn và đề nghị bổ sung việc ban hành Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là vấn đề cấp bách đang phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và việc kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin phép Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào Chương trình kỳ họp và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 06-6. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn theo “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn” quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ sau khi bổ sung Nghị quyết số 81, sau năm 2022 có tiếp tục phải sửa đổi Nghị quyết này hay không và đề nghị thay vì sửa đổi Nghị quyết số 81 thì sửa điểm a khoản 1 Điều 69 theo hướng: “... đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên trừ trường hợp đặc biệt.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những khó khăn trong việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ phát sinh trong giai đoạn quá độ hiện nay khi chuyển giao giữa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 với luật mới năm 2014.
Từ năm 2022 trở đi, nguồn Thẩm phán cao cấp để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã được bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ. Vì vậy, từ năm 2022 trở đi sẽ không phải sửa Nghị quyết số 81 và cũng không cần thiết sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chủ động nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho các giai đoạn tiếp theo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình tổ chức thực hiện, khi lựa chọn các nhân sự cụ thể, cần cân nhắc thận trọng, bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn luật định nhưng chú ý lựa chọn những người đã có thời gian nhất định giữ ngạch Thẩm phán cao cấp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tránh bổ nhiệm những người có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp quá ngắn./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-6-2019)  (10/06/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-6-2019  (10/06/2019)
Đưa việc thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác  (10/06/2019)
Đưa việc thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác  (10/06/2019)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên